Những năm 60 đầu 70 ở miền Bắc, nhạc vàng bị cấm tiệt. Nghe hoặc hát nhạc vàng phải lén lút, nếu bị phát hiện, nhẹ thì chịu phê bình, kiểm điểm, nặng thì có thể bị tịch thu “phương tiện nghe nhìn” truyền bá văn hóa đồi trụy. Các cán bộ, nhất là cán bộ đoàn nói với chúng tôi rằng nó làm mất sức chiến đấu của con người, là thứ văn hóa độc hại, độc hơn cả thuốc phiện, chớ có dính vào. Nghe vậy thì biết vậy.
Theo cách định nghĩa của nhà chức trách, nhạc vàng là thứ nhạc não nề, ủy mị, thương vay khóc mướn, sướt mướt buồn đau. Nhạc cách mạng, những bản anh hùng ca thời đại đang đầy ra kia, sao không nghe hằng ngày để bồi dưỡng tư tưởng, lập trường và tình cảm cách mạng, lại đi nghe mấy thứ nhạc vàng làm gì. Mà thực ra muốn nghe nhạc vàng cũng khó bởi hầu như hệ thống phát thanh truyền thanh của nhà nước chỉ phát những bài hát cách mạng, như Giải phóng Điện Biên, Qua miền Tây Bắc, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Cô gái vót chông… chứ còn có gì nữa đâu mà nghe.
Cứ hiểu nôm na như các cán bộ giải thích thì nhạc vàng là những bài “yếu đuối” ra đời thời kháng chiến chống Pháp như Thiên thai, Suối mơ (Văn Cao), Cô láng giềng (Hoàng Quý), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Ngày trở về, Mời anh đến thăm quê tôi (Phạm Duy)… và nhừng bài hát ở miền Nam lúc hai miền còn chia cắt của các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Thế Mỹ…
Chả hiểu sao người ta lại gọi đó là nhạc vàng, có lẽ để ám chỉ nó vàng vọt, yếu đuối, thiếu cái khí thế cách mạng đang hừng hực đốt cháy thời đại. Nhưng cũng có lẽ để phân biệt với cái gọi là nhạc đỏ, nhạc cách mạng. Nhiều khi, chỉ một tên gọi, một quan niệm mà gây ra thứ ấn tượng khó gột rửa: đỏ là đẹp, vàng là xấu, nhìn màu vàng cứ cảm thấy mình đang làm điều gì đó không phải, có lỗi. Thế mới ghê.
Dù chính quyền thì áp chế, kìm nén vậy nhưng người ta, nhất là đám thanh niên vẫn tìm đến nhạc vàng. Hình như nhạc cách mạng chỉ đủ sức trồng trọt và giải tỏa được những điều quá lớn lao mang tầm thời đại, còn những li ti sâu thẳm trong tâm hồn, những tâm sự, nỗi buồn, niềm đau, sự sẻ chia riêng tư… thì nó thua nhạc vàng. Yêu nhau, giận hờn, làm lành với nhau mà lại hát Chiếc gậy Trường Sơn thì khác nào dùi đục chấm mắm cáy. Nên tự dưng con người tìm đến nhạc vàng dù biết là nguy hiểm. Lạ ở chỗ nhạc vàng không hề được phổ biến mà hầu như ai cũng biết một đôi bài.
Tôi cũng chả hiểu tại sao, khi nào tôi biết nhạc vàng, nhưng trước khi vào miền Nam tôi chỉ thuộc nhõn 2 bài: bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong và bài Những ngày xưa thân ái của Phạm Thế Mỹ. Giờ nhớ kỹ lại thì hình như bài Giọt mưa thu tôi nghe mấy bà chi họ ở nội thành Hải Phòng sơ tán về nhà tôi, lúc chiều xuống, buồn nhớ nhà lại lẩm nhẩm hát. Còn bài Những ngày xưa thân ái nghe cái đĩa than 30 vòng/phút cổ lổ sĩ từ chiếc máy quay đĩa của anh Bùi Trọng Cường học cùng lớp. Anh ấy mê nhạc, ngay sau 75 nhờ người vào Nam khuân ra được một đống đĩa, có bài này, nghe riết rồi thuộc.
Trong số các nhạc sĩ miền Nam, tôi thích Phạm Thế Mỹ, vì sao thích thì tôi đã nói mấy lần rồi, giờ không nói nữa. Tôi hồi cuối những năm 70 dạy học ở Sài Gòn có điều kiện tìm hiểu về ông. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có 2 người anh cũng làm văn nghệ: nhà thơ Phạm Văn Ký (Việt kiều Pháp và nhà thơ Phạm Hổ (Việt cộng miền Bắc), riêng ông em thì trụ lại miền Nam. Ông Phạm Hổ sau khi tập kết ra Bắc có in bài thơ Những ngày xưa thân ái, trong đó bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa và mong ngóng ngày trở về giải phóng miền Nam. Thơ được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe thơ anh mình, Phạm Thế Mỹ liền viết bài này, ca khúc Những ngày xưa thân ái để đáp lại những suy nghĩ của ông anh. Lời đáp thật nhẹ nhàng, buồn bã mà thấm thía, “dừng chân quán năm xưa, uống nước dừa hay nước mắt quê hương”.
Giọng hát Duy Khánh với bài này là hợp nhất.
Chúc các anh chị ngày chủ nhật êm ả.
Nguyễn Thông
(Ghi thêm: Lúc đầu, kiến thức có hạn, tôi nhớ loáng thoáng, rằng bài Cô láng giềng của Nguyễn Văn Tý, nhưng một bậc đàn anh cực kỳ am hiểu về nhạc vàng, nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng, bảo rằng bài ấy của nhạc sĩ Hoàng Quý, tôi mới ớ ra, và sửa. Cảm ơn bác Nhượng ạ).
"đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" thì dĩ nhiên phải lãnh đạo cho dân nghe nhạc chứ! dân là loại " đỉnh thấp trí tuệ " mà!
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa