Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Vì một nền công vụ hẳn hoi

    Tôi không dám dùng những từ ngữ đao to búa lớn, chỉ xin dùng chữ “hẳn hoi” mà ông bà ta nói - nghe đã quen tai, để gắn vào chủ đề nền hành chính công, hay còn gọi là công vụ. Hẳn hoi có nghĩa rành mạch, rõ ràng, đâu vào đấy, có được đầy đủ các yêu cầu, theo đúng những tiêu chí mà cuộc sống và con người đòi hỏi.
 
    Ai cũng biết tất cả pháp luật, đường lối, quan điểm, chính sách của nhà nước để đến được với dân đều phải thông qua nền công vụ. Nước nào cũng vậy chứ không riêng gì nước ta. Vấn đề cần trao đổi ở chỗ nền công vụ ấy như thế nào mà thôi.

    Báo Thanh Niên hôm qua 24.4 có bài “Hành hạ” người nhận trợ cấp thất nghiệp đã đặt thẳng vấn đề về những lỗ hổng, gây khó, xa rời thực tế, thậm chí phi lý của nền hành chính công đang tồn tại. Lâu nay, dân gian nửa đùa nửa thật gọi nền công vụ của chúng ta “hành là chính” không phải là không có lý do. Đã rất nhiều năm, nhà nước luôn chủ trương, kêu gọi cải cách hành chính sao cho có một nền công vụ (gồm những chủ trương, chính sách và bộ máy thực hiện) lành mạnh, trong sạch, hiệu quả, giảm bớt phiền hà cho dân nhưng kết quả vẫn chưa như ý muốn. Một nền công vụ hẳn hoi, chấm dứt những lời ra tiếng vào, lấy mục đích vì nhân dân phục vụ vẫn là mong muốn của đông đảo nhân dân.


    Theo như bài báo trên, người lao động đủ tuổi 60 phải nghỉ theo quy định hiện hành. Chả mấy ai muốn bị mất việc khi chưa đủ thâm niên tính hưu, với tuổi ấy thì tìm việc làm không dễ chút nào. Lẽ ra với những trường hợp như thế, việc giải quyết trợ cấp thất nghiệp phải bám sát hoàn cảnh, con người thực tế nhưng bộ máy công vụ lại quá cứng nhắc, máy móc. Hay trường hợp mua bảo hiểm y tế tự nguyện chẳng hạn, một mặt nhà nước khuyến khích người dân mua, mặt khác lại nảy nòi quy định nếu muốn mua thì phải mua cho cả nhà. Đó là hành dân, làm khó dân.

    Thực ra, để có được nền công vụ hẳn hoi không phải là điều quá khó khăn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (trích Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, tháng 10.1945). Cụ Hồ đã chỉ rõ bộ máy hành chính ấy sinh ra không phải cho có mà nó chính là “công bộc”, nghĩa là người đầy tớ của dân. Mọi chính sách, văn bản, quy định áp dụng với dân làm sao phải có lợi cho dân nhất, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận dễ dàng, hợp lý và công bằng. Đừng chỉ nhăm nhăm bảo vệ lợi ích của bộ máy công vụ mà xem nhẹ lợi ích của dân chúng. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy ở nhiều nước phát triển, thủ tục hành chính được đơn giản một cách tối ưu, còn bộ máy thực hiện, đội ngũ công chức lại có tính chuyên nghiệp cao, hiểu biết kỹ lưỡng và giải quyết tận tình những quyền lợi cơ bản của dân.

    Một chính quyền “ của dân, vì dân, do dân” không thể tồn tại những quy định, chính sách xa lạ với dân. Xã hội không chấp nhận thái độ vô cảm trước công việc, trước nỗi lo, nỗi đau của người dân trong một bộ phận cán bộ, công chức thừa hành. Dành phần dễ cho mình, dồn việc khó cho dân bằng những “quy trình”, thủ tục nhiêu khê phiền hà, sợ trách nhiệm, không quản được thì cấm… là những đặc điểm của một nền hành chính cai trị, đó là chưa kể những thói hư tật xấu khác thường nảy nòi trong cái nền “hành là chính” ấy như hách dịch, vòi vĩnh, tắc trách, tham nhũng…

    Làm cho thủ tục hành chính trở nên gọn nhẹ, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, sát với thực tế  và mang lại lợi ích chính đáng cho người dân chính là đòi hỏi bức bách hiện nay.
Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Mơ à bác phải khó cho nó biết mình quan trọng chứ. Kho khăn cho nó lòi tiền ra

    Trả lờiXóa
  2. Bác trọng đạt hoàng nói quá chuẩn. Các quy định phải rườm rà rắc rối đến mức thằng dân đen dù chậm hiểu đến mấy cũng phải hiểu là bó tay, không thể làm được. Có thế thì mới “đầu tiên?” được chứ.
    Nhân viên hành chính ở các nước đang giãy chết nhìn nhân viên hành chính nước ta mà “há mồm mơ nước…Việt” (thơ Tố Hữu). Bên họ khổ lắm: mọi thứ đơn giản, rõ ràng và minh bạch, dân nó biết hết nên chả gợi ý được gì, đồng lương còm chỉ đủ ăn thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”

    Bác Nguyễn Khắc Mai cũng nói rồi, Cụ Hồ nói thì hay lắm . Có nghĩa xét về việc làm của Bác Hồ thì chẳng bằng con Tự Do .

    Chính phủ thế là học được "hành động" Hồ Chí Minh rồi đấy!

    Trả lờiXóa
  4. Ở các HTX Dịch Vụ Nông Nghiệp, cái tên sót lại sau khi xóa bỏ HTXNN, việc bán nước-xin lỗi, cung cấp nước, giao cho các thủy nông viên. Các ông này có tay nghề tháo nước vào ruộng khá thuần thục: Tạo vật cản giòng chảy, mức nước mương nội đồng dâng cao hơn mặt ruộng. Một hai nhác cuốc bổ xuống, nước vào ruộng thoải mái. Suy ra, hành chánh hiện nay cũng thế. Không nhiễu dân, không hành dân thì chút ít nước tiền làm sao vào được ruộng túi. Đó mới chỉ là loài tham vặt. Loài phàm ăn, mà ăn miếng bự thì phải nghĩ ra cách be bờ cản dòng chảy qui mô hơn, thậm chí, lên kịch bản, lập trình hẳn hoi. Chúng biết trước lúc nào, ai, số lượng vàng tiền sẽ tự nhiên mang đến cống nạp, chảy vào két sắt ruộng của chúng. Viết cả trường thiên nhiễu sự hành chánh cũng không thể nào hết được.

    Trả lờiXóa