Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Chuyện con lợn nhân năm Hợi

Con lợn ở miền Bắc, dân Nam gọi là con heo. Nó là vật nuôi trong nhóm gia súc gia cầm thân quen gần gũi người nhất, cùng hạng với gà, trâu, mèo, chó. Ở nông thôn miền Bắc thập niên 50 - 70, hầu như nhà nào cũng nuôi lợn. Vì sao nuôi, cứ thủng thẳng tôi sẽ kể.

Năm nay 2019, nếu tính theo lịch âm, là năm con lợn. Người Tàu cổ xưa đặt ra lịch tính ngày tháng năm căn cứ vào tuần trăng, gồm 10 can và 12 chi, mỗi chi ứng với một tháng trong năm, được gọi tên theo con vật. Trong hàng chi, con lợn (heo) xếp cuối cùng, gọi là Hợi. Đám chúng tôi hồi nhỏ, ngoài việc thuộc bảng cửu chương, thì hầu như đứa nào cũng biết tính năm kiểu âm lịch, thuộc làu 10 can “giáp ất bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quý” và 12 chi “tý sửu dần mão thìn tỵ ngọ mùi thân dậu tuất hợi”. Cứ hết một hồi tròn 60 năm thì trở lại tên năm cũ, ví dụ năm âm lịch sắp tới là Kỷ Hợi-2019 thì sau 60 năm nữa mới lại có Kỷ Hợi-2079 . Các cụ gọi là lục thập hoa giáp (tròn một vòng 60 năm), xem đó như một đời người. Phần thời gian được sống tiếp sau hoa giáp này coi như phần lãi, trời cho.

Thời trước, các cụ sinh đẻ con vào năm nào thì thường đặt tên con bằng tên năm ấy. Cả 12 chi đều thành tên, dễ nghe dễ gọi, lại dễ nhớ tuổi. Trong truyện “Tắt đèn” của cụ đầu xứ Tố (Ngô Tất Tố), nhân vật chính là anh Dậu (sinh năm con gà), em trai là anh Hợi (sinh năm con lợn), các con là Tý (chuột), Dần (hổ), chỉ có cái Tỉu chưa được đặt tên chữ. Nhưng đó là những năm ở vài thập niên đầu thế kỷ 20, chứ càng về sau thì người ta không thích đặt như vậy nữa. Cứ hình dung cả làng có vài chục anh Sửu, mười mấy chị Tỵ dễ bị lẫn lộn lung tung lắm. Làng tôi bớt những chị Mão, chị Ngọ, chị Mùi thì lại thêm nhiều tên nôm na dân dã của các cô các chị như Lộn, Són, Vén, Gầu, Nhỡ, Vớ, Khỏe, Khoắn, Khợi, Hểu, Ga… Chả như ngoài thành phố, tinh tên nghe réo rắt dễ thương, kiểu “Nào xem thử đoán tên con gái/Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi” (thơ Nguyễn Bính). Cô em gái tôi, sinh năm con lợn nhưng thày bu tôi chắc cũng bị ảnh hưởng lối Âu hóa nên không đặt là Hợi mà là Ngọt. Tôi nghiệm từ thực tế, thấy hầu hết những phụ nữ sinh năm Hợi đều rất dịu dàng, hiền thục, giỏi giang, đảm đang, được mọi người quý mến. Em tôi là một cô Hợi như vậy.

Đang kể chuyện lợn lại đi khoe em. Hồi nãy bảo rằng nông dân miền Bắc khi xưa nhà nào cũng nuôi lợn, là có lý do cả đấy. Làm nông nghiệp, ai cũng biết thứ quy luật đã thành văn “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước đã có ông giời lo, khi cần thì xin ổng “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày”, cần và giống thì do người, còn phân, một mình người không đáp ứng nổi, phải trông chờ vào mấy con vật nuôi. Bọn trâu bò suốt ngày rong ruổi ngoài đồng ngoài đường, nhặt được bãi phân của nó hơi bị khó, nhất là nó vừa thải ra là có người đánh dấu xí phần chủ quyền ngay. Bọn gà không đáng kể. Thôi thì chỉ trông chờ vào nguồn cung chủ yếu ở con lợn. Nói tới phân, nhất là phân hữu cơ cho trồng trọt, phân lợn chiếm vị trí hàng đầu. 

Cũng cần biên thêm, mấy thứ phân vô cơ như đạm, phốt phát, lân, kali, thời ấy nhà nước bán phân phối từng ký, chẳng dễ mua. Có thời gian dài, phân vô cơ cho nông nghiệp hiếm hoi, đắt đỏ, giá trị chả khác mì chính (bột ngọt) trong ăn uống, bếp núc của dân chúng vậy. Thường chỉ nhà mấy cán bộ xã, hợp tác xã mới có nhiều phân đạm, chứ nhà nông dân chăm bón lúa và hoa màu vẫn phần lớn nhờ phân lợn và phân xanh (ủ bằng bèo hoa dâu (mà anh Phạm Tuân có đem lên vũ trụ nghiên cứu, về sau chả thấy nhắc kết quả thế nào), lá xoan, lá muồng…). Còn về mì chính, lại nhớ giai thoại cụ nhà văn Nguyễn Tuân, người ta kể rằng cụ rất thích ăn phở, nhưng chúa ghét những anh nào, mà thường là cán bộ, vào quán phở gọi một bát, chủ quán bê ra rồi, không ăn ngay mà cẩn thận rút từ túi áo đại cán một lọ mì chính nho nhỏ, trịnh trọng cho mọi người thấy việc rắc một vài hạt lên bát phở, khuấy đều nhấm nháp ra chiều ngon lắm, rồi mới thong thả ăn. Cụ ghét cái thói trưởng giả mới của đám cán bộ có tiêu chuẩn mì chính.

Phân lợn ủ trong chuồng, khi nào đầy thì hợp tác xã cho người đến lấy gánh ra đồng. Cân đo đàng hoàng, tính từng hộ mỗi vụ phải nộp bao nhiêu ký, bao nhiêu thùng, thiếu thì trừ vào thóc. Mà tôi nói thật, là người trong cuộc nên tôi chả lạ gì, phân lợn thì ít, chứ phần độn rơm, độn rác, độn bèo tây mới nhiều. Một, hai con lợn, ỉa đâu lắm phân thế. Nhà nào cũng như nhà nào, làm ăn kiểu hợp tác xã là vậy. Đi đâu cũng thấy nghễu nghện khẩu hiệu trên tường “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ” nhưng chỉ là khẩu hiệu thôi.

Một lý do nữa phải nuôi lợn, nghe thì rất đơn giản, có nuôi mới có thịt ăn. Nhà nước giao chỉ tiêu hộ nông dân mỗi năm phải bán cho nhà nước bao nhiêu ký lợn hơi (cân nguyên con). Không bán đủ định mức (nhà nước mua rất rẻ, chỉ chưa đầy 5 hào/ký) sẽ bị phạt, trừ công điểm, trừ vào thóc. Và tệ hơn nữa, sẽ không được mua thịt khi hợp tác xã mua bán mổ lợn bán cho xã viên vào cuối tuần. Có những nhà do không bán đủ định mức nên quanh năm thèm thịt, ngay cả mỡ để xào rán cũng không có. Xin đừng hỏi sao không ra chợ mà mua. Chợ nào dám bán thịt, nhà nước đã quản lý triệt để, anh nào giết lợn chui, bị phát hiện, không chỉ chịu tịch thu thịt mà có khi phải đi tù. Chỉ bao giờ nuôi lợn cân đủ cho nhà nước, may ra tới tết mới xin phép hợp tác cho vài nhà đụng nhau một con lợn, lấy thịt gói bánh chưng, gói giò, nấu nồi thịt kho đón xuân, đón năm mới. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Những chuyện của một thời ,sao mà sót sa,nhiều người không chết vì đói nhưng chết vì thèm, nói ra thật thì liên lụy đến con cháu thôi đành câm nín ngậm ngùi .

    Trả lờiXóa
  2. Vậy mà cũng đủ sức giải phóng miền Nam, rồi cả 2 cùng đói.

    Trả lờiXóa