Sáng 1.12. Ngày đầu tiên của tháng cuối cùng năm 2016. Đang giờ làm việc, theo thói quen tôi rà rà con chuột vào các kênh tin tức xem có gì hay gì mới không. Bàn tay chợt khựng lại, như không tin vào mắt mình. Dường như có luồng khí lạnh toát chạy dọc sống lưng. Đập vào mắt là cái tít trên một tờ báo điện tử báo tin ca sĩ Quang Lý đột ngột qua đời.
Hỡi dòng thông tin lạnh lùng kia, lẽ nào đó là sự thực? Không muốn cũng chả được: Ca sĩ Quang Lý qua đời do nhồi máu cơ tim lúc 9 giờ sáng nay (1.12) sau khi đi tập thể dục về. Người đàn ông mạnh khỏe mới… 65 tuổi tây ấy hôm qua còn tràn đầy sinh lực, chỉ một cơn gió tai nghiệt sáng đầu đông vùng đất phương nam vốn đầy nắng ấm đã quật ngã anh rồi. Tôi sực nhớ đến thầy tôi hồi đại học, thầy Phan Cự Đệ, cũng đang rất khỏe, tưởng như còn phải viết thêm vài chục công trình nghiên cứu nữa mới chịu chấp nhận quy luật sinh tử, vậy mà chỉ cơn gió lạnh tiết trọng thu 2007 lúc thầy mở toang cửa ngắm phố phường đã ập vào kéo thầy đi.
Tôi ít gặp anh Quang Lý bởi mỗi người mỗi việc, chỉ biết nhau thôi. Anh lớn hơn tôi, lại là “người của công chúng”, danh tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã… nên tôi thường “kính nhi viễn chi”. Tôi vẫn ngầm hãnh diện là đồng hương đất Phòng (Hải Phòng) với anh, cái chất sóng gió mặn mọi xứ biển đã ngấm vào lời ăn tiếng nói. Có lần tôi nửa đùa nửa thật nói bọn tôi coi anh là thần tượng, anh cười bảo “vớ vẩn”.
Quang Lý vốn gốc gác người đâu xứ mình, tôi chưa kịp hỏi, chỉ biết anh là con gia đình Việt kiều bên Thái Lan. Dạo ấy, rất nhiều Việt kiều từ Thái Lan, Pháp, Tân đảo (Tân Caledonia, thuộc Pháp) nghe theo lời chính phủ bỏ lại tất cả nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, công ăn việc làm ổn định… để về miền Bắc xây dựng đất nước. Nếu chúng ta thường nói đến Việt kiều yêu nước, thì đó có lẽ đây là thế hệ Việt kiều yêu nước đầu tiên trở về. Hồi ấy là những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Gia đình anh Quang Lý về định cư ở nội thành Hải Phòng. Ngay làng Lái (xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy) sát làng tôi cũng có một gia đình Tân đảo về định cư. Ông chủ nhà tên Cam, bọn trẻ con chẳng biết nghe ai cứ gọi là Cam “sũng”. Người dân địa phương nhìn họ với con mắt kính phục, ghen tị bởi cách ăn nói, đi đứng, hiểu biết họ đều có gì đó hơn hẳn mình một bậc. Đương nhiên tài sản thì không bì được. Nhà bác Cam cùng lúc có 2 chiếc xe đạp Peugeot, điều không dễ gì những nhà giàu thời ấy đạt được, nói kiểu bây giờ ví như đại gia có 2 xe Toyota Lexus cũng chưa chắc đã bằng. Nhưng như nhiều gia đình Việt kiều Tân đảo khác, chẳng biết nhà anh Quang Lý có vậy không, họ cứ nghèo dần nghèo dần, 2 chiếc xe đạp Peugeot lần lượt ra đi, thời chiến tranh phá hoại mỗi lần đi ngang qua căn nhà xanh rêu của gia đình bác Cam “sũng” chúng tôi cứ thấy ngậm ngùi, thương thương.
Nhớ hồi giữa những năm 80, thầy trò Trường Dự bị đại học TP.HCM tổ chức buổi dạ hội nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Tôi và thầy Nguyễn Thế Hùng được giao nhiệm vụ đi mời ca sĩ. Do có quen biết, chúng tôi đến nhà nhạc sĩ Trần Tiến khi ấy là căn phòng nhỏ trong chung cư chật chội trên đường Cao Thắng, quận 3. Mời được Trần Tiến và nữ ca sĩ Hồng Ngọc, chúng tôi mừng hết biết, nhưng mừng hơn nữa khi nhạc sĩ Trần đèo thêm câu “anh sẽ kéo cả Quang Lý đến nữa, có Quang Lý thì mới xôm tụ”. Mà đúng thật, chàng ca sĩ khuôn mặt chữ điền đẹp trai, mái tóc rẽ ngôi giữa bồng bềnh bồng bềnh đã khuấy động đêm dạ hội. Trần Tiến đàn guitar đệm, còn anh, ca sĩ đẹp trai Quang Lý hát không biết mệt. Khi anh cất lên “Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ/Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim yêu thương, là trái tim thương yêu” (Hành khúc ngày và đêm, của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) cả hội trường lặng đi im phăng phắc. Lúc anh chấm dứt những giai âm cuối cùng, tất cả dường như vẫn trong cơn say, lặng phắc, sau mới chợt bừng tỉnh, vỗ tay như sấm dậy. Trên sân khấu, ca sĩ Quang Lý cười thật tươi chào các thầy cô giáo, hình ảnh đẹp đẽ đó cứ theo tôi mãi tới tận giờ.
Tan cuộc, điều bất ngờ nhất là khi tôi với thầy Hùng tiễn cả nhóm Trần Tiến, Quang Lý, Hồng Ngọc ra về, thay mặt nhà trường xin gửi chút tiền thù lao, anh Tiến anh Lý đều xua tay, thầy trò các ông nghèo lại còn vẽ bộ. Các anh chị chỉ nhận đúng số tiền ăn đủ 3 bát phở chỗ ngã sáu Nguyễn Tri Phương, gọi là “để các ông đỡ áy náy”. Quang Lý là thế, sống với nhau khi đã tận tình, hiểu nhau thì sống hết mình.
Có lần năm ngoái, tôi ngồi với nhà thơ Đỗ Trung Quân. Nghe tôi có ý định giới thiệu trên mạng những bài hát của một thời, Quân thi sĩ bảo “Quang Lý hết sảy, Quỳnh Liên hết sảy. Những giọng ca tuyệt đẹp”. Cả ca sĩ Quang Lý và nữ ca sĩ Quỳnh Liên đều dân Phòng, họ như con chim sơn ca cống hiến cho đời giọng hát tuyệt đẹp của mình. Chả biết cái album mà anh Quân dự định làm về 2 sơn ca Quang Lý, Quỳnh Liên ấy đã xong chưa.
NSƯT Quang Lý đã ra đi, nhưng tôi cứ một mực cho rằng anh vẫn đang ở đâu đó, lúc thì ngồi vào đàn piano, lúc ôm cây guitar, vẫn hát những bài tình ca đẹp đẽ về đất nước, con người. Mái tóc dày rẽ ngôi giữa ấy cứ bồng bềnh bồng bềnh mãi không thôi.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét