Nhắc tới bút máy lại nhớ chuyện khắc bút. Hình như có một thời, những năm 1960 – 1970, đó là thứ nghề kiếm sống gắn liền với cây bút, cũng như hồi thập niên 80 - 90 người ta sống bằng nghề bơm mực bút bi.
Khắc bút trước hết phải là người có hoa tay, khéo léo, chất nghệ sĩ. Nghề khắc bút như nghề kim hoàn vậy, rất tỉ mỉ, chính xác tới từng chi tiết. Cây bút thời ấy hiếm, là đồ quý giá, nhất là những bút đắt tiền như Parker, Kim tinh, Anh hùng, nên thợ khắc phải thật cẩn thận, lỡ làm sai làm hỏng thì đền nhọc. Khách hàng khắc bút để tặng nhau, để làm kỷ niệm, cũng có khi thấy người ta có bút khắc thì mình cũng khắc. Chủ cây bút yêu cầu khắc gì, thợ khắc cũng chiều. Khắc tên, khắc hình ảnh, khắc các biểu tượng…, thợ khắc làm tất, cứ theo thứ được thể hiện trên cây bút mà quy ra tiền. Những hình ảnh phổ biến nhất là chim hòa bình (hồi đó người ta gọi chim câu, chim bồ câu là chim hòa bình), hai con sóng đôi, biểu tượng cho hạnh phúc; rồi cây dừa rủ những tàu lá xuống như mái tóc; rồi cảnh hồ Gươm-tháp Rùa… Phần chữ thì thường là Kính tặng, thân tặng ai đó, cũng có khi là Anh yêu em (hoặc Em yêu anh) mãi mãi, cũng có khi chỉ nhắc lại một kỷ niệm, chẳng hạn Kỷ niệm ngày ra trường, v.v..
Trên vỏ nhựa cây bút bé tí, chứa bao nhiêu tâm tư tình cảm, người ta muốn trút hết lên đó. Từ một dụng cụ đơn thuần để viết, cây bút thành một thứ kỷ vật, một thứ “xú vơ nia” vừa mang dấu ấn cá nhân, vừa đặc trưng thời đại. Chả thế, những người lính miền Bắc khi ra trận, nhất là vào chiến trường miền Nam xa xôi, trong ba lô thường có cuốn sổ tay bìa nhựa và cây bút máy. Do điều kiện chiến trường, lính không thể đem theo lọ mực nước Trường Sơn như lúc đi học nên họ gói những gói mực khô, giống như hạt mì chính (bột ngọt), khi nào cần viết lại hòa vài hột, bơm đầy ruột bút. Chàng lính sinh viên Nguyễn Văn Thạc đã cần mẫn ghi nhật ký chiến tranh bằng cách ấy, để lại cho đời những trang viết nồng nàn “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Sau chiến tranh, những đội đi tìm mộ liệt sĩ, quy tập hài cốt thường bắt gặp trong số những di vật còn sót lại có những cây bút máy khắc tên, hình ảnh, đơn vị, quê hương, và đó trở thành đầu mối quan trọng để xác minh lai lịch người đã khuất.
Hầu như các thị trấn, huyện lỵ nào cũng có người làm nghề khắc bút. Ở thị xã, thành phố lại càng nhiều. Và nhiều nhất ven bờ hồ Gươm chốn kinh kỳ. Tôi còn nhớ, những năm đầu thập niên 1970, ngay khu cổng đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc có tới mấy thợ khắc bút. Trong số ấy, đáng chú ý nhất một ông gầy gò, tóc bạc trắng, khắc rất khéo rất đẹp. Đám sinh viên hầu như đứa nào cũng đem bút cho ông lão ấy khắc. Khắc xong, ông dùng chiếc khăn bông nhỏ lau thật kỹ, xoa phấn trắng lên, cây bút vụt biến thành một tác phẩm nghệ thuật, ai cũng xuýt xoa thích thú. Chỉ có điều hơi đắt, tiền công những gần 1 đồng.
Hồi khoảng đầu thập niên 70, ở miền Bắc đã xuất hiện loại bút mới hiện đại, không cần hút mực, không có ngòi như bút thông thường. Nó là bút bi. Đám thủy thủ đi Nhật, Hồng Kông, Singapore đem về, cả những lưu học sinh học ở Ba Lan, Tiệp Khắc cũng đánh buôn hàng loại này. Thày (bố) tôi gọi đó là bút nguyên tử. Công nhận bút bi thật tiện lợi, gọn gàng, dễ viết. Hồi nó mới xuất hiện, anh nào sở hữu cây bút bi là oai lắm, giống như người đi trước thời đại. Tôi còn nhớ, năm 1976, chú Thọ em rể tôi thủy thủ Vosco đi Nhật, biết thày tôi hay viết lách nên mua biếu cây bút bi đặc biệt. Nó to hơn cây bút máy con trâu, có tới 4 ngòi trong cùng một thân bút, chả khác gì ống phóng rốc két mà chiếc máy bay AD6 của Mỹ đã thả xuống đồng làng tôi. Bốn ngòi, 4 màu mực, đen, xanh, đỏ, tím, muốn viết màu nào thì bấm vào công tắc, kêu tách một cái, thò màu ấy ra. Cả nhà nâng niu ngắm nghía cây bút, như ngắm thứ kỳ quan. Thày tôi quý nó lắm, tới mức về sau viết cạn hết mực, bơm mực vài lần, cái đầu bi cũng mòn không viết được nữa vẫn cất trong tủ, lưu giữ thứ kỷ niệm khó quên của một thời.
Có bút bi, sinh ra nghề mới, bơm mực bút bi. Chả là ở xứ người ta, viết cạn mực, họ bỏ cả cây (vỏ lẫn ruột), mua cây bút khác. Còn xứ ta, nghèo, thiếu thốn, nên chẳng vứt đi cái gì. Nghề bơm mực bút bi, cũng như nghề khắc bút, không cần tiệm, cửa hàng chi cho phiền phức. Chỉ chiếc thùng đồ nghề nhỏ và chiếc ghế là đủ. Bất cứ chỗ nào trên phố cũng có thể hạ trại hành nghề. Công an tới đuổi, thì thu dọn bùng sang góc khác, lề đường khác. Mỗi lần bơm mực mới, chỉ tốn khoảng 2 hào, tuy nhiên mực dỏm không thể nào bằng mực din nên có khi đang viết nó đùn ra một đống, bẩn nhòe nhoẹt. Tôi có cái áo sơ mi trắng, cả đời mới dám may một chiếc, chỉ diện vào những dịp đặc biệt, chẳng hạn đi chơi với bạn gái, thế mà một hôm quên phắt, cài của nợ bút bi đã bơm mực vào, về tới ký túc xá thì túi áo đã xanh lè, giặt hết nửa cục xà phòng Liên Xô 72%, vò mấy cũng không sạch. Lại có một thời, dân buôn nhập về chỉ rặt ruột bút, không có thân bút. Đám học trò mua ruột, xong tìm đoạn tre làm cái ống đút ruột vào. Có đứa lười, lấy giấy quấn quanh ruột bút, to như chiếc đũa. Trông xấu xí, chỉ cốt viết ra chữ là được.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Trong hàng vạn món hàng ùn ùn chảy ra miền Bắc, có những cây bút bi. Sao mà miền Nam lắm bút bi đến thế, đủ các loại, phổ biến nhất là bút Bic. Cây bút bi và chiếc bật lửa ga khiến người dân miền Bắc hiểu rằng những món đồ sinh hoạt mà mình từng hết sức khát khao sở hữu ấy lại chỉ là thứ quá đỗi tầm thường với người bình dân trong Nam. Nói không ngoa, bút bi miền Nam đổ ra Bắc đã làm một cuộc cách mạng về bút viết, chứ không sẽ chả biết dịch vụ bơm mực bút bi kéo dài tới bao giờ.
Nói tới bút bi, lại nhớ chút kỷ niệm nho nhỏ. Năm 1992, tôi xin nghỉ dạy bởi đồng lương giáo viên đói quá, không đủ nuôi thân chứ nói chi nuôi cả gia đình, đi làm thuê cho một công ty may mặc của Hồng Kông. Ông chủ tên Choi, thạo tiếng Việt, hay kêu tôi lên văn phòng của ông trò chuyện. Một hôm ông bảo, tôi cáu lắm anh ạ. Hỏi sao cáu, ông kể, một hôm khách hàng, ông Vũ Xuân Hợp giám đốc Công ty X28 tới ký hợp đồng. Lọ bút để trên bàn, đọc xong, tôi lấy một cây đưa cho khách mời ký trước. Hết mực. Tôi hơi xấu hổ, ném nó vào sọt rác, lấy cây khác, tự ký trước, cũng hết mực. Chỉ muốn độn thổ. Tới cây thứ 3 cũng vậy. Tôi hét con bé văn phòng đem ngay cho lố bút mới. Sau hỏi kỹ, thì ra mụ tạp vụ thấy trong giỏ rác những cây bút bi mà tôi đã bỏ còn rất mới đẹp, tiếc của, nhặt bỏ lại vào lọ bút. Tôi giận, nhưng kìm được, chả mắng mỏ gì bởi biết nó có ý thức tiết kiệm, nó cũng giống như số đông người Việt các anh, cái gì cũng phải dùng đến nát đến hỏng thì thôi. Một đức tính tốt nhưng có khi gây ra hậu quả tệ hại, ông Choi kết luận vậy.
Có nhẽ nên nói thêm về thứ bút khác, bút chì. Bất kỳ đứa trẻ con nào đi học, nhất là mới bắt đầu lớp vỡ thình (vỡ lòng, trước khi vào lớp 1) đều dùng bút chì. Tập viết bằng bút chì rất tiện, viết sai còn tẩy được, vả lại trẻ con lóng ngóng, dùng bút mực sẽ cào rách giấy, gây đổ mực. Cây bút chì đồng hành với những đứa trẻ trong chặng đường đầu tiên của đời học vấn. Đứa nào nhà khá giả sắm được cục “máy gọt bút chì” thì sang lắm, những đứa khác nhờ vã bọt mép có khi cũng không cho, sợ cùn dao. Học lên cấp 1, lại phải nói bố mẹ mua cho bút chì màu để tập vẽ. Thời tôi đi học cấp 1, rồi suốt mấy chục năm sau, chỉ có nhõn loại bút chì màu xanh-đỏ. Có cả câu đố trong sách tập đọc, “cái gì mà có hai đầu/đầu xanh đầu đỏ hai màu khác nhau”. Và cũng phải đợi đến sau 1975, bọn trẻ con mới được tha hồ vẽ vời bằng đủ thứ màu, quên đi câu chuyện buồn có đứa bé kia nộp cho cô giáo bức tranh vẽ cây rặt màu lá đỏ chỉ bởi đơn giản bút chì hai đầu của nó đã mòn hết màu xanh, mà bạn thì không cho mượn.
Ông em rể tôi rất có kinh nghiệm về bút chì. Một hôm y dặn, anh nhớ điều này nhé, nếu người ta viết cái gì đó lên giấy mà muốn lưu giữ được lâu, không bị phai nhạt mờ, thì chỉ nên viết bằng bút chì. Dù có trăm năm, giở ra vẫn y nguyên như mới viết. Tôi tiếp thu kinh nghiệm, nhưng cười bảo bây giờ cả người nhớn lẫn trẻ con đều gõ vi tính, lưu hết vào đĩa, vào u ét bê (USB), vào ổ cứng, chả mấy ai dùng bút nữa. Ngay bọn học trò cấp 2 bây giờ chúng chả thèm dùng bút máy bút bi, vào lớp lôi cái máy tính ra vừa nghe thầy giảng bài vừa gõ nhoay nhoáy. Có lẽ bút mực và giấy sắp làm xong nhiệm vụ lịch sử của chúng, ông nhỉ.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét