Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Không dứt điểm lần này, sẽ không bao giờ nữa

Hơn 2 tuần nay, dư luận xã hội, báo chí truyền thông đặc biệt quan tâm đến vấn đề thời sự nóng bỏng: “Chiến dịch” lập lại trật tự đô thị, cụ thể là giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Khởi ra từ quận 1 (TP.HCM), sau đó lan đi các quận, và đang có thể thành phong trào trên đô thị cả nước. Lúc đầu chỉ có chính quyền quận 1 đứng mũi chịu sào (mà tiêu biểu nhất là vị Phó chủ tịch quận Đoàn Ngọc Hải), rồi cả lãnh đạo thành phố vào cuộc. Mới đây nhất, chiều 28.2, đích thân Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Tô Lâm đã có công điện chỉ đạo công an toàn quốc thực hiện công tác xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và giữ gìn trật tự đô thị... Và cập nhật nhất, ngay trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ sáng nay 1.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần "quyết liệt trả lại vỉa hè cho người đi bộ", coi đó là tin vui đầu năm, thúc giục phải làm đến nơi đến chốn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, một tình trạng vi phạm pháp luật từng ngang nhiên tồn tại lâu nay, biết bao nhiêu lần “vững như bàn thạch” sau khi nhà chức việc ra quân, tưởng sẽ cứ ngoài vòng cương tỏa mãi, thì nay với đợt lập lại trật tự kiên quyết, dứt điểm, mạnh mẽ, đồng loạt này, nó sẽ chấm dứt, không còn đất sống. Một đô thị văn minh, một xã hội văn minh văn hóa nhiều khi được nhìn nhận, đánh giá từ chính những thứ bình thường, như cái vỉa hè chẳng hạn, chứ đâu phải chỉ những điều cao vọng.

Cũng có không ít ý kiến, quan điểm trái chiều. Với một sự kiện xã hội mang tính cộng đồng cao như vậy, đó không phải chuyện lạ. Những gì chưa được, chưa phù hợp, bị phê phán… trong suốt 2 tuần qua đã được chính quyền tiếp thụ, sửa chữa, điều chỉnh để làm cho tốt hơn. Cũng có thể thấy rõ đông đảo người dân đang theo dõi từng ngày, đồng tình ủng hộ chủ trương này. Tất nhiên những người lấn chiếm vỉa hè phản ứng, nhưng đó chỉ là số ít trong cộng đồng. Vỉa hè nói riêng, không gian đô thị nói chung phải là của chung, của cộng đồng, dứt khoát không thuộc về riêng ai. Ai lấn chiếm thì phải trả. Ai không chịu trả thì buộc phải trả, dù đó là cá nhân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước.


Ở nước ta, nhất là các đô thị, kinh tế vỉa hè đã từng tồn tại, đó là thực tế. Nhưng rất nhiều người đã nhầm lẫn khi cho rằng lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là người bán hàng rong, buôn thúng bán bưng, tức là tầng lớp nghèo dưới đáy xã hội, nếu có lập lại trật tự đô thị, dẹp lấn chiếm vỉa hè thì cần phải thông cảm cho họ. Thực ra cũng có những người này chứ chẳng phải là không, nhưng lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là những người có nhà mặt tiền, thuộc tầng lớp trung lưu. Họ đứng ra kinh doanh hoặc cho thuê diện tích để người khác kinh doanh. Họ không chịu bỏ một phần diện tích trong nhà cho việc kinh doanh, giữ xe của khách mà lại chiếm vỉa hè của cộng đồng làm của riêng. Dẹp là đúng rồi. Phần còn lại tiếp theo với chính quyền “của dân, vì dân” là làm sao tìm giải pháp lo cho người buôn thúng bán bưng vốn lâu nay cát cứ vỉa hè, giúp bà con có chỗ làm ăn thuận lợi, kiếm kế sinh nhai phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.

Điều mà nhiều người băn khoăn là liệu lần này có như những lần trước không, có đi vào vết xe cũ không. Dân tình lo ngại cũng có lý bởi họ từng chứng kiến bao cuộc ra quân, bao chiến dịch, bao phong trào… lúc đầu thì trống giong cờ mở, rầm rầm rộ rộ, khí thế ngất trời, hơn cả cái thời Từ Hải điều quân “đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri”, về sau thì tắt lịm, kết quả chả đi đến đâu, đâu lại vào đấy, mèo lại hoàn mèo. Họ nói với nhau rằng cứ kiểu “ném đá ao bèo”, “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” thế mãi thì chả biết tin vào bất cứ cái gì được chính quyền khơi ra. Niềm tin vốn đã mong manh, đừng làm cho nó trở thành quý hiếm, khi bị mất rất khó phục hồi. Có thể nói, đợt lập lại trật tự đô thị lần này chính là liều thuốc thử cho niềm tin ấy.

Trong quá trình “giải tỏa” khó tránh xảy ra điều nọ tiếng kia. Tuy nhiên, cần dứt khoát không chấp nhận những ông bà lý sự tại sao giải tỏa lại không báo trước cho tôi, cơ quan chúng tôi. Thế người ta làm ầm ầm cả nửa tháng rồi mà các vị điếc đui hay sao. Chính quyền đã thông báo trước, các vị đã nắm được chủ trương thì lẽ ra phải tự động dẹp bỏ trước khi quyền lực ra tay, vì vậy cần phạt thêm tội ngoan cố, cãi lấy được. Đó là chưa kể khi các vị lấn chiếm có báo trước cho ai không. Dư luận thừa hiểu tâm lý của các vị, nghĩ chắc đợt này lại như những đợt trước thôi, hoặc họ làm căng thì căng, biết đâu họ chừa mình ra. Khi pháp luật công minh mà chừa ai thì pháp luật đó thất bại, các vị ạ.

Chính vì vậy, đừng để dân nghĩ chính quyền chỉ căng với dân, còn với “này nọ” thì buông thì mềm. Càng cơ quan nhà nước lấn chiếm vỉa hè, càng phải kiên quyết, phạt thật nặng, để làm gương, để dân chúng nhìn thấy sự đàng hoàng của pháp luật. Không thể lấy lý do an ninh để mạnh anh nào anh nấy lấn chiếm vỉa hè. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước mà lấn chiếm cũng dẹp, chứ cãi bảo chúng tôi là kho tiền, chúng tôi có quyền chăng dây ngăn cấm người khác lại gần, được đặt bục gác chình ình ngay giữa lối đi. Chướng lắm. Những ngân hàng khác là muỗi sao, không đáng bảo vệ sao. An ninh cho ngân hàng là ở phía trong ngân hàng chứ không phải ở ngoài. Ngoài là chỗ của mọi người.

Từ đợt dọn dẹp này, lộ ra sự bất lực và “có vấn đề” của chính quyền địa phương, nhất là cấp phường. Tồn tại cả bộ máy đủ các ban ngành, lực lượng, lại có hệ thống chính trị chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức hậu thuẫn, vậy mà cái sai cứ ngang nhiên tồn tại, kéo dài ngày này tháng khác, năm này năm kia. Cứ tạm gác những nghi ngờ về bao che, bảo kê, ăn tiền này nọ, chỉ riêng chuyện làm việc cho nhà nước, ăn lương nhà nước mà vô trách nhiệm đến thế cũng đủ khiến dân bực bội, chán nản rồi. Cái lề đường bị lấn chiếm nó sờ sờ ra trước mắt chứ có phải con kiến chui vào lỗ ban đêm đâu mà bảo không thấy. Đề nghị chính quyền thành phố, nơi nào dẹp xong rồi, dạng cuốn chiếu, làm biên bản bàn giao ngay cho chính quyền (ủy ban, công an, đoàn thể...) các phường, ký vào. Nếu để tái diễn, cách tuột chức không lôi thôi gì cả. Họ không làm được việc trong tầm tay như vậy, nếu để họ trong bộ máy chỉ thêm chật, vô ích.

Có thể xem đây là một cuộc thay đổi tận gốc (tôi không muốn dùng chữ cách mạng) những ù lì, trì trệ, nửa vời từng ngang nhiên tồn tại trong xã hội lâu nay. Lần này mà làm không xong, sẽ không bao giờ nữa.

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Tại thành phố Hồ Chí Minh,trạm dân phòng nhiều khu phố ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè. Lãnh sự quán Mỹ cũng ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè làm trạm quan sát quan, dựng cột bê tông cốt thép trên vỉa hè, làm xấu Thành phố. Nhiều khách sạn sang trọng, cũng biến vỉa hè thành sở hữu riêng... Tất cả đều phải xem xét và cho giải tỏa, để trả lại bình an cho người dân và sạch đẹp phố phường . Tất cả đều bình đẳng trước qui định của nhà nước, không nên nể nang né tránh, thì mọi việc mới có kết quả

    Trả lờiXóa
  2. Hoan nghênh bài viết của Nguyễn Thông

    Trả lờiXóa
  3. Anh Thông ơi, anh ở HCM anh thấy tin gì của anh Hải (đồng hồ xịn và Vertu) không?
    Trên báo, TV, faceBook mây shôm nay thấy vắng bóng.
    Không biết anh ấy có khỏe không, có bận không hay có mệnh hệ gì không? bà con vẫn đang chờ anh ấy "hốt hết" như mấy hôm đầu cho nó gọn.
    Bác ấy mà không xuất hiện, dân lại nói bác ấy "máu chó" thì buồn cho bác ấy.
    Ai biết tin anh Hải PCT Q1 giờ như thế nào cho bà con biết với nhé.



    Trả lờiXóa
  4. Dọn vỉa hè trả lại cho người đi bộ. Hoan nghênh. Nhưng cách làm của Sài Gòn là không chấp nhận được. Cách làm như ông Nguyễn Đức Chung Hà Nội là hợp lý. Báo để người dân biết trước khi thực hiên. Ai cũng biết buôn bán lấn chiếm vỉa hè là có sự thông đồng của cấp chính quyền họ ăn tiền ở đó. Khi chính quyền TP, quận thực hiện tháo dỡ người dân gánh chịu (tất nhiên do họ sai) còn những người ngầm cho phép thì họ yên lặng (cũng tất nhiên thôi) sau khi đã ăn tiền. Nếu chính quyền không cho phép lấn chiếm vỉa hè tôi nghĩ rất nhiều người sẽ phân vân hoặc không triển khai khi dự định kinh doanh gì đó

    Trả lờiXóa