Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Cần tôn trọng bạn đọc mạng

BÙI VĂN BỒNG

Mạng internet là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, tạo dựng phát triển và là điều kiện tiên quyết mở ra thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, đáp ứng nhanh, nhạy, kịp thời, đầy đủ quyền được thông tin của con người. Đó là nhờ thành công của nghiên cứu và ứng dụng công nghệ từ lý thuyết bức xạ điện từ (hay sóng điện từ) có cơ sở khoa học tạo nền từ cuối thế kỷ 19 do các công trình nghiên cứu chuyên sâu về điện và từ của nhà toán học người Scotland (J.C Maxwell) dựa trên lý thuyết căn bản của M.Faraday.

Những tính toán của ông chứng tỏ rằng sóng điện từ có thể truyền với vận tốc ánh sáng và điều này khiến cho ông đưa ra những dữ liệu minh chứng ánh sáng cũng là một loại sóng điện từ. Năm 1888, H. Hertz đã dùng điện phát ra các sóng có tính chất giống như ánh sáng và do đó đã xác nhận những ý tưởng tuyệt vời của Faraday và Maxwell. Khi lan truyền, sóng điện từ mang theo năng lượng, động lượng và thông tin, một dạng điện động lực học của ngành điện từ học…, được tính toán theo phương trình Maxwell. Chúng ta được hưởng thụ những thành công sáng chế nhiều loại hình sóng điện từ, thông tin điện tử, vi mạch dẫn, mạng Internet là nhờ các nhà khoa học tài năng ấy.

           Thế nhưng, vấn đề đặt ra là sử dụng máy tính, mạng Internet thế nào để đem lại những giá trị có ý nghĩa cho cuộc sống và cho toàn xã hội. Đặc trưng của mạng dựa theo sóng điện từ là chuyển tải thông tin, dữ liệu từ thực sang ảo, từ ảo lại về thực, không có gì tách rời. Cho dù “ảo” đến cỡ nào, tùy tiện hay có trách nhiệm, trung thực hay giả dối, thì người đọc trong làng mạng, cư dân cộng đồng mạng đều có suy ngẫm, nhận xét, so sánh, kiểm chứng xem nên tin hay không tin. Cho nên, cho dù lên trang website, báo điện tử, blog hay “chát chủng” đều phải biết rằng, khi đã tung tin, tung sóng gì lên mạng thì “sản phẩm” đó không còn là của riêng mình nữa mà đã ra xã hội. Nhà nước không cần phải bỏ một đồng ngân sách nào để đầu tư, trả công cho “các nhà mạng”, nhưng vẫn có nguồn thông tin phục vụ chung cho xã hội rất đa dạng, phong phú. Một trang blog hay trang mạng “tự do” thiết lập, người trực tiếp làm chủ các hệ điều hành trong phạm vi có thể chính là một chủ thể đồng thời là chủ trang mạng, vừa là Tổng biên tập, biên tập viên, người viết, admin quản trị mạng, post comment (lời bình) của bạn đọc…cả “7-8 việc trong 1”, càng cần biết tôn trọng bạn đọc mạng và đối tượng cần thông tin, giao lưu.

Báo mạng (kể cả các trang blog) có tiện lợi hơn báo viết là sửa lại hoặc loại bỏ bài viết, chỉnh cho chuẩn thông tin rất nhanh, dễ dàng hơn báo in, chỉ cần trong vài phút là thông tin sai lệch được cải sửa ngay. Trong khi dó, báo in khi đã “giấy trắng” mực đen, phát hành rồi thì vô phương sửa lại, chỉ còn cách đính chính vào số báo khác mà thôi.

          Mới đây, trên trang anhbasam.com, anhbasam.wordpress.com, có đăng một thông báo đính chính của trang blog Dragon Capital: “Ngày 21/8, trong bản tin gửi cho các nhà đầu tư, Dragon Capital đã đưa ra thông tin về việc ông Tô Hải, Tổng giám đốc của CTCK Bản Việt được triệu tập để hỗ trợ điều tra sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Dragon Capital thừa nhận đây là một thông tin sai và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ông Hải. “Chúng tôi muốn sửa sai thông tin này và gửi lời xin lỗi tới cá nhân ông Hải và các đồng nghiệp tại CTCK Bản Việt” – thông báo trên website của Dragon Capital viết”.

Việc làm đó của trang blog Dragon Capital cũng như nhiều trang bog khác, các trang báo mạng khác, đã được bạn đọc tán đồng và hoan nghênh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều trang blog tung lên mạng những thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng rõ ràng, thậm chí tùy tiện bịa chuyện, đơm đặt, nói lấy được, lồng cá nhân vào, đem đến cho người đọc nhưng thông tin thiếu chính xác. Kể cả dùng từ trong bài viết và ý kiến nhận xét, lời bình cũng đừng vì quá cực đoan, bực tức mà dùng các từ chửi đổng, chửi thề, văng tục cốt cho hả giận, trút bỏ tức tối, "sướng miệng"... không đem lại thông tin hoặc ý nghĩa giá trị gì mà dễ bị phản cảm, gây khó chịu cho nhiều người đọc. Làm như thế, trước hết trang mạng đó tự làm mất uy tín của mình với bạn đọc cộng đồng mạng, sau nữa là gây phức tạp, đa chiều trong dư luận xã hội, nhiễu thông tin, thiếu văn hóa, quảng cáo tùm lum, nhiều khi ảnh hưởng cả danh dự, uy tín người khác, ảnh hưởng cả đến sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội sức khỏe con người…

            Xã hội hiện đại hóa bởi công nghệ thông tin hiện nay ngày càng đông đảo bạn đọc trên cộng đồng mạng. Thông tin trên mạng trung thực, chính xác rất cần cho mọi người. Đó là thứ “trời cho” rất quý và thuận tiện trong tiếp nhận, giao thiệp, trao đổi, kiểm chứng thông tin. Lãnh dạo cũng rất cần giỏi sử dụng vi tính, thường xuyên rà đọc các luồng, các nguồn thông tin trên mạng. Nó giúp ích rất nhiều, là kênh thông tin đa chiều từ thực tiễn cần thiết phục vụ cho nhận định, đánh giá, phân tích vấn đề, thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo hữu hiệu.

Cụ thể nhất là hồi đầu năm nay, trong khi người dân dài cổ chờ thông tin các báo, nhưng nhờ các trang blog, các loại hình thông tin mạng, Văn phòng Chính phủ chỉ trong thời gian ngắn đã đọc, tổng hợp, phân tích tới gần 800 tin, bài về vụ Tiên Lãng (Hải Phòng). Cũng cần nói thẳng ra rằng, nếu không nhờ các trang blog có trách nhiệm và đưa tin chính xác, ý thức xây dựng, nói thẳng nói thật  từ cơ sở, các bài bình, thư góp ý, những bài phân tích qua mạng, chỉ nhìn vào một ít thông tin lèo tèo, chung chung, vừa đăng vừa xin ý kiến, nơm nớp lo bị “bẻ giò” của các bào “lề phải”; lại chờ các bộ, ngành chủ quản đi xác minh, về báo cáo, thì chắc chắn Chính phủ không thể giải quyết vụ Tiên Lãng một cách nhanh chóng, chính xác, đúng bản chất vấn đề như vậy. Các vụ Văn Giang, Vụ Bản, Bỉm Sơn, Cần Thơ,.. các trang mạng blog cũng là những chiến sĩ xung kích "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" đem đến cho bạn đọc những thông tin có giá trị, giúp cho dư luận nhanh chóng hiểu đúng bản chất sự việc.

Quan niệm các trang mạng là “thứ lá cải”, là “lề trái” có hại, thậm chí phân biệt đối xử, ác cảm, muốn dẹp đi là không thức thời, là sự bộc lộ trình độ kém cỏi, lạc hậu, bảo thủ. Tổng thống Barack Obama đã nói: “Mạng internet là sóng của trời, đâu phải của con người tất cả mà dễ quản lý. Con người chỉ có thể quản trị, tuân thủ các phân giải kỹ thuật đã qua nghiên cứu, sáng chế, cải tiên nó, không ai hạn chế, hay quản lý được mạng internet, đừng làm ngược quy luật của hoa học và phá vỡ, gây nhiễu các hiện hữu của quy trình kỹ thuật hiện đại”. Nếu chỉ theo ý chủ quan mà dùng các biện pháp ngăn chặn mạng thông tin nào đó có lợi, ít hại cho xã hội là sự bộc lộ thiếu văn hóa, không tôn trọng bạn đọc cộng đồng mạng, coi thường (hoặc sợ) dư luận xã hội, cũng coi như vi phạm nhân quyền.

           Tháng trước (ngày 5/7), Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã nhất trí ủng hộ quan điểm rằng: Được truy cập Internet và tự do thể hiện suy nghĩ của mình trên Internet cần được công nhận là một quyền cơ bản của con người. Trong một Nghị quyết được thông qua về vấn đề này nêu rõ: Tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, dân tộc… đều có quyền được sử dụng, truy cập Internet và tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của bản thân họ trên mạng thông tin toàn cầu này. Tất cả 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền, bao gồm cả những quốc gia nổi tiếng trong vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng như việc truy cập vào các website của người dùng như Trung Quốc, Cuba đều đặt bút ký vào bản Nghị quyết đầy ý nghĩa này. Tuy nhiên, riêng đại biểu Trung Quốc, ông Xia Jingge, trước khi đặt bút ký còn bảo thủ và lòi đuôi Tàu, nói rằng Văn bản Nghị quyết này không phải là một dấu hiệu cho thấy TQ sắp sửa phá bỏ cái gọi là “Vạn lý tường lửa” (Great Firewall of China) - một hình ảnh ví von cho sự kiểm duyệt Internet nghiêm ngặt của quốc gia này. Vào tháng 6 năm ngoái, trong một báo cáo khác của mình, Liên Hợp Quốc cũng đã coi được truy cập Internet là một quyền cơ bản của toàn nhân loại. Vì thế, các trang mạng khi đã “tung sóng” cần rất thận trọng, chọn lọc thông tin có giá trị, trung thực và tự  thấy cần thiết trước khi tung lên mạng, khi bấm “chuột” phải có trách nhiệm, xứng tầm “văn hóa mạng” và biết tôn trọng bạn đọc cộng đồng cư dân mạng trong thời đại hiện nay. Khi nhận được những phản hồi góp ý đúng cần phải sửa ngay.
Bùi Văn Bồng

7 nhận xét:

  1. Giá trị thông tin sẽ được người đọc phán xét. Trang thông tin nào bá láp, vô văn hóa và thiếu trách nhiệm thì tự khắc nó chết yểu vì người đọc trên mạng bây giờ dư thông minh và bản lĩnh để nhận diện. Đơn giản thế thôi! Nói lòng vòng như bác về văn hóa, trách nhiệm,...trước khi bấm chuột nghe rắc rối và lòng vòng vãi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là vãi thật. Khi bế tắt thì người ta hay lý luận.

      Xóa
  2. Trong vụ Tiên Lãng có những báo như Đại Đoàn Kết sẵn sàng đi ngược lại sự chỉ đạo của Chính phủ, chỉ bởi lão TBT Đinh Đức Lập cùng đệ tử Trần Thanh Tường đã chót ăn bữa thịt chó của Hải Phòng.

    Thông tin được phản ánh từ anhbasam

    http://anonymouse.ru/cgi-bin/nph-proxy2.cgi/010110A/uggc:/=2fnauonfnz.jbeqcerff.pbz/2012/02/17/734-qnv-qbna-xrg-yvra-xrg-qnv/

    Trả lờiXóa
  3. Trước khi trách người hãy xem lại mình!!!cha mẹ toàn phường trộm cướp thì đẻ ra lũ con bát nháo thì vẫn còn có phước đó!!

    Trả lờiXóa
  4. Tưởng cụ Bồng nà ai,mình vào gú gồ thấy mẹt cụ rùi!!khỏi còm nàm gì!!hi hi

    Trả lờiXóa
  5. Với cách giáo dục như hiện nay thì tương lai DNVN bị các DN nước ngoài hạ bệ là chuyện bình thường, vì đào tạo kiểu con người XHCN thì khó mà cạnh tranh nổi với thế giới, Có lẻ phải lệ thuộc cả thế giới rồi nhất là lệ thuộc Tàu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chả hiểu bác này muốn nói gì ở đây?

      Xóa