Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Nhớ K17

Nhớ K17 hơn cả thuốc lào.

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên.

Nhớ thuốc lào, qua câu thơ trên đây, trở thành “kinh điển” của nỗi nhớ.

Với tôi cũng như nhiều đồng môn, nỗi nhớ dành cho K17 còn hơn cả nhớ thuốc lào.

K17 chúng tôi vừa tề tựu ở Hà Nội kỷ niệm 40 năm ra trường và 60 năm thành lập khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.


Hôm đó, ngày 17.11.2016, trời thật đẹp. Không nắng, không lạnh. K17 chúng tôi ăn ở tử tế nên được trời thương.

Các thầy bước qua tuổi 80 nhưng nhiều thầy đã từng dạy chúng tôi vẫn khỏe mạnh và đến dự ngày vui của đám học trò cũ hiện thời đã thành ông, thành bà. Các thầy, các cô, trong lời phát biểu ấm nồng với học trò cũ, không chỉ chia vui mà còn ân cần chỉ bảo cho chúng tôi những bài học làm người cho đến khi về cõi vĩnh hằng.

GS-NGND Hà Minh Đức, là thầy chủ nhiệm Văn K17 chúng tôi. Cận kề tuổi 85, bước đi chậm rãi, nhưng giọng nói của thầy vẫn nồng nàn đầy sức lôi cuốn. Lúc tiễn thầy về, hai tay tôi nắm chặt tay thầy và trân trọng nói với thầy: Thưa thầy, ngày xưa trên bục giảng, thầy dạy chúng em hiểu và yêu văn chương, bây giờ thầy dạy chúng em tiếp tục làm người cho quãng đời còn lại.

PGS-TS Nguyễn Trường Lịch, đã qua tuổi 85 nhưng phong thái và thần sắc trẻ hơn tuổi đời rất nhiều. Giọng thầy vẫn chắc nịch, toát ra cốt cách người xứ Nghệ. Thầy đến tận nơi bắt tay học trò cũ, và gửi tặng những bài viết dày công nghiên cứu vừa công bố gần đây. Chúng tôi như nuốt từng lời khi nghe thầy Lịch chia sẻ kinh nghiệm kể cả khi đã xế chiều biết cách tạo ra cảm hứng say mê việc đọc và viết.

Các thầy, cô đều phát biểu trong ngày vui của K17. Cho dù không nhắc lại ở đây nhưng, thưa các thầy, thưa các cô, chúng em luôn trân trọng lưu giữ những tình cảm sâu nặng, những chỉ bảo ân tình và sâu sắc của các thầy, các cô.

Nói đến K17, nhớ đến K17, trước hết là nói và nhớ các thầy, các cô - những người chèo đò đã từng và vẫn còn dìu dắt các thành viên K17 miệt mài đi trên dòng sông chữ nghĩa, vượt thác đến với nhân nghĩa đạo lý.

Đã thành ông, thành bà. Tất cả trở thành hội viên hội người cao tuổi. Vậy mà, gặp nhau trong ngày hội lớp, các thành viên K17 cười nói râm ran. Khuôn mặt rạng ngời. Ôm vai. Bá cổ. Chọc nghẹo nhau như thuở mới tựu trường.

Những người “lắm mồm” khỏi phải nói. Tôi và những người như tôi, ló mặt ở đâu thì ở đó cười rách cả miệng. Kể cả những người ở cơ quan cũng như nhà riêng, tiếng cười như là của lạ, thế mà ngày hội lớp cười thả cửa, cười điệp khúc, cười ngây ngất, cười như chưa bao giờ được cười.

Khi xuống bể bơi (nước khoáng nóng ở Kim Bôi, Hòa Bình) cả đám tạo ra… siêu cười. Người quản lý bể bơi cho biết, sau nhiều năm đưa vào hoạt động, đây là lần đầu có cuộc vui nhộn đẳng cấp như vậy. Một bác cao niên, hơn tôi trên chục tuổi, vừa bơi vừa tâm sự với tôi: nhìn các cô chú vui đùa, tôi như trẻ ra được mấy tuổi.

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên.

Không chỉ K17 mà khoa Ngữ văn từ xưa đến nay, thậm chí kể cả sau này, chẳng có ai nghiện thuốc lào như Xuân Ba.

Xuân Ba xuất hiện ở đâu, ở đó có điếu cày. Đào cho được điếu cày, đó là “mệnh lệnh” từ trái tim của Xuân Ba.

Xuân Ba có thể quên ăn, quên... đàn bà nhưng khoản điếu cày và thuốc lào thì không và không thể thiếu.

Tớ đã lo xa cho Xuân Ba. Đến lúc chết, tớ sẽ xui thầy cúng bảo người nhà mang theo xuống mộ cho Xuân Ba chiếc điếu cày và một bị thuốc lào.

Nhớ thuốc lào đi vào ca dao, trở thành “kinh điển” của nỗi niềm nhớ nhung.

Tôi cũng như các đồng môn nhớ K17 hơn cả những người nghiện thuốc lào nhớ thuốc lào.

K17 luôn thổn thức, rạo rực trong mỗi chúng tôi.

Góp vui, chia buồn là đạo bạn bè của K17.

Bá Tân

Một số hình ảnh của K17 tháng 11.2016:




















2 nhận xét:

  1. "Đến lúc chết, tớ sẽ xui thầy cúng bảo người nhà mang theo xuống mộ cho Xuân Ba chiếc điếu cày và một bị thuốc lào"

    Cho tớ gửi theo những bài viết của nhà báo Đảng đại tài . To hell with them!

    Trả lờiXóa
  2. 'Các Thầy bước qua tuổi 80 nhưng vẫn khỏe mạnh'. Thòng chi 'đã từng dạy chúng tôi', chi chiết, không 'ngữ văn' chút nào.

    Trả lờiXóa