Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Thế thượng phong

Tính tới tháng 5 này, vừa tròn 50 năm Hội nghị Paris về Việt nam. Sau nửa thế kỷ, có những thứ vẫn chập chờn trong ký ức.

Hồi bắt đầu hội nghị Paris về Việt Nam năm 1968 tôi đang học lớp 7, lớp cuối cấp của hệ phổ thông 10 năm. Tuổi ấy chưa hẳn khôn ngoan hiểu biết gì nhiều nhưng cũng đã rạo rực khi ngồi bên cô bạn gái cùng lớp cơ thể đang mỗi ngày mỗi khác, biết lắng nghe thông tin từ nhiều phía về cuộc chiến tranh. Nghe người nhớn nói với nhau bọn Mỹ ngụy bị ta đánh cho tơi tả, chịu không nổi phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán thì hơi ngờ ngợ nhưng thú thực là khoái lắm. Thậm chí sướng vô cùng. Sắp kết thúc chiến tranh rồi.

Hai phía bốn bên cùng bàn bạc cách kết thúc sự thù địch, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, ai mà chẳng thích. Tôi hình dung ra ngay sắp tới các anh trai cày làng tôi sẽ không phải vào bộ đội, không phải ra trận nữa, nghĩa trang liệt sĩ không cần mở rộng theo kế hoạch nữa, huyện đội và ủy ban xã không phải vất vả khó xử khi trao giấy báo tử cho gia đình ai đó nữa. Rồi trận địa tên lửa ở Mả Đò lại đêm đêm chiếu phim miễn phí cho dân làng tới xem. Hết cảnh đám máy bay Mỹ từ hạm đội 7 hằng ngày theo cửa sông Văn Úc bay vào cứ nghễu nghện lừng lững qua bầu trời làng, như vào chỗ không người. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Bắt đầu từ hội nghị Paris.

Ấy, lòng trẻ thơ sớm bị già dặn bởi chiến tranh cứ ngổn ngang trăm mối, hồi hộp, mừng vui, chờ đợi như vậy. Nghe thơ Tố Hữu, “sức ta là sức thanh niên/thế ta là thế đứng trên đầu thù” thấy hởi lòng hởi dạ. Những thông tin ít ỏi về tiến trình hội nghị Ba Lê (mấy cán bộ huyện, xã khi tuyên truyền trong đám dân chúng thường gọi như vậy) qua báo Nhân Dân, đài tiếng nói Việt Nam và cán bộ (chỉ có 3 kênh ấy thôi) khiến ai cũng tự hào. Bọn đế quốc và tay sai đúng là loài dơi hốt hoảng bay trong đêm tàn, còn bên ta oai vệ, hiên ngang, ngẩn cao đầu. Có cảm giác phái đoàn của ông Xuân Thủy, của bà Nguyễn Thị Bình đã đè bẹp bọn Harriman, Trần Văn Lắm từng giờ từng phút, không cho chúng ngóc đầu dậy. Hòa bình ơi, mi đang ở trong tầm tay, do công lao của những người cộng sản miền Bắc.


Nhưng mộng mà thôi, mộng đấy thôi. Nhà thơ Nguyễn Bính hồi xưa đã viết như thế. Chỉ một thời gian ngắn sau hội nghị, chúng tôi, bọn trẻ đã chán ngấy chiến tranh, đang khao hát hòa bình đã vỡ mộng. Hòa bình đâu chửa thấy, chỉ thấy tháng 9.1969 ông anh ruột tôi vừa tốt nghiệp lớp 10, đã có giấy báo vào nhập học trường tuyên giáo trung ương nhưng phải xếp lại tất để vào bộ đội. Chiến trường đang thiếu lính, cho công cuộc vừa đánh vừa đàm.

Phần trên, tôi biên chép lại những chuyện cũ liên quan tới hội nghị Paris năm 1968 nhân những ồn ào xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên (Hàn - Triều) vừa diễn ra. Tình hình bán đảo Triều Tiên xoay chuyển quá nhanh, và có vẻ rất tích cực, bởi mới chỉ vài tháng trước thôi còn đối đầu như hai con hổ dữ nhe nanh múa vuốt, quyết một phen sống mái, một mất một còn, thì nhoằng cái đã bắt tay nhau, chuyện trò thân mật, bỏ qua cho nhau những lợn cợn, cùng nhìn về tương lai.

Trông xa lại nghĩ gần. Gần là chuyện xứ mình, dù đã xa ngái nửa thế kỷ. Năm 1970, thày trò Trường cấp 3 Kiến Thụy (Hải Phòng) chúng tôi “có vinh dự” được trung ương chọn một thầy dạy tiếng Anh đi phiên dịch cho hội nghị Paris. Có lẽ người giỏi tiếng Anh ở miền Bắc khi đó hơi bị hiếm, chứ nếu cần người dịch tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp thì cả rổ, tha hồ tuyển chọn. Hồi cấp 3, tôi bị học tiếng Trung do thầy Nguyễn Văn Dừa và cô Vương Ngọc Bảo dạy. Thày Dừa đậm người trông như con gấu, cô Bảo người gốc Hoa, tóc phi dê, đẹp như hoa hậu (năm sau có cô Dung dạy lý chuyển về, tóc dài chấm gót, đẹp hơn, thế là vương miện thuộc về cô Dung). Thầy Phùng Quán dạy toán nổi tiếng đẹp trai rất mê cô Bảo nhưng cô Bảo lại mê thầy Dừa, còn cô Tâm dạy sinh lại yêu thầy Quán. Đến khi tôi tốt nghiệp cấp 3 năm 1972 thì những quan hệ lằng nhằng ấy vẫn chưa đâu vào đâu, sau này nghe nói không cặp nào kết quả. Gần nửa thế kỷ rồi, cứ tiếc sao các thầy cô mình lại không thành chồng thành vợ bởi ai cũng đẹp cũng tốt cũng thật đáng yêu.

Thầy dạy tiếng Anh đi phiên dịch hội nghị Paris là thầy Thành. Tôi không được học thầy, chỉ ước chừng khi ấy thầy cũng phải ngoài 50, từng dạy học từ thời Pháp cai trị. Đi hơn 1 năm thì về dạy lại. Có lần thầy Duyên dạy môn chính trị bàn với thầy Nguyễn Mạnh Thường hiệu trưởng tổ chức một buổi cho thầy Thành nói chuyện về thành công của hội nghị Ba Lê, kể những điều mắt thấy tai nghe. Thầy Thành thuật lại những khó khăn khi ta phải đấu trí với những người Mỹ sừng sỏ lão luyện về đàm phán, chuyện đoàn VN được nhân dân Pháp ủng hộ ra sao, được Việt kiều đùm bọc, được Liên Xô dúi cho tiền bạc chi xài… Lần nào trưởng đoàn VN đi Paris thì đều phải qua Maxcơva, một phần do không có đường bay thẳng tới đó, một phần phải ghé xin ý kiến anh cả xem chỉ đạo sắp tới như thế nào. Nói chung, như lời thầy Thành, đó là một mặt trận cực kỳ căng thẳng, giành giật nhau từng phút, bắt bẻ nhau từng câu nói, sẽ kéo dài không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Tất nhiên bọn học sinh lớp 9 chúng tôi cũng đủ hiểu rằng thầy Thành chỉ nói những điều được nói, còn những gì khác đang diễn ra trên bàn hội nghị, bên ngoài hội nghị nó phức tạp thế nào, phải đợi sau này lịch sử hạ hồi phân giải. Nhưng có những thứ chúng tôi nghe được, tất nhiên thông tin một chiều từ bộ máy tuyên truyền, tinh chuyện ghê gớm, dạng “ta thắng địch thua”, ta ở thế thượng phong cao vòi vọi, đứng trên đầu thù.

Hồi đó người ta hay kể cho nhau nghe chuyện cái bàn hội nghị. Theo cán bộ tuyên huấn, bọn Mỹ ngụy chúng thâm hiểm lắm, chúng định bắt hội nghị ngồi bàn hình chữ nhật, nhưng ta kiên quyết không chịu, sau chúng xuống nước đòi bàn vuông. Ta cứ lập trường cách mạng vững vàng, không là không, cuối cùng chúng phải chấp nhận ngồi bàn tròn. Bàn tròn thì mới tôn lên được vai trò vị trí ngang ngửa của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bên ta coi đó là thắng lợi vẻ vang. Sau này tôi cứ thắc mắc nếu ngồi bàn vuông thì ta sút kém chỗ nào, không thể hiểu nổi, tuy nhiên lúc ấy nghe cán bộ ca ngợi thì cũng khoái lắm.

Họp bàn đàm phán với nhau nhưng phía cộng sản cứ lúc nào cũng phải thế thượng phong mới tỏ được chính nghĩa cách mạng. Báo chí những năm đó thỉnh thoảng lại ca ngợi bản lĩnh khí phách của ông Lê Đức Thọ, lúc thì ông không thèm bắt tay Kissinger, khi thì đập bàn mắng mỏ đoàn Mỹ hoặc đoàn Việt Nam cộng hòa như cha mắng con, lúc thì tự dưng đứng lên bỏ hội nghị ra về không thèm nói với “chúng” một câu nào. Nghe sướng lắm. Khi ấy, ông Sáu Búa Lê Đức Thọ như thần tượng của cả miền bắc, một thứ Idol Bắc Việt, át cả những ông Xuân Thủy, ông Nguyễn Duy Trinh, bà Nguyễn Thị Bình. Báo Nhân Dân phong ông Thọ là dũng sĩ diệt Mỹ trên trận chiến ngoại giao. Báo viết rằng hội nghị Paris còn vất vả gian khổ hơn ngoài chiến trường nhiều. Tuy nhiên, ông anh họ tôi một hôm đọc báo xong, thở dài, bảo đi đàm phán hòa bình mà cứ khôn vặt, xưng xưng nhận phần hơn phần hay phần tốt phần lợi về mình thế này thì có mục thất cũng chả đi đến đâu. Hai ông điếc nói cho nhau nghe thì sao thủng lỗ tai.

Sau khi hội nghị Paris kết thúc, Ủy ban Giải Nobel Na Uy quyết định trao cho cặp đôi Kissinger – Lê Đức Thọ giải Hòa bình 1972, nhưng ông Sáu Búa không nhận, bởi không thèm nhận chung giải với kẻ mà mình căm ghét. Dư luận lại một phen sướng đã đời. Vẫn thế thượng phong. Kết thúc cuộc hòa đàm, phía ta lập trường vẫn vững như bàn thạch, chỉ có điều để rồi mấy chục năm sau bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội bắt tay nhau chung sống hòa bình.

Các nhà viết sử ngoại giao xứ này thường nói về Hội nghị Paris như một thắng lợi chói lọi, mốc son ngoại giao, nước nhỏ nhưng đứng trên đầu thù, khiến kẻ thù ê chề, thất bại thảm hại… Tôi chỉ nghĩ rằng, giá như không cần phải thế, cứ như hai miền Triều Tiên bây giờ thì tốt biết bao nhiêu.

Nguyễn Thông


5 nhận xét:

  1. Tuyên giáo =>tuyên truyền giáo gươm

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ đài báo vẫn tuyên truyền như vậy các bác ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Không biết là chuyện Nam, Bắc Hàn kết thúc thế nào nhưng nếu họ thống nhất được mà không cần đến một cái nghĩa trang liệt sĩ “khủng” ở Bàn Môn Điếm thì tháng 4 của họ quả rất khác với tháng 4 của mình

    Trả lờiXóa
  4. Nghe nói có giai thoại là :" Tôi dài hơn ông" nữa mà. Tui nghe cũng thích vì : Đối đáp nhanh và vĩ đại quá,

    Trả lờiXóa