Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Học cụ Nguyễn và thày tôi

Cụ Nguyễn, ấy là cụ Nguyễn Tuân, nhà văn nổi tiếng của xứ ta. Người đời, thời cụ còn sống cũng như sau này hay nhắc đến cụ với câu nói, tương truyền "tôi sống được đến hôm nay là nhờ biết sợ". Tôi thì tôi lại đồ rằng cụ Nguyễn không bao giờ phát ngôn thế, hoặc nếu có thì cũng chỉ là lúc hài hước vui vẻ mà đùa vậy thôi. Bởi con người, khí chất cụ Nguyễn mà thế hệ tôi biết và đọc qua tác phẩm cụ khác cơ.

Cụ Nguyễn Tuân cùng tuổi với cụ thân sinh tôi, quê tôi gọi là thày, cùng năm Canh Tuất 1910. Cụ Nguyễn nhà văn ngồi chiếu trên trong làng văn nghệ, còn thày tôi chỉ nông dân chân quê đồng ruộng. Thày tôi cùng năm sinh nhưng chịu cảnh lạc thời bởi học nho vào lúc đã tàn mà tây học thì lại chưa đến nơi đến chốn. Thông thạo cả chữ nho chữ Pháp nhưng hầu như suốt đời làm ruộng. Có chút kiến thức sống nơi quê kệch nên cũng khác người, mà đặc biệt nhất là không cam chịu, cúi đầu, không chấp nhận lề thói tầm thường, cái ngang tai trái mắt. Thời Pháp cai trị cũng thế mà thời ta "làm chủ tập thể" cũng thế. Không ít lần thày tôi thảo đơn bỏ vào phong bì dán cẩn thận bên ngoài đề "Kính gửi thủ tướng Phạm Văn Đồng" nội dung tố cáo bọn quan tham cấp xã cấp huyện, đưa cho anh em tôi đem lên bưu điện huyện Kiến Thụy gửi. Chả biết họ có chuyển cho thủ tướng hay không, có giải quyết vụ nào không nhưng thày tôi vẫn nhất mực giữ lòng tin, nguyên tắc bất di bất dịch rằng sống ở trên đời phải đấu tranh với cái xấu cái ác, cái phủ nhận giá trị con người. Vì vậy, dư luận gọi thày tôi là ngang, là gàn. Nhưng người làng quê tôi mỗi lần nhắc đến sự ngang sự gàn ấy bao giờ cũng gửi vào đó niềm kính trọng đối với một nhân cách ngay thẳng. Mấy anh chị em tôi người nào cũng chịu ảnh hưởng sâu nặng của nhân cách này. Mà hình như cũng chả phải chỉ có ở trong gia đình tôi mà phổ biến trong cả dòng họ. Những người anh con các bác tôi hầu như ai cũng thế, sau này các cháu cũng thế, mặc dù có đứa làm đến chót cấp tá, hiệu trưởng hiệu phó các trường... Họ nhà tôi bị coi là gàn nhất làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Ở cụ Nguyễn Tuân, tôi cũng tìm ra nhận ra sự ngang gàn đó. Cuộc đời cụ để lại nhiều giai thoại, truyền kỳ. Nhưng thứ người ta nhớ nhất ở cụ luôn là khí phách, ngay thẳng, không chấp nhận cúi luồn. Văn cụ bao giờ cũng toát lên nhân cách, thái độ cương trực. Có khi trong cả một tác phẩm, cũng có khi chỉ một chữ một câu cũng đủ nói hết. Tôi trộm nghĩ, ở Nguyễn Tuân có cả sự cứng cỏi của Hữu Loan, dứt khoát của Nguyên Hồng, không khuất phục cường quyền của Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, chỉ có điều trong sự chọn lựa chỗ đứng của mình lúc ấy, cụ Nguyễn thiếu chút dứt khoát như các vị kính mến kia, mặc dù quặng "phản kháng" tiềm ẩn trong con người cụ không phải ít, nếu không nói là có thể còn hơn các vị tôi vừa nhắc đến.

Dẫu sao, tôi cứ kính phục cụ Nguyễn cũng như kính phục thày tôi. Ngay những lúc cuộc sống nhố nhăng xô bồ khó chịu nhất, cụ Nguyễn vẫn tỏ thái độ rõ ràng:

Giữa ngàn thác lũ nghiêng trời đất
Mà cánh đào kia vẫn ngược dòng.

Tôi coi đó là phương châm sống, của cụ Nguyễn, của thày tôi, và của tôi nữa. Tôi trung thành với nguyên tắc ấy. Đó là bản tính tốt đẹp của con người, mà bản tính thì không dễ gì thay được, bỏ được, dù biết mình có khi chịu thiệt thòi.

7.8.2013
Nguyễn Thông

10 nhận xét:

  1. Tuyệt ! Mong anh luôn vững vàng theo gương sáng mình đã chọn.

    Trả lờiXóa
  2. ...Người trung mang lấy oán thù.
    Bao nhiêu người nịnh vọng dù nghinh ngang
    Vọng dù là của quan tham
    Ngượi trung quân tử ai màng lợi danh...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CN Mác, Lênin và HCM toàn tập không hề có một chữ "quân tử" - và vì thế, bảo đảng viên CS hành xử cho ra con người quân tử thì thật là đánh đố nhau.Tương tự, trong CN Mác, Lênin và HCM toàn tập đố bác tìm ra một chữ đại loại như "bác ái" "tha nhân" "vô minh" "hư không" "vị tha" "bao dung" "yêu thương" thậm chí có chương về "luật nhân quả" nhưng không hề biết "ác giả ác báo", "tham thì thâm" là gì...CS dạy làm CM chiến đấu, dành và chiếm (quyền &lợi) là mục tiêu. Nghiệm ra rằng cái gì còn tốt đẹp của XH Việt là nhờ truyền thống đạo đức của cha ông. Cứ xem nhà nào, địa phương nào còn giữ nề nếp gia phong thì còn ổn, còn nhà nào chổ nào cứ từ chân đất, theo đảng phần đa thì lắm điều đau lòng, suy đồi chứ không còn là suy thoái. CNCS, từ Châu Âu áp vào dân Việt thì như quả đại bác, thổi tung và quét sạch cả nền tảng XH đã từng tồn tại hàng trăm năm ở cái xứ Vina xa xôi này. Điều an ủi là nó có sức lôi cuốn cũng như kiềm tỏa chặt đến nỗi nhiều con người đã từng trung chính, quân tử không tiếc gì máu xương để xẻ dọc Trường Sơn, hứng bom đạn mất mát ..mà vẫn phải...ghi ơn nhớ Bác.

      Xóa
  3. Từ rất lâu đã có câu "Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Luồn lọt lèo lá lại lên lương"
    Vẫn biết vậy và bản thân đã bị thua thiệt nhiều nhưng vẫn noi theo tâm gương của gia đinh và bản tính cũng không chịu luồn cúi nên đồng cảm với bác Thông.
    Do vậy trong cuộc sống luôn thanh thản và tự hào.

    Trả lờiXóa
  4. Chết vinh hơn sống nhục nhưng giờ đây cái vinh nó đã thay đổi chuẩn mực,lệch lạc quá,thậm chí ở cả những người được cho là tinh hoa.Vận nước thế này nếu không bị thôn tính hay phụ thuộc thì mới gọi là LẠ

    Trả lờiXóa
  5. Con người khi sống trên đời cần có một nguyên tắc nào đó để theo đó mà đi cho hết những năm tháng ở cỏi tạm này .. Tuy nhiên nguyên tắc sống đó đôi khi phải uyển chuyển một tí dể cuộc đời có thêm.. hương vị !!! Chứ sống theo duy nhất một nguyên tắc hoài cũng chán lắm, phải không bác Thông ???

    Trả lờiXóa
  6. Tôi thấy chú viết bài này chắc bây giờ không bao giờ có những con người như các cụ ngày xưa nữa . Làm gì còn liêm chính chí công vô tư .

    Trả lờiXóa
  7. Tôi cũng cảm nhận được khí chất đó ở bác Thông ngay từ khi mới biết và đọc blog của bác.Tôi rất đồng cảm với bác vì may thay, tôi cũng đã luôn nghĩ và ứng xử như thế trong suốt 38 năm 6 tháng làm " cán bộ Nhà nước". Rất nhiều người bảo tôi hâm, dại nên suốt đời thiệt...nhưng sau gần 3 năm rưỡi nghỉ hưu (nghỉ trước tuổi)ngồi/nằm tự tổng kết lại tôi chẳng thấy thiệt gì mà chỉ thấy được nhiều hơn: con cái học hành giỏi, ra trường có việc làm đúng chuyên môn, thu nhập khá (đương nhiên là không làm trong cơ quan Nhà nước); bản thân về hưu lại được đồng nghiệp, bạn bè quý trọng hơn và thừa nhận cách sống của mình thời đang công tác là đúng và đáng nể.
    Bạn đồng tuế, đồng môn của bác Thông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ phường giá áo túi cơm
      U mê chỉ nghĩ lương tiền mà thôi.
      Chữ Trung chỉ để đít ngồi
      Khi còn đồng đảng với quân gian tà.

      Xóa
  8. Không biết Nguyễn Tuân viết tùy bút "Cây đào cộng sản" có phải là do "biết sợ" hay không. Nhưng tác phẩm này đã trở nên bất hủ vì được cho vào sách giáo khoa dạy trẻ con, bài "Cây đào Tô Hiệu". Trẻ con đứa nào cũng biết, tôi còn nhớ dòng đầu: "Tại nhà tù Sơn La cũ của Pháp có một cây đào mang tên người, cây đào Tô Hiệu". Bây giờ mới biết đấy là chuyện bịa đặt: Tô Hiệu ho lao giở sống giở chết không sức đâu mà trồng cây. Mà có muốn trồng cũng chả được, gác ngục không có cho. Còn đào rừng ở Sơn La mọc khắp nơi, người điên mới đi trồng. Nhưng bây giờ nhờ Nguyễn Tuân nên ở Sơn La có cây đào có tấm biển ghi rõ là cây đào do chính đồng chí Tô Hiệu tự tay trồng. Nghe nói tỉnh ủy Sơn La cũng có một cây y chang.
    Tôi nể ông Nguyễn Tuân ở chỗ sợ mà thừa nhận là mình sợ. Trong khi những kẻ xung quanh luôn tự nhận là mình khảng khái, trượng phu.

    Trả lờiXóa