Mấy đứa cháu tôi từ quê bắc gọi điện vào, chúng tranh nhau khoe, cậu ơi, chú ơi, hoa gạo đền Mõ hôm nay nở đỏ rực rồi, đẹp lắm. Giá mà cậu (chú) ở nhà thêm chút nữa thì tha hồ ngắm, tha hồ chụp ảnh.
Chúng nhắc thế bởi hồi giữa tháng 3 vừa rồi tôi về quê, hai lần lọ mọ sang đền Mõ ở xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), cách nhà tôi khoảng 3 cây số. Chỉ để ngắm hoa gạo. Nhưng có nhẽ duyên mình còn nhạt, hay là tại thời tiết khí hậu năm nay có nhiều thay đổi, nên sắc đỏ mới chỉ lơ thơ. Ngước lên khoảng trời xám xịt bàng bạc mưa xuân, chỉ thấy những cành gỗ nâu mốc già gân guốc tuổi đã gần 750 năm điểm những nụ hoa gạo đỏ, như những dấu chấm đỏ chi chít trên tờ trời khổng lồ. Không được chiêm ngưỡng cảnh hoa gạo lúc mãn khai, kể cũng tiếc.
Tháng 3 là mùa hoa gạo. Người ta thường nói với nhau như vậy. Nhưng có lẽ chỉ đúng với nông thôn miền Bắc, nhất là đồng bằng Bắc Bộ. Tôi từng ngang dọc, lặn lội nhiều tỉnh miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long, ít thấy cây gạo, mà thay vào đó là những loại cây khác, chẳng hạn cây gòn. Cũng lực lưỡng uy nghi lắm. Khi tháng 3 lúc hoa gạo bắc nở thì cây gòn nam đang kỳ khô trái. Quả gòn to và giống như trái khổ qua (mướp đắng), cây nào to lúc lỉu cả vạn trái trên cành, khô quắt thì tự tách ra, thả bông gòn bay trắng một vùng. Người ta hái trái gòn khô xuống, móc lấy bông để nhồi gối, làm nệm. Cây gòn là cây của nhà nghèo, tự cung tự cấp.
Ở đồng bằng Bắc Bộ hầu như thôn nào, xã nào cũng có cây gạo. Một loại cổ thụ, sống dai, sống khỏe, cao thẳng, vượt được bão tố, thời tiết khắc nghiệt. Nó được xếp hạng bên cạnh những lão thụ mộc quen thuộc ở thôn quê ngày xưa, cạnh cây đa, cây đề. Cây đa, cây đề thường được trồng ở nơi có đình đền, còn ở chùa thì cây nhãn, riêng cây gạo không bắt buộc phải đăng ký hộ khẩu chỗ nào. Có khi mọc đầu làng, cuối làng, nhưng cũng có khi giữa làng. Trong đám danh thụ ấy, cây gạo cao to nhất, thẳng nhất. Chính vì vậy, nhiều người xa quê lâu năm, buổi về thăm lại cố hương lòng cứ thầm nhủ trông ngọn gạo mà tìm. Về quê vào giữa tháng ba thì không lạc đi đâu được. Cây gạo làng đang rải thảm đỏ đón đứa con ly hương. Ấy là chuyện hồi xưa.
Chẳng hiểu sao ngày xưa các cụ đặt tên cho nó là cây gạo, hoa gạo. Hay nông thôn chả có gì gần gũi gắn bó, thiết thực hơn hạt gạo nên cứ gọi thế cho thân mật, dân dã. Hồi tôi còn nhỏ, thày (bố) tôi còn bảo nó có tên Tàu là mộc miên. Cây mộc miên, hoa mộc miên. Nghe những cái tên chữ Hán, đầy vẻ phú quý nhưng xa lạ. Thày tôi giải nghĩa, người Tàu gọi nó như vậy bởi quả gạo chứa sợi bông trắng. Sau khi bông gạo đỏ rụng xuống thì quả gạo to dần, tới lúc khô cũng tách vỏ ra, trong chứa đầy sợi bông. Miên, chữ Hán nghĩa là sợi bông. Mộc miên là cây gỗ (mộc) có sợi bông. Ngày xưa người ta tận dụng sợi bông của quả gạo để dệt, để làm gối làm nệm. Thì ra nó giống như cây gòn của miền Nam, cây gòn cũng là một thứ mộc miên của đồng bằng Nam Bộ.
Hồi tôi còn bé, làng Trà Phương quê tôi có hai cây gạo cổ thụ. Thấy bảo nó được trồng khi quan nhà Nguyễn thế kỷ 18 cho tu sửa ngôi đình làng có từ thời nhà Mạc thế kỷ 16. Đình thờ thành hoàng là ai, tôi không rõ, lúc bé tí chả có ý thức hỏi, nhưng ra đình chơi thấy có thờ cả đức vua Mạc Đăng Dung và vợ ngài, bà hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Vua người làng Cổ Trai (ở xã Ngũ Đoan bây giờ, cách làng tôi hơn 3 cây số), bà thì chính người làng tôi. Dân gian có câu lưu truyền “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” là vậy. Câu này khắp vùng duyên hải Bắc Bộ hầu như ai cũng nghe. Khi đình bị hợp tác xã phá để lấy gỗ lấy đá làm trại chăn nuôi, hai tượng đá nhà vua và hoàng hậu được cung thỉnh về thờ tại chùa Trà Phương (Thiên Phúc tự). Lâu nay hai vị vẫn ngự trong hương khói thành kính của lòng dân quê tôi, ngay cả khi nhà Mạc bị coi là ngụy triều, cha con vua Mạc không được nhắc công bằng khách quan trong sử sách.
Có những sự lạ rất khó cắt nghĩa, chẳng hạn không biết có phải nhờ làng tôi sinh ra bà hoàng hậu không, nhưng thực tế thì đàn bà con gái làng Trà rất đẹp, nức tiếng gần xa. Các cụ bảo đó là nhờ lộc bà truyền lại. Vừa rồi tôi về quê, bận bịu việc nhà, chưa kịp rảo đi thăm người thân thì một buổi tối lúc mấy chú cháu đang ngồi chơi, có một bà chạy xe đạp bon bon tới. Hóa ra bà chị họ tôi, chị Trang, năm nay đã… 80. Bà chị tôi đẹp nổi tiếng từ thời con gái, tới giờ vẫn đẹp. Tôi cứ nghĩ nếu ngày xưa có những cuộc thi hoa hậu như bây giờ, bà chị tôi ăn đứt là cái chắc. Lúc tiễn chị ra về, còn trò chuyện rốn thêm vài câu ngoài sân, nhìn dáng đứng vẻ người của bà chị, đám cháu tôi nức nở bảo trông bà cứ như con gái, chúng cháu còn thua. Bà Trang cười, lại lên xe đạp bon bon. Đường làng đêm gần khuya, dưới ánh đèn điện thấp thoáng, tôi nghĩ hay không phải bà chị tôi mà là bà thái hậu Ngọc Toàn.
Lại quay về chuyện hai cây gạo. Khi phá đình với khẩu hiệu chống phong kiến, bài trừ mê tín dị đoan (năm 1964 thì còn quái gì phong kiến, mà cũng chả mấy ai dám mê tín dị đoan), dân quân, đoàn viên thanh niên và những xã viên hợp tác xã hăng hái nhất đã ngó sang hai cây gạo, chỉ cách đình cỡ trăm mét. Sừng sững ngạo nghễ thế kia, gốc to mấy vòng tay người ôm thế kia, đích thị là tàn dư phong kiến rồi, chả nên để làm gì. Điều cơ bản là đang cần gỗ làm trại chăn nuôi tiến lên chủ nghĩa xã hội, hợp tác hóa nông thôn, làm ăn lớn. Mấy chục cột gỗ lim cao to khủng của đình hình như được kín đáo đưa về nhà cán bộ rồi, và họ đã chặt phăng hai cây gạo, xẻ ra làm nhà nuôi lợn. Gỗ gạo tuổi mấy trăm năm cuối cùng cũng chỉ che chắn mấy con lợn còi được vài mùa, sau đó họ lại phá ra chia nhau tiệt cả. Họ chả thèm biết rằng gỗ gạo trông ra dáng vậy nhưng khi đã dứt ra khỏi đất thì không bền, dùng có được bao lâu.
Hồi còn hai cây gạo, bọn trẻ chúng tôi hay ra gốc gạo chơi. Đứng dưới gốc ngước lên, tưởng như cả bầu trời chỉ là tán gạo. Nó cao vút, thăm thẳm, biêng biếc xanh, thần bí, huyền diệu. Thân gạo xù xì, có gai, từng vỏ gỗ nếu nói được chắc sẽ thoát ra nhiều chuyện thế sự mà nó từng chứng kiến mấy trăm năm. Mùa hoa tháng 3, cả khu cánh đồng rắc đầy hoa đỏ. Lũ chúng tôi nhặt những bông hoa còn lành nhất, tươi nhất, đẹp nhất, xỏ sợi chỉ vào và xoay tít như con quay. Lại cũng ở cây gạo già này, ông Huy anh họ tôi bắc thang trèo hẳn lên cao tít buộc sợi dây thép từ gần ngọn gạo dẫn về nhà để bắt sóng âm cho máy thu thanh, còn gọi là máy ga len. Khi cây gạo bị chặt, làn sóng chuyển tải thời sự, khắp nơi ca hát, đọc truyện đêm khuya... của Đài tiếng nói Việt Nam về nhà ông Huy cũng tắt lịm. Về sau, năm 1972, hồi máy bay Mỹ đánh phá đài phát sóng Mễ Trì ở Hà Nội, đọc báo xong, anh tôi cười bảo chuyện phá sóng đã xảy ra từ năm 1964 rồi chứ đâu phải bây giờ, mà ta đánh ta, thế mới đau.
Điểm lại, làng tôi và xung quanh làng hồi xưa có mấy lão thụ mộc đâu. Những cây thuộc hàng trăm tuổi, vài trăm tuổi thì có 2 cây nhãn trước và sau đình, 2 cây gạo, mấy cây này cùng ở giữa làng, bờ đầm ven thành phủ Kiến Thụy cũ có 2 cây trẩu to hai người ôm, đường kính gốc cỡ 1 mét, quả trẩu tròn dẹp cứng như sắt, to bằng cái đĩa Bát Tràng, để làm bánh xe rất tốt, cuối núi Trà lối sang làng Đối (xã Thanh Sơn) có 2 cây quéo cũng cỡ tuổi vài trăm năm, thấy đồn lắm ma. Những cây ấy có từ hồi nào, dân làng chẳng mấy ai biết, chỉ nghe truyền tai kiểu “hồi tôi mới đẻ ra đã thấy thế rồi”. Nhưng khi chúng về trời bởi những nhát rìu oan nghiệt của hợp tác xã, thì nhiều người được chứng kiến. Thương xót, tiếc rẻ. Cái chết tức tưởi của mấy trăm năm lịch sử. Sau này, hợp tác xã đôi khi tổ chức những cuộc “Tết trồng cây”, “Trồng cây làm theo lời Bác” nhưng rặt chỉ những phi lao, bạch đàn, mấy thứ cây ăn xổi ở thì, chưa kịp tỏa bóng mát đã bị hạ xuống làm củi đốt lò nấu dầu bạc hà, lò gạch. Cuối cùng, hợp tác xã cũng tan, chủ nghĩa xã hội chửa thấy đâu, nhưng đình và đại thụ đều biến mất, mấy trăm năm lịch sử từng tồn tại vững chắc lại thoắt được đưa về số 0.
Về quê bây giờ, trùng trùng những nhà mái bằng, mái ngói, nhìn đâu cũng giông giống nhau, chả thấy có cái cây gì định vị cho lòng mình hướng đến. Cứ bâng khuâng, man mác buồn.
Nguyễn Thông
Hay quá
Trả lờiXóa