Nói ngay, đó là bản đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025 do Ban Tuyên giáo của đảng cầm quyền và Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông soạn thảo, đã được trình lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị, đặt lên đặt xuống mãi, lật qua lật lại mấy lần, có sửa chữa, thêm bớt, cân nhắc đủ thứ, đã được thông qua lần chót (như ông thứ trưởng hãnh tiến của bộ 4T cho biết), sẽ ban bố sớm trong tháng 4 này.
Thực ra việc cần phải rà soát lại hệ
thống, bộ máy báo chí hiện hành không phải là điều mới mẻ gì. Ngay từ năm 2006,
Bộ Chính trị và đích thân ông Tổng bí thư đã nêu ra vấn đề trên, giao nhiệm vụ
cho Ban Tuyên giáo và Bộ 4T soạn thảo. Tính ra phải mất gần chục năm họ mới xây
dựng xong cái đề án, có nghĩa là họ đã cân nhắc kỹ lắm, cẩn thận lắm rồi. Có
nghĩa là phen này thực hiện rốt ráo chứ không phải chơi, không rao khơi khơi,
đánh trống bỏ dùi, ném đá ao bèo như mọi lần.
Mục đích của đề án quy hoạch là gì,
theo chính đề án nêu “nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh,
đúng hướng”. Tất nhiên, ai cũng hiểu, lành mạnh, đúng hướng tức là phải ngoan
ngoãn chịu sự lãnh đạo, chỉ bảo của đảng, của nhà cai trị. Đề án này thực ra là
cuộc chỉnh đốn, diệt trừ những tờ báo vô tích sự hoặc có hại cho chế độ đường
thời, được nấp dưới tên gọi “quy hoạch phát triển”.
Một nhà báo đã được xem bản đề án bảo
rằng nội dung đề án nêu khá nhiều khía cạnh nhưng rất đáng lưu ý 2 vấn đề: Mỗi
địa phương tỉnh thành chỉ được có 1 tờ báo in, còn lại những báo xưa nay thuộc
địa phương thì phải sáp nhập thành ấn phẩm phụ của báo chính, hoặc là dưới dạng
tạp chí, hoặc tự giải thể. Sáu (6) tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định tại
điều 9, điều 10 bản Hiến pháp 2013) gồm: Mặt trận tổ quốc VN, Tổng liên đoàn
lao động VN (Công đoàn), Hội nông dân VN, Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Hội liên hiệp phụ nữ VN,
Hội cựu chiến binh VN được quyền mỗi tổ chức có 1 tờ báo in, những tờ báo khác
không thuộc nhóm 6 kia chỉ được tồn tại dưới dạng tạp chí (đương nhiên không thể
ra hằng ngày), ấn phẩm phụ, trang tin điện tử (không phải báo điện tử). Nói tóm
lại, số báo in, nhất là nhật báo (ra hằng ngày) sẽ bị giảm tối đa.
Chúng ta đều biết, hiện thời rất nhiều
cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí. Có thể đó là tiếng
nói của chính đoàn thể, cơ quan, tổ chức đó, nhưng cũng chẳng thiếu trường hợp
bán giấy phép, để mặc bên ngoài thao túng.
Vậy thì đề án quy hoạch báo chí có cần
không? Theo tôi: Cần và không cần.
Dẹp bớt cái đám báo chí bùng nhùng,
èo uột, dở sống dở chết, tốn hại tiền ngân sách, tiền thuế của dân, là cần thiết.
Và càng cần hơn khi, như người ta nói, gần 800 cơ quan báo chí mà cũng chỉ như
một, với vị tổng biên tập là ban tuyên giáo, chung một giọng, chỉ biết mải miết
thực hiện định hướng, đi đúng lề phải, sa vào lá cải cướp giết hiếp, tình tiền
tù tội… rẻ tiền, bị người đọc thờ ơ, tẩy chay, thì dẹp là phải rồi.
Phải trả báo chí về xã hội dân sự phù
hợp với nền kinh tế thị trường, bắt nó tự cung tự cấp, tự hạch toán; nếu làm
hay, đứng đắn, đàng hoàng, thời sự, khách quan, không câu khách rẻ tiền, đủ sức
thu hút được bạn đọc… thì tồn tại, thì sống. Còn không thì tự tiêu vong. Báo gì
thì báo, dù của đảng cầm quyền, của quân đội, công an, mặt trận… cũng cứ phải tự
lo, phải chấm dứt sống dựa ngậm vào bầu vú ngân sách. Dân không thể cứ còng
lưng mãi đóng thuế nuôi những tờ báo mà cả đời họ không đọc, ví dụ tờ Nhân Dân,
tờ Quân đội, tờ Công an. Không ai cấm nó tồn tại, nhưng đừng biến nó thành thứ sống
tầm gửi vào mồ hôi nước mắt nhân dân.
Quy hoạch gì thì quy hoạch, đừng cả
vú lấp miệng em, đừng theo ý chí chủ quan mà bất cần biết hiện thực đang diễn
ra như thế nào. Hiện tại cho thấy, những tờ báo đang đứng trước nguy cơ bị dẹp,
bị sáp nhập, hoặc tự giải tán lại chính là những tờ báo đang có nhiều bạn đọc
nhất, được đông đảo nhân dân quan tâm nhất. Tôi không dám coi thường tờ báo
nào, nhưng cứ thử hình dung, trong khi tờ Đại đoàn kết, tờ Cựu chiến binh được
tồn tại nghiễm nhiên theo đúng quy hoạch báo chí vì có mẹ đỡ đầu là tổ chức
chính trị - xã hội (Mặt trận tổ quốc VN và Hội cựu chiến binh) thì những tờ lừng
danh, hàng đầu xứ này như Tuổi Trẻ, Thanh Niên lại bị dẹp, lúc ấy sẽ chấn động
dư luận như thế nào. Mà cũng lạ, trong khi báo Phụ nữ VN được tồn tại thì báo
Thanh Niên chịu mấp mé bên bờ vực. Tôi muốn hỏi, Hội liên hiệp phụ nữ VN và Hội
liên hiệp thanh niên VN, về tầm cỡ, vị trí, vai trò, nào có kém gì nhau, nếu
không muốn nói hội của thanh niên còn có phần nhỉnh hơn. Lão hàng xóm nhà tôi
cười bảo, hay là thời này đàn bà có giá hơn bọn trẻ mùa xuân nhân loại. Từ bất
hợp lý này, ta dễ nhận ra sự nhố nhăng trong hệ thống chính trị đang tồn tại: đảng chỉ
là một thành viên của mặt trận tổ quốc nhưng lại chỉ huy cả mặt trận, ôm trùm cả
mặt trận, nói gì mặt trận cũng phải nghe; tương tự, đoàn thanh niên cũng thế, nó
chả khác cha đẻ của hội liên hiệp thanh niên trong khi trên danh nghĩa nó chỉ
là một thành viên của hội. Rất oái oăm, vô đạo, trái khoáy, ngược đời, vớ vẩn,
như ông bà ta xưa nói “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới
sinh ông”. Đáng lý trong trường hợp này (theo nguyên tắc chứ không theo bản đề
án quy hoạch) thì tờ Thanh Niên mới là tờ cần giữ lại, còn đám đàn em kia dẹp tất
hoặc sáp nhập tất.
Lại thêm một trái khoáy nữa: Hôm 25.3
vừa rồi, Ban Bí thư T.Ư đảng ban bố chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của
đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa
cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030. Bản chỉ thị nêu rõ “Tăng cường vai trò,
trách nhiệm của các cơ quan truyền thong, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản
của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội lien hiệp thanh niên VN trong việc
giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa, lối sống cho thế hệ trẻ”. Nếu cứ
căn vào chỉ thị này với bản đề án kia, chả biết ông bà nào đúng, nhưng rõ ràng theo
chỉ thị thì các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tuổi trẻ thủ đô… phải được phát
triển hơn nữa. Nhưng đề án bảo phải dẹp. Ông chằng bà chuộc, còn lắm chuyện
hay.
Đề án thì như thế, nhưng sẽ thực hiện
ra sao. Nếu họ làm nghiêm được theo đúng điều họ đặt ra, không oong đơ gì sất,
việc công cứ phép công mà làm thì cũng vớt vát phần nào uy tín của kẻ lập pháp và
hành pháp, cầm quyền và uy quyền. Nhưng tôi chả tin, nhất là ở một cái xã hội
phổ biến dịch vụ chạy cửa sau, thích xé rào, thích tạo cơ chế riêng, nét đặc
thù, thích ban ơn để tạo kẻ bày tôi, để lập đám đàn em dưới trướng, nhất là lại
là báo chí. Thế thì thể nào cũng có những anh không đủ tiêu chuẩn, lẽ ra bị dẹp
nhưng lại được cho tồn tại. Rồi sẽ um lên, sao nó được mà tôi không được, sao lại
bất công, sao lại thiên vị. Có thể chưa đến mức kiêu binh nổi loạn nhưng chắc
chắn sẽ đầy biến động trong làng báo.
Đã không có tự do báo chí, đứa nào
hơi có vẻ chệch hướng tí chút là họ trị thẳng cánh (như báo Người cao tuổi chẳng
hạn), nói chi đến tự do ngôn luận, đến lắng nghe tiếng nói phản biện của các tầng
lớp nhân dân. Cái đề án quy hoạch báo chí, họ sắp ban bố, nói cho cùng, chẳng
khác gì vòng kim cô chụp lên đầu báo chí, là sợi dây chão siết chặt thêm cơ thể
báo chí nước nhà đã vốn què quặt, sống mòn. Dù họ bốc thơm về cái đề án ấy,
nhưng theo tôi, tương lai báo chí xứ này cực kỳ ảm đạm, xám xịt.
Đề án quy hoạch báo chí, một cái chết
đã được báo trước, cả cho nền báo chí xứ này, lẫn chính nó.
Nguyễn Thông
Chào mừng bác đã trở lại
Trả lờiXóachả biết các vị sẽ triển khai thế nào cái bản quy hoạch này? ngán quá
Trả lờiXóacam on Nah bao Nguyen Thong
Trả lờiXóaNgày nào mình cũng vào Blog của Thông, dù đã đóng. Phần vì đở nhớ Thông, một tấm lòng trong veo với đời. Phần vì qua biểu tượng thongcao 55 đã cài cố định trên máy tính, mình đọc các trang thân hữu khác. Mừng và xúc động quá. Không phản hồi phản hiếc gì về bài viết. Chúc Thông sức khỏe, niềm vui. Hết sức cẩn trọng trong viết lách, trong việc cho hiển comment. Đèo Cù Mông, đèo Cả, đèo Ngoạn Mục, lái xe đều biết rất quanh co, rất nguy hiểm, nên hiếm khi ô tô gặp sự cố. Quí thương Thông, mình tâm tình như người nhà vậy. Nhé!
Trả lờiXóaChào anh trở về !
Trả lờiXóaChúc mừng anh đã "tái xuất giang hồ". Em vẫn biết ơn log Nguyễn Thông đã đăng một số bài của Đào Tiến Thi, đặc biệt là Thư khẩn cấp gửi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận.
Trả lờiXóaHy vọng sẽ được đọc nhiều bài hay.
"Đá dể xây chứ không để ném". Nhưng đã xây rổi, rút đá ra, cái xây bị xập. Thôi không rút ra, vì xây bởi nhiều cục đá, những đá màu mè, tốt đẹp lẩn xấu xí được khi không chú ý đến chất lượng. Nên bây giờ thay thế những cái không phẫm chất thì xập cái xây, còn để nhìn thì nham nhở. Đến năm ba ngàn vẫn chưa giải quyết được rút ra hay vẫn để.
Trả lờiXóa