Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

‘Chữ’ chứ không phải là ‘từ’

Có một chi tiết trong đề thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia năm nay ít ai để ý, ở phần Làm văn, câu 1. Đề thi ghi rằng “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”. Chi tiết ít được để ý chính là từ “chữ”.

Cần phải nói ngay rằng đoạn yêu cầu trong đề thi kia hoàn toàn chính xác, nhất là người soạn đề, người duyệt đề đã dùng từ “chữ” (khoảng 200 chữ) chứ không phải từ “từ” như lâu nay.

Trong rất nhiều đề thi văn, kể cả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thi đại học, thi cuối năm, thi học kỳ, người ta đã luôn dùng từ “từ” khi yêu cầu người làm bài (ta quen gọi là thí sinh) viết một đoạn văn có độ dài khoảng bao nhiêu. Đối với văn, đương nhiên không thể đo dài ngắn bằng đơn vị đo lường thông thường mà chỉ bằng ký tự, tức bằng chữ. Nó mang tính tương đối, nhưng cần chính xác về tiếng Việt.

Trong tiếng Việt văn bản, đơn vị nhỏ nhất là âm, gồm các nguyên âm và phụ âm. Có những nguyên âm, tự thân nó được coi như một từ, khi viết ra thì thành một chữ, ví dụ: a, ơ, e, ô… (A, mẹ đã về. Ơ kìa, sao lại đi). Phổ biến nhất là sự kết hợp phụ âm với nguyên âm tạo thành vần, từ/chữ, chẳng hạn phụ âm x với nguyên âm a thì thành “xa”, phụ âm x với vần uân thì thành “xuân”… Hầu hết ngôn ngữ viết trên thế giới được hình thành theo phương thức ấy.

Từ là đơn vị nhỏ nhất có ý nghĩa, dùng để đặt câu. Tuy nhiên, từ trong tiếng Việt tạm chia làm hai loại: từ đơn và từ ghép. Từ đơn là những từ độc lập, một mình nó thể hiện một nội dung hoặc ý nghĩa, ví dụ “luôn” (chỉ sự liên tục, thường xuyên, lập tức), “ăn” (chỉ động tác nhai nuốt thực phẩm). Khi ghép từ với một từ nữa sẽ có từ ghép, tất nhiên hình thức viết sẽ dài hơn, và nội dung cũng thay đổi so với từ đơn. Chẳng hạn “luôn luôn” là từ ghép, còn gọi là từ láy, thể hiện nội dung, ý nghĩa thường xuyên hơn, liên tục hơn so với “luôn”. Ghép từ đơn “ăn” với “tiêu”, với “chơi” sẽ có từ ghép “ăn tiêu” (sự chi phí cho đời sống), “ăn chơi” (tiêu khiển, giải trí bằng các thú vui). Trong kho từ ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ ghép, nhất là những từ láy và Việt gốc Hán (quen gọi là từ Hán Việt), ví dụ: thông thường, liên miên, lằng nhằng, hợp tác xã, giải phóng, độc lập, hạnh phúc, chủ nghĩa xã hội. Dù dài, 2, 3 hoặc 4 ký tự nhưng cũng chỉ là một từ. Vì vậy, nếu đo độ dài đoạn văn, bài văn bằng từ sẽ không chính xác. Đối với bài văn thi lại càng không nên bởi nó không đánh giá đúng được sự đáp ứng của thí sinh đối với yêu cầu của đề.

“Chữ” thực ra là một dạng ký hiệu ngôn ngữ. Nó là đơn vị nhỏ nhất ghi lại “từ” trên văn bản. Nếu đếm cho chính xác thì chỉ có thể đếm chữ chứ không ai đếm từ. Với những ngôn ngữ đặc trưng như tiếng Trung Quốc (tiếng Hán xưa kia) thì cứ mỗi chữ là một đơn vị đếm, không thể nhầm lẫn. Văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn ghi lại công tích của Lê Lợi dựng ở Lam Kinh (Thanh Hóa) gồm cả thảy 700 chữ Hán. Thơ thất ngôn bát cú là thể thơ gồm 8 câu (cú), mỗi câu 7 chữ (ngôn). Thời nhà Trần, cậu bé Trần Quốc Toản không được vào dự hội nghị Bình Than bàn việc nước bèn về tự chiêu binh mãi mã, dựng cờ đánh giặc, trên lá cờ thêu 6 chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, đền ơn vua). Những năm chống Mỹ, phụ nữ miền Nam bất khuất kiên cường, sát cánh cùng chồng con đánh giặc, được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam (khi ấy do bà Nguyễn Thị Thập làm chủ tịch hội, bây giờ tên bà được đặt cho một con đường lớn ở quận 7, TP.HCM) tuyên dương 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Danh hiệu này, lâu nay nhiều người cứ nhầm do cụ Hồ ban tặng. Tám chữ vàng, chứ không phải 4 từ vàng. Khi bị bất ngờ, sửng sốt về điều gì đó, ta thường nói với nhau “trên đời này mấy ai học được chữ ngờ”. Nguyễn Du viết về Thúy Kiều, qua sự đánh giá đầy yêu thương của chàng Kim “chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”… Một vài dẫn chứng như thế để thấy rằng “chữ” là đơn vị rất cụ thể, chính xác, nếu tính toán, đo đếm thì phải đếm bằng chữ, chứ không phải từ.

Đề thi văn THPT quốc gia năm nay đã chấm dứt sai sót kéo dài nhiều năm về sự lẫn lộn giữa “chữ” và “từ”. Hy vọng những đề thi đại học hoặc ở các cấp học khác về môn văn cũng từ nay chấm dứt cái sai không đáng có đó.

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Thế là sau 44 năm phỏng dái, lại học theo giáo dục VNCH!

    Trả lờiXóa
  2. Thì ông đã học kỹ cái này nên ông vững kiến thức ấy, chả hiểu kết quả cho sự học thì cái chứng chỉ là xanh hay đỏ cho cái sự hiểu biết này, và hiu rồi thì có đi dậy dỗ thêm không, bỏ không thì phí quá. Nhưng chăm chỉ đưa ra cho cộng đồng mạng hiểu là quý lắm rồi vì thiên hạ thì đa phần hiểu về phép tắc ngôn từ ù ù cạc cạc lắm

    Trả lờiXóa
  3. Trước năm 75, ở miền Nam chỉ dùng "chữ". Sau này, mấy ngài từ miền Bắc vô, có thêm "từ". Lúc đầu nghe lạ lẫm, sau riết thành quen rồi sinh ra dùng lộn xộn...

    Trả lờiXóa