Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Văn chương đê tiện


NGÔ NHẬT ĐĂNG (con trai nhà văn Xuân Sách)

Một đoạn ký Nguyễn Tuân được trích lại viết về Mắc-Kên (McCain) trên mạng xã hội. Tôi cũng từng được hỏi : “Vì cái gì mà mấy nhà văn đó đâm ra đổ đốn vậy ? Vì sợ, vì hèn, vì danh, vì chút bổng lộc…? Anh cũng là con của nhà văn thời ấy, anh giải thích được không ?”. 

Số đông hơn người miền Nam thì nói : “ Ngày xưa, trong này đi học chúng tôi say mê những Nguyễn Tuân, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu vv…lắm. Yêu Hà nội cũng vì những ông này. Bọn chúng đã giết hại cả một thế hệ tài hoa của dân tộc”. Các anh này toàn những cậu Tú, cậu Cử ngày xưa, đi lính trong đợt Tổng động viên, sau 75 thì nếm mùi lao cải, ít cũng 5, 7 năm nhiều thì mười mấy, 20 năm. Cũng lạ, những người suốt đời không quên được tội ác đó đáng lẽ phải căm thù, phải khinh bỉ thì lại không cực đoan. Có lẽ vì trải qua “cái lò luyện cừ” trại cải tạo nên từng trải và hiểu lẽ đời hơn chăng (?).

Những cuộc “tẩy não” kéo dài ngày này sang ngày khác làm đầu óc con người quay cuồng, cụ Ngô Tất Tố sau mỗi buổi “kiểm thảo” là nước mắt, nước mũi ròng ròng. Cụ vắt mũi quệt lên cột lán than : “Làm người sao mà khó ?”, rồi cụ cũng phải tự tử bằng cách treo cổ. Người thì thành lẩn thẩn như Hà Minh Tuân, lang thang vật vờ giữa lòng Hà Nội, bị đưa về cái cơ quan có cái tên kỳ dị : “Vụ cá nước lợ- Bộ thủy sản”, gặp ai cũng nói : “ Cám ơn ông (bà) đã có lời hỏi thăm. Bây giờ tôi biết nhiều về người nước lợ rồi, nhưng vẫn chưa biết cá nước lợ nó như thế nào”. Người thì phát điên như họa sỹ Tư Nghiêm, chạy cả ra đồng vặt cỏ ăn khi người ta ngày này sang ngày khác bắt ông phải kể tội mẹ mình….

Rồi sau chiến dịch Nhân văn Giai phẩm, người thì đi tù, người đi chăn bò, người bỏ về quê như Hữu Loan, Nguyên Hồng, Phù Thăng vv…những người còn lại thì tính cách “bảo toàn lực lượng”. Người thì không sáng tác nữa, những người “được” nhà nước bắt buộc viết thì toàn “cho ra đời những phế phẩm”, ngụ ý : “cái thời chính trị đốn mạt thì chỉ có một nền văn học đê tiện”.


Nguyễn Tuân là một trong số những người này, ban đầu ông viết cái thứ “văn chương gài mìn” không nói gì về người cả như “Phở” như “Cây Hà Nội” vv…nhưng đâu có thoát, nhà nước thì bảo “xỏ xiên”, là “cái tư tưởng tiểu tư sản trỗi dậy”, “nói xấu miền Bắc XHCN” vv…một bên thì bảo : Trong khi các văn nghệ sỹ khác đang bị đầy đọa thì Nguyễn Tuân bán linh hồn cho quỷ dữ, nịnh nọt nhà cầm quyền để hưởng thụ vv…Khó vậy. Ngày xưa Nam Cao viết bị ghét vì quá “đụng chạm” ông chuyển sang viết về trăng, về cây, về chó vv…mà vẫn không yên, cuối cùng ông viết về mình, một thằng “Có cái mặt không chơi được”, cũng vẫn không yên. Có lần tôi nghe các nhà văn nói với nhau : “Nam Cao mà còn sống đến giờ, chắc nó sẽ là thằng “rũ tù” đầu tiên”.

Bố tôi cũng vậy, tôi đọc sách của ông thấy chán lắm, không như những gì ông và bạn bè bàn chuyện văn chương, tất nhiên không dám nói ra. Còn ông, thì ai nhắc đến là lại nói “ văn veo cái gì đâu, kể chuyện thôi mà”. Tôi biết, thế hệ ông đi kháng chiến phần lớn ôm theo “mộng văn chương”, các ông mê Hemingway lắm, mơ sẽ có nền “văn học Trung úy” kiểu Việt Nam (có một tấm ảnh bố tôi đeo quân hàm trung úy, tóc cắt kiểu Hemingway, tên tôi cũng là lấy tên một tác phẩm của nhà văn này “Mặt trời vẫn mọc”), nhưng đều vỡ mộng khi gặp câu hỏi : “Đứng trên lập trường quan điểm nào mà viết cái này?” của mấy ông tuyên huấn gốc bần cố nông.

Ông chỉ viết về kháng chiến mà lại thiếu nhi. “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, viết về các thiếu nhi làng Đình Bảng chống Pháp, sau 54 người ta quên tịt, chẳng ai nhắc, khi cuốn sách được in thì mới có chuyện khôi phục tặng thưởng huân chương này nọ. Hay Phạm Ngọc Đa, sau 54 bị coi là phản bội vì bị coi là đã khai ra cán bộ lúc bị Pháp bắt, gia đình thê thảm, người chị và 2 đứa con (PNĐ mồ côi chỉ có 2 chị em) không được chia ruộng đất, con không đượcđi học…khi cuốn sách của bố tôi ra đời, chị mới được dễ thở hơn một chút, chán nhân tình thế thái, chị mang con lên một cái ga xe lửa heo hút miền thượng du, mở quán cơm bụi kiếm sống.

Một lần tình cờ tôi ghé quán đó, chuyện trò hỏi thăm mới biết chị quê Tiên Lãng, là chị ruột Phạm Ngọc Đa, khi biết tôi là con bố, chị gọi mấy đứa cháu ra, quỳ xuống lạy tôi nói : “ Xin chú về nói với ông, ông là người đã sinh ra mẹ con tôi lần thứ 2”. Tôi tự hào về bố mình cũng vì những điều này. Nhưng cũng bị người chửi thẳng vào mặt “ Bố mày cũng chỉ là loại văn nô” khi tác phẩm có động chạm đến một vị Linh mục không giữ được đạo đức tu hành (chi tiết về ông này do một Cha xứ cung cấp).

Con đường binh nghiệp của bố tôi cũng chẳng khá gì, học sỹ quan pháo binh từ năm 1950 (ai có bằng Tú tài mới được tuyển), khi được phong quân hàm Trung úy, 30 năm quân ngũ được lên 3 cấp. Đúng như lời ông tướng Song Hào : “Bần cố nông 1 năm lên 1 cấp là chậm, tiểu tư sản 10 năm lên 1 cấp là nhanh”. Đồng lứa ông “thêm sao, thêm gậy” ầm ầm, ông vẫn “quân hàm mốc”. Đến nỗi có ông bạn vàng tặng câu đối :

"Xuân đâu nữa 40, con 3 đứa, sao 3 ngôi, khôn dại dại khôn, khôn cũng nó, dại cũng nó
Sách gì cũng năm bảy, thơ một thể, văn một thể, đức tài tài đức, tài nơi mình, đức nơi mình".

Tôi thấy khó chịu, nhưng bố tôi chỉ cười, kể tôi nghe về “bạn vàng”, sau năm 54, đạp xe dạo phố, đi qua nhà ông Lành (Tố Hữu) bạn vàng hỏi :
- Sách, có bao giờ mày nghĩ sẽ được ở trong biệt thự như thế này không ?
- Đừng nằm mơ, giờ mới Trung úy quèn, bao giờ lên Tướng ? Họa có mà làm đảo chánh.
Thế là ông bạn vàng về báo cáo chi bộ. Ông này sau cũng lên Tướng. Thế đấy.

Cuối năm 67, bố tôi đi Nam, cuối 68 mới về, hôm nào cũng đầy người đến nhà nghe kể “chuyện chiến trường”, toàn những chuyện kinh tởm, ai cũng bàng hoàng. Bố tôi chẳng thấy in gì, ngoài hơn chục bài thơ in chung với người khác. Khi đi lĩnh tạm ứng 200 đồng, khi về nộp thơ, cô Ý Nhi lúc đó làm biên tập nói : “Thơ anh dù cố tính nhuận bút cao, ngồi chung chiếu nhất với “các cụ” mà vẫn còn thiếu. Nhưng nxb quyết định xóa nợ cho anh”. Ông nói thêm : “Tưởng được lĩnh tiền nhuận bút sẽ mời cô Ý Nhi đi ăn phở mà cũng không được”.

Nói thêm về chuyện “nhuận bút” thời đó cho bạn đọc bây giờ dễ hình dung. Cỡ Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu đăng bài hoặc thơ trên báo nhuận bút chừng 10-15 đồng, tính theo “bản vị Nguyễn Tuân” là phở thì cũng được chừng 20-30 tô. Còn các “cụ” như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường- Chinh vv.. thì khác. Như Tố Hữu, 1 bài thơ nhuận bút 500 đồng, nếu Tết thì thêm “cành đào Nhật Tân và cặp gà trống thiến”, có người kể, khi nhận nhuận bút ông Lành nói : “Nhuận bút như ri thì nhà thơ ta sống khỏe hè”. Báo ngày đó cũng đăng tin “Bác Hồ tặng nhuận bút của mình cho bộ đội cao xạ bảo vệ Thủ đô”. Ông Trường- Chinh viết khỏe nhất, nhưng trong bài của ông phải có gạch nối như : Trường- Chinh, quan - điểm, lập- trường vv…nên được gọi là “ông gạch-nối”, bỏ sót điều này thì chết với ông, có lần ông gọi điện cho một ông giám đốc : “ Xem lại, nội bộ cơ quan đồng chí có địch”, làm ông giám đốc toát mồ hôi, phải xem lại từng chữ.

Có lần tôi hỏi bố : “Viết những thứ như thế này, các nhà văn không xấu hổ sao?” Khi được giải thích tôi cũng không thông, làm sao sau này người ta hiểu được nền văn chương què quặt ấy phản ánh cái thời đại mà nó sống, cũng què quặt, bất thành nhân dạng như vậy ? Ông bảo : “Chỉ cần trong 1 ngàn người, có 1 người hiểu là đủ, tất nhiên cũng có những bồi bút thực sự, người ta sẽ hiểu thể chế như thế nào mới sản sinh ra loại vô liêm sỷ như vậy, phóng chiếu hình ảnh của nó lên thời đại, danh hiệu nhà văn khó lắm”.

Sau này, đọc di cảo của ông, những chuyện chiến trường ngày đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu khi chứng kiến những cái chết của người lính nói với bố tôi : “Cả tao và mày, chúng ta đều có tội, đều phải chịu trách nhiệm về những cái chết này”. Bố tôi viết thêm : “Bẻ cong ngòi bút, viết sai sự thật là phản bội người lính”.

Cũng có người ấp ủ “cú đá hậu” như Bùi Ngọc Tấn với “Chuyện kể năm 2.000”, Tô Hoài với “Ba người khác” hay bố tôi với “Chân dung nhà văn”vv… Bố tôi ấp ủ 30 năm, đến khi bác Lữ Huy Nguyên làm giám đốc nhà xuất bản Văn học thì các ông thấy thời cơ đã đến.

Bác Nguyên vào Vũng Tàu, 2 ông ra bờ biển 2 đêm “dưới ánh trăng” bàn tính chọn 100 bài, nhưng cuối cùng bác Nguyên bảo bỏ 2 bài về ông “gạch- nối” và ông “trung ủy” tức Hữu Thọ. Bác Nguyên bảo : “Tiếc lắm, nhưng đành phải bỏ, tay “trung ủy” này có đủ mọi cách để tập thơ của anh không bao giờ ra đời được”. Khi chia tay 2 người ôm nhau, bố tôi hỏi : “Lư còn băn khoăn gì không?” Bác Nguyên trả lời : “Sách yên tâm, cuối đời rồi, mình cũng phải làm điều gì đó”. Tên cúng cơm của bác Lữ Huy Nguyên là Nguyễn Huy Lư, bố tôi nói gọi tên cúng cơm để tỏ lòng kính trọng. Lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ, làm gì mà nghiêm trọng thế, in một tập thơ thôi mà, đâu phải tiễn Kinh Kha qua sông Dịch.

Nhưng rồi khi tập sách ra đời, mọi chuyện vỡ lở, người ta thấy bộ mặt của nền văn học xã nghĩa, đủ cả bi hài, cao thượng, dũng cảm lẫn hèn nhát, luồn lọt, quỳ gối trước bạo quyền…Bác Lư “lãnh đủ”, nhưng đúng với chất của “người Hà Nội cũ” bác lặng yên, chẳng thèm thanh minh (tôi cũng từng lang thang với người em ruột bác, một họa sỹ vẽ phụ nữ rất đẹp bằng phấn màu).

Bố tôi cũng gặp đủ thứ, ông lờ hết, chỉ để ý đến những lá thư khắp nơi gửi về, những người lặn lội từ xa đến thăm chỉ vì “Chân dung”, có người bảo : “Thôi, thế là anh chết được rồi”. Khi cuối đời, lúc nằm trong bệnh viện, tôi hỏi bố : “Còn gì mà bố tiếc không, việc gì bố còn dang dở ?”. Ông bảo : “Còn cuốn sách của đời bố nữa, ‘Chân dung’ chưa là gì đâu. Đó là cuốn viết về thế hệ bố, từ năm 50 đi kháng chiến, gặp ông Hồ cho đến năm 1969, khi ông ấy chết”. Ông bảo đã viết xong “Con cứ đi đi, về rồi tính”, lúc đó tôi có việc phải đi châu Âu, khi về thì đã muộn, ông chỉ kịp nói : “Con yên tâm, bố đã gửi vào các bàn tay đáng tin cậy, rồi các chú ấy sẽ tìm con”.

Một lần, bàn chuyện các nhà văn, bác Nguyễn Hữu Đang kể : “Có lần mình nói với Nguyễn Tuân : Cậu đóng kịch thì như đời thật, ngoài đời thì như đóng kịch”. Tôi dỏng tai nghe, nhưng cô Bội Trâm (vợ chú Phùng Quán) vội nói : “ Thôi anh đừng nói về Nguyễn Tuân như vậy mà anh N. đây buồn, anh ấy yêu NT lắm”. N. là một Việt kiều từ Paris về.

Nên tôi vẫn say mê “Thiếu quê hương”, “Tóc chị Hoài”, “Cái lư đồng mắt cua” vv…vẫn gai người khi đọc câu : “Vậy, Xuyến là người bên Lương hay bên Giáo?”. Cái đê tiện trong bài ký về “Mắc- Kên” chỉ là cái đê tiện mà ông mang mình ra để phản ánh cái thời ông sống. Ai chửi, ai khen kệ, ông vẫn bình thản nhả khói qua cái tẩu “bất ly thân” của mình. Hay một người nói : “Chỉ ‘nắng chia nửa bãi chiều rồi’ tôi cũng bỏ qua cho Huy Cận nhiều điều”. Khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn tôi cũng nghĩ vậy.

Ngô Nhật Đăng


6 nhận xét:

  1. Sự thật muôn đời vẫn là sự thật! Cho thấy "Ai giải phóng ai?"

    Trả lờiXóa
  2. Có anh bạn nói: mười năm nay học viết bằng máy tính. Lúc đầu khó quá, mãi cũng quen. Nhưng khổ nỗi viết bằng máy tính chưa xong thiên hạ đã đọc được...thế đấy. Thế là không viết nữa.Già rồi chẳng sợ gì hơn nữa mình có làm phản động gì đâu mà sợ. Nhưng có trời mà biết. Bây giờ bọn ăn không ngồi rồi lương lại cao ngất ngưỡng nhiều lắm. Không may sơ suất lại khổ con cháu, nghĩ thế nên thôi./.

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa...Thời VNCH. Tác phẩm về thơ văn của những tác giả còn ở lại miền Bắc, vẫn được đưa vào chương trình dạy của bộ giáo dục. Điển hình như: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Quang Dũng, Hữu Loan..v...v..Nền giáo dục khai phóng ấy, giờ mất đi thật tiếc. Là nhà văn hoặc nhà báo. Nếu không được nói những điều mình nghĩ, thì theo tôi, nên kiếm nghề khác mà sinh sống

    Trả lờiXóa
  4. Nhớ lại, chẳng biết đúng không, hồi còn học ở cấp trung học đệ nhất cấp, như THCS bây giờ, thầy giáo có dạy giảng văn, bài "Giàn Bầu Nậm" của Nguyễn Tuân. Thầy giáo chỉ thoáng qua về giàn bầu xanh mượt, trái bầu lủng lẳng, gió chiều mơn man. Chủ yếu thầy giáo say sưa về "Vang bóng một thời" về Nguyễn Tuân. Thầy trò miền Nam hồi ấy đều quí trọng tác giả Nguyễn Tuân.
    Bố tôi, một thầy giáo được dân chúng cả tỉnh biết đến và kính yêu. Sau 1975 ông về lại miền Nam, đoàn viên cùng gia đình. Bố tôi không còn thông minh, hoạt bát như xưa. Không phải do tuổi tác. Mấy chục người bạn cùng đi tập kết với bố tôi đến thăm bố tôi hằng ngày, đôi mắt cụ ông nào cũng hao hao nhau, tựa như bị hớp hồn. Trong chuyện trò, họ không bao giờ đụng đến chính trị. Tôi đồ rằng, các cụ ông đều chung tâm cảnh, cứ gặp cành cây cong thì nghĩ đến cái cung. Khủng khiếp. Càng thấm, tôi càng thương kính Bố tôi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở chính thể VNCH, những tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ sỹ đang sống ở miền Bắc vẫn được phổ biến, nhưng ở chế độ việt cộng thì bọn chúng cấm tiệt! Đúng vậy không?

      Xóa
  5. Những gì xảy ra ở miền Bắc dưới thời Cụ Hồ nó tàn tạ đến thế này, nhưng có (rất) nhiều người muốn đem cái thối tha đốn mạt này ra áp dụng cho cả nước . Sau 30-4, bọn này được nâng lên thành "trí thức đấu tranh".

    Số phận lạ đời của đất nước!

    Trả lờiXóa