Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Kỳ nhân xứ Thanh

Mấy bữa nay trời trở lạnh. Thường cứ vào cữ Giáng sinh ông trời lại mau mắn tụt nền nhiệt xuống rất nhanh, cả trong nam lẫn ngoài bắc. Coi bản tin dự báo thời tiết của khí tượng thủy văn Trung ương thấy bảo ngay tại thủ đô rét xuống dưới 10 độ C. Lại hình dung ra cảnh trong gió bấc căm căm như thế vẫn có những cặp tình nhân ngồi ủ ấm tay nhau trên ghế đá bờ hồ Gươm, mặc những con sóng nhỏ lăn tăn tấp vào chân tháp Rùa. Cái rét xứ bắc thường làm kẻ xa quê nghĩ ngợi.

Vậy mà từ cuối tháng 10 tây tôi đã run và thích thú trong cái lạnh đầy kỷ niệm. Khi ấy thủ đô còn nóng rẫy. Chả là được lang thang trên đỉnh Pù Luông cao 1.500m xứ Thanh. Mấy ông bạn vàng bảo mày kêu vé giá rẻ Jetstar hoặc Vietjet ra đi, cứ tới sân bay Thọ Xuân chúng tao đón, còn đưa đi đâu, gặp ai thì mặc chúng tao.

Con đường lên các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Quan Hóa… vòng vèo qua những trập trùng đồi núi. Sông Mã nổi tiếng hung dữ nhưng ở thượng du mùa này cạn nước, hiền khô. Mấy chục cây số bạt ngàn xanh, những mía và luồng. Ông bạn đồng hành, tay thổ công xứ Thanh, nhà báo Xuân Ba bảo mày biết không, tỉnh Thanh có thế mạnh 4 lờ (L) là lúa, lợn, lạc, luồng. Nhưng y dặn thêm, mình lên với Pù Luông, Bá Thước một ngày thôi, rồi mau về, còn nhiều việc, kẻo Nguyễn Xuân Phi nó chờ.

Nghe thổ công nhắc, trong đầu chợt hiện lên cuộn phim quay chậm, tua từng đoạn, mấy ngày ở Thanh Hóa mới cách đấy 2 tuần. Chả là đám đồng môn rủ nhau họp lớp, một kiểu dối già, “vui xuân cho hết xuân đi/cái già xồng xộc nó thì đến nơi”, điểm đến là Sầm Sơn. Khi cả bọn đang ồn ào cụng ly, tán hươu tán vượn, bồi hồi với những kỷ niệm cũ thì Phi đến. Giản dị, nhũn nhặn, hiền lành, thật tình cảm, Phi bảo biết các anh chị về Thanh nhưng cuối năm cả núi công việc, giờ mới gặp nhau, cũng là duyên vậy. Đám chúng tôi, nhiều người chưa biết vị khách (thực ra là chủ) kia là ai, tuy nhiên với những dân xứ Thanh (lớp tôi thời sinh viên rất đông kẻ từng ngụp lặn trên sông Chu, sông Mã quê nhà) thì Nguyễn Xuân Phi không phải người xa lạ. Nhìn Xuân Ba, Lê Quốc Lập, Đặng Quốc Khánh, Trần Triều Nguyệt… ôm vai bá cổ, trò chuyện với Phi như người nhà, thì rõ. Tôi cũng đã biết Phi, qua những bài báo, thời “y” làm chủ sự của cái đơn vị ăn nên làm ra nổi tiếng đất Thanh Hóa, Công ty Sông Mã. Suốt một thời gian dài, Sông Mã (cái tên doanh nghiệp chỉ nghe đã thấy đậm chất Thanh) nổi như cồn, có nhiều công trình đẹp tạo nên điểm nhấn cho thành phố, chả kém gì Đường Lam Sơn của ông Lê Văn Tam, Thuốc lá Thanh Hóa của ông Lê Viết Dược. Xứ Thanh lâu nay cứ đôi khi lại cung cấp cho đời những kỳ nhân, làm ăn cực giỏi, sống rất tình, đầy nét độc đáo. Nguyễn Xuân Phi, tôi hiểu, là một người như vậy.


Mấy hôm lang thang trên phố phường Thanh Hóa, tò mò gặp gỡ, trò chuyện với dân bản xứ, từ bác xe ôm, cô chủ quán cà phê, anh nhân viên khách sạn, hóa ra người ta còn lưu trong bộ nhớ nhiều ấn tượng về ông bí thư Thành ủy Thanh Hóa. Không hẳn chỉ khen mà có cả lời chê. Một người còn kể tường tận cho tôi chuyện ông bí thư từng bị xã hội đen dằn mặt khi ông động chạm quyền lợi của chúng. Lại cả chuyện dùng chiếc xe công của Công ty Sông Mã dù đã không còn làm ở đó nữa, v.v.. Ông Phi tâm sự, đã chấp nhận gánh vác thì chả thể nào tránh khỏi lời ra tiếng vào, chỉ không làm gì, không đụng chạm đến ai thì mới trơn tru bóng bẩy “sạch sẽ” thôi.

Mà thế thật, nói đâu xa, nhiều người dân sở tại khẳng định với tôi rằng bộ mặt của thành phố Thanh Hóa dưới thời ông Phi làm chủ tịch rồi bí thư đã khác rất nhiều so với hồi những người tiền nhiệm. Họ kể một lèo bao nhiêu dấu ấn Nguyễn Xuân Phi, về quy hoạch và phát triển thành phố; Nào quảng trường Lam Sơn, vòng xoay Chim hạc, con đường hai chiều thênh thang nối tới cầu Nguyệt Viên, tình hình an ninh trật tự của thành phố, sự khang trang sạch sẽ trên những mặt tiền đường… Mấy người bạn quê xứ Thanh gật gù, họ nói đúng đấy, cha Phi làm ra làm, chơi ra chơi. Hồi “y” đề xuất phát triển thành phố về phía đông, cũng nhiều người phản đối lắm, ngay cả dự án làm cái vòng xoay biểu tượng chim hạc “Hồng hạc hướng thanh thiên” (thành phố Thanh Hóa khi xưa được gọi là Hạc thành) cũng vậy. Bây giờ thì chỗ ấy thành đất vàng, thu hút biết bao nhà đầu tư, bao nhiêu dự án, nhan nhản những siêu thị, khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị, trường học… rộng rãi, cao vút, hiện đại. Vòng xoay Chim hạc thì nay đã trở thành biểu tượng mới của thành phố trẻ ấn tượng này. Cứ lẩn thẩn nghĩ, Thanh Hóa chỉ cần vài người như bí thư Phi thì có khi một thành phố lâu đời như Hải Phòng hay Nam Định sẽ bị qua mặt trong đà xốc tới thế này.

Hồi nãy ai nói “làm ra làm, chơi ra chơi” nhỉ. Vận vào Nguyễn Xuân Phi hơi bị chính xác. Ông bí thư tuổi Kỷ Hợi 1959 có thứ tư duy kinh tế khá nhạy, thường nhìn ra những điều thiên hạ chưa kịp nghĩ. Từng du học ở và làm việc 14 năm tại Bulgaria, có bằng tiến sĩ kinh tế, ông đứng đầu đảng của một thành phố đang ngồi thủ thỉ trước mặt tôi kia là tay đầy ắp kiến thức và kinh nghiệm về bất động sản. Có 17 năm làm về lĩnh vực này. Ai đó đã xen vào câu chuyện đang lúc rôm rả rằng thời đầu thập niên 1990, những anh mới nhập nghề đất đai, trong đó có nhiều doanh nhân nổi danh bây giờ, đều lần mò tới tỉnh Thanh để học hỏi Nguyễn Xuân Phi. Chỉ có điều, người khác từ làm giàu đất rồi thành đại gia lẫy lừng, còn ông Phi đem cái kiến thức ấy vào cuộc chấn hưng và phát triển thành phố, nơi ông được giao nhiệm vụ quy hoạch, mở mang nó để mọi người cũng hưởng.

Tự dưng tôi liên tưởng tới cuộc gặp năm ngoái với nhân vật cũng rất đặc biệt, ông Nguyễn Sự, bí thư TP.Hội An ngay trên phố cổ. Ông Phi và ông Sự, hai con người độc đáo nhưng có nhiều điểm chung. Và rất tình cờ, hỏi kỹ thêm chút nữa, hóa ra thành phố trẻ tỉnh Thanh đã kết nghĩa với thành phố cổ xứ Quảng, còn hai ông bí thư là bạn thân. Người tài và có tâm thường bắt duyên với nhau như vậy.

Tôi ghé tai hỏi nhỏ, thiên hạ bảo ông làm giỏi nhưng chơi cũng khiếp lắm, đúng không. Lão Phi cười hồn nhiên, đúng quá đi chứ, chả có gì phải giấu. Để tôi đưa các ông đi coi, trăm nghe không bằng một thấy. Xe đỗ xịch trong sân khu “Không gian văn hóa Việt” giữa thành phố sinh sắc này, tôi thực sự choáng với niềm đam mê, thú chơi độc đáo của kỳ nhân xứ Thanh. Có đứa bảo nhỏ, chẳng nhẽ bao nhiêu tiền của, lão Phi dồn hết vào đây. Chỉ thấy đá, đá, cây, cây, và gốc cây. Nhưng không phải đá phải cây phải gốc thường mà chúng đã được đầu óc chất xám Nguyễn Xuân Phi và bàn tay sáng tạo, khéo léo của những thợ lành nghề thổi hồn vào, đem cho chúng giá trị vô chừng. Những khối đá lung linh nặng vài tấn chạm khắc tinh xảo, vân ngọc khi ẩn khi hiện như một thế giới lúc có lúc không. Kia là hai khối đá quý vuông vức xanh bóng, không một vết sứt sẹo, mỗi khối cả trăm tấn chứ không ít. Tự hỏi không biết lão ta làm cách nào mà chở chúng về được đây để an ngự hiền lành giữa không gian văn hóa này. Nếu không có ý tưởng kỳ thú như Xuân Phi thì sẽ chỉ là những viên đá xẻ bình thường.

Càng sửng sốt hơn khi ta mục sở thị những bộ gốc rễ đã được chế tác cực kỳ tỉ mỉ, mỗi gốc nếu chứa nó phải nguyên một gian nhà. Ông Phi chỉ cho cả bọn xem bộ “Tứ linh” chạm khắc theo tích tứ bất tử của dân Việt, gồm Thánh Tản Viên,Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Chúa Liễu Hạnh. Mỗi đường nét trong ngồn ngộn thớ gỗ nghìn tuổi kia chứa đựng niềm say mê của một con người không chỉ nâng niu từng mảnh lịch sử cha ông mà còn là niềm yêu say đắm cái đẹp của tạo hóa, nhưng vẻ đẹp không phải ai cũng có thể tỏ tường. Dường như hiểu được những lăn tăn của đám mắt thịt chúng tôi, ông Phi bảo, tất cả những gỗ đá này đều mua lại của người dân khi chúng chỉ là thứ nguyên liệu thô, thậm chí đồ bỏ. Nhiều gốc cây hoành tráng vậy, trước khi về không gian văn hóa Việt này, đang chịu số phận… củi đun. Ông Phi đã cứu chúng, cải tử hoàn sinh cho chúng, thổi hồn vào, để chúng có thể sống mãi với thời gian. Không có bất kỳ cuộc tàn phá nào, cả đá, cả rừng, trước khi những nguyên liệu ngàn tuổi (gỗ), triệu năm (đá) này về đây chung sống với con người, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của cộng đồng. Nhà báo Xuân Ba cấu vào tay tôi, nói nhỏ “cái hay của “thằng” Phi là ở chỗ ấy”.

Khi xưa, một người nổi tiếng của xứ Thanh, chúa Trịnh Sâm, dành cho quê hương lời ngọc, ông chỉ ban 4 chữ “Thanh kỳ khả ái”, tức là đất Thanh Hóa kỳ diệu mà cũng kỳ lạ rất đáng quý đáng yêu. Mà quả thật, với thời gian không nhiều trong cuộc bươn bả thăm thú đất này, khi vòng xuống Quảng Xương, Hậu Lộc, Đông Sơn, lúc quành lên Bá Thước, Quan Hóa, Vĩnh Lộc, gặp những người Thanh giỏi giang như Trịnh Xuân Như, Trần Ngọc Tú (điện lực), Nguyễn Xuân Phi, Lê Văn Tùng…, càng hiểu mấy chữ ngắn gọn của ông chúa Trịnh hay chữ thật không ngoa chút nào.

Và tôi được hé thêm, 4 chữ " THANH KỲ KHẢ ÁI" sẽ được ông Phi kêu thợ chạm khắc trên một thân gỗ nghìn tuổi để lưu lại cho hậu thế.

Thanh Hóa tiết đông chí – 2018

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Mấy năm sau ,lại có bài ,sự dở chứng của kỳ nhân xứ Thanh - Con đường dẫn tới nhà đá.

    Trả lờiXóa
  2. anh Thông à: http://redvn.info/bi-thu-thanh-uy-thanh-hoa-nguyen-xuan-phi-ke-xung-dang-la-con-sau-duc-khoet-khung-khiep-nhat-dat-nuoc.html

    Trả lờiXóa