Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Chuyện guốc dép (1)


Đến nhà bà chị chơi, đang ngồi thần ra chả biết làm gì, chợt nghe đứa cháu họ mắng con nó sao không đi dép vào. Quái lạ, nhà thành phố, nền gạch men sáng bong thế kia, ngày nào cũng lau, lại phải đi dép. Sực nhớ mình hồi nhỏ, tinh đi chân đất.

Nông thôn miền Bắc những năm 1960. Trước đó nữa thì hơi xa bởi lúc ấy tôi còn bé, mới mấy tuổi nên không nhớ lắm. Vùng huyện Kiến Thụy ngoại thành Hải Phòng giống như bao miền thôn dã ngoài ấy. Nghèo. Thiếu thốn. Nhà mái rơm rạ tường đất nền đất, họa hoằn mới có nhà tường gạch hoặc xây bằng đá núi Chè. Nhưng dù tường gạch tường đá cũng vẫn nền đất. Làm gì có gạch men như bây giờ. Đi lâu, cái bàn chân cứ miết mãi trên nền, nó trở nên đen bóng, mịn màng như da lưng con trâu. Áp chân xuống đất cứ mát rười rượi.

Hồi nãy nói nghèo, nên chủ yếu đi chân không. Cũng có guốc dép đấy nhưng đi học mới xỏ vào, vừa về đến nhà là văng vào xó ngay, lại chân trần. Đúng là chân trần chí thép, như một nhà báo Mỹ viết. Cũng phải thôi, ngoài buổi học, phần lớn thời gian còn lại là làm đồng, đi đánh dậm, vớt bèo cho lợn, cắt rạ, đi câu, guốc dép làm gì cho vướng víu. Chả nhẽ lội bùn thì bỏ dép trên bờ. Anh Lượng con bác Đúng còn tuyên bố tao đéo cần đi dép, đi làm đéo gì cho nó mòn ra. Hóa ra anh rể của bác ấy là thầy Phất giáo học trường cấp 2 cho cậu em vợ đôi dép nhựa Tiền Phong, đồng chí Lượng nhà ta nâng niu trân quý quá, chỉ khi nào dịp đặc biệt lắm mới xỏ vào. Nhiều đứa thấy vậy bảo Lượng hà tiện nên Lượng phải ra tuyên bố. Mà cũng phải, đôi dép nhựa Tiền Phong quai hậu nhựa màu cũng đã hơn 3 đồng bạc, còn nhựa trắng thì ít nhất 5 đồng, mua ngoài chợ giời bị con phe chém cả chục bạc, nó mà mòn hoặc đứt quai thì tiếc đứt ruột.

Lứa trẻ con nông thôn thập niên 60 như tôi hầu như chỉ đi dép cao su, gần như không đứa nào có giày, dù giày vải. Giày là thứ xa xỉ. Nhìn bọn thành phố về sơ tán có những đứa đi giày, thèm lắm, nhất là vào mùa đông. Có lúc ao ước bao giờ lớn lên đi làm, lĩnh tiền, việc đầu tiên là mua đôi giày bata mấy lị cái xanh tuya (thắt lưng) nhựa mềm. Thì cứ ao ước vậy thôi.
Bọn con gái chúng đi guốc, món này sẵn bởi gỗ và gốc tre đực đầy, nếu chịu khó kỳ cạch nửa buổi là có đôi guốc. Bác Ỷ tôi là một tay đẽo guốc cừ khôi. Những đôi guốc gộc tre của bác đẹp tuyệt, đi nửa năm chưa hỏng. Còn dép cao su thì phải mua. Kèm với đôi dép cắt từ lốp xe này bao giờ cũng phải có chiếc rút dép làm bằng nẹp đai thùng hàng nhập khẩu. Đi lâu cái lỗ quai dép bị chai, rộng ra, quai hay bị tuột. Lại loay hoay đút cái rút dép vào, kẹp một đầu quai, rút ngược xuống đế. Hồi ấy ở bến tàu bến xe, trên xe khách hoặc tàu điện luôn có người bán hàng rong đeo chiếc thùng gỗ hoặc bưng cái mẹt, giống như quầy hàng mậu dịch bách hóa lưu động, bán từ chiếc ngoáy tai, rút dép, thuốc hắc lào, thuốc hôi nách, lại còn có cả câu rao hàng vần vè “lơ hồng tẩy trắng, thuốc nhuộm răng đen, dải rút bấc đèn, dầu cao con hổ đơi, ai mua nào”.

Đến đầu thập niên 70, Trung Quốc viện trợ cho bộ đội ta dép cao su đúc, một thứ quý hiếm lúc đó. Đôi dép đúc vừa sắc sảo, gọn gàng, thanh thoát, vừa êm và chắc, đặc biệt là quai không mấy khi tuột. Thanh niên tay nào máu mặt ăn chơi lắm thì mới có thể sắm đủ bộ tam vị gồm áo đại cán, mũ cối và dép đúc. (còn tiếp)

Nguyễn Thông




5 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Thanh niên bây giờ vào khách sạn còn được khuyến mại cả giày hoặc dép cho "Trim" nữa cơ đấy! chế độ ngày càng ưu việu rõ?!

    Trả lờiXóa
  4. Hồi trống choai quỷ bịt mắt,noáng thoáng thằng củ đợt quê núa bon mì 21 phế siêu phấu đầu nâu bi 52,bùn nầy cháu thằng cốc mì 17 chui mây nắm nhằm dái địch(Ké hẹ hé) bẻ zọt,ngu nhợn thấy lũ chết đống cưỡm cười nướng kiến zồng lộn,thỉu thằng go tám cô đèo quá giang vịt dép lốp bỉm ni nông bèo dâu tăng trọng nợn ba buôi...Chó ngố đô ping láo điên thiên hạ cấm nhục,đến chó thối ngồi bu dịt hoẵng ca,chết nhơ nghệt-Ga đại cấn zâu zếp ngỏm sông Hãn Thạch...Chớ Fich ngược cộng bùn,dọa nừa ai.Hôn quê yêu sáng láng,cộng zồ điêu tuyệt diệt.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa