Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Quảng Bình và Bọ Vương

Hình như con người ta càng về già càng lẩn thẩn. Mà cũng có khi không hẳn vậy, biết đâu chỉ riêng mình thế thôi.

Chả biết các bác ra sao, chứ nhà cháu dạo này hay ngồi thừ ra, rất giống nhân vật trong “Nhật ký người điên”, lẩm nhẩm đếm, tính, rà soát lại những thứ những điều đã đi qua cuộc đời mình. Hôm vừa rồi chẳng hạn, bới móc thế nào tòi ra cái ảnh lớp K17 mình chụp từ hồi cách nay đã gần 44 năm, buổi chia tay chuẩn bị tan đàn xẻ nghé. Rồi ngẩn mặt tự bảo, trong lớp ta, đông nhất là dân xứ Thanh. Chỉ riêng các ông các bà Thanh Hóa đã hơn một tiểu đội. Thằng Bá Tân xứ Nghệ từng có lúc ghen tị rằng bên Tàu có đại học Thanh Hoa, bên ta có đại học Thanh Hóa. Mình an ủi nó, đám đồ Nghệ chúng mày cũng chả vừa. Nó cười khì. May ở chỗ, xứ Thanh có 23 huyện, nếu mỗi huyện chiếm một chỗ của lớp Văn K17 thì có khi đếch tới suất mình.

Vị trí thứ 2 sau tỉnh Thanh quê thằng Xuân Ba, cái Bé thuộc về Quảng Bình. Ai đời, đánh nhau chí chóe, bom đạn rầm trời dậy đất như thế mà vẫn học ra trò, rồi lũ lượt kéo nhau, đứa thì diện xe hỏa, đứa đi ô tô, đứa đạp xe đạp, thậm chí nghe nói có đứa lội bộ 600 cây số từ Quảng bọ ra Hà Nội, rồi lội tiếp qua Đông Anh, Yên Viên, Từ Sơn mò về đất Yên Phong huyện, Yên Trung xã, Sát Thượng thôn để nhập học. Mùa đông năm 1972 rét tê người, chỉ riêng việc chúng nó từ Quảng Bình bất chấp thời tiết và bom đạn đánh ra Bắc chiếm được một suất E72 (hộp thư khoa văn ký hiệu E) cũng đủ cho thấy chúng hơn người.

Cứ cái vệt nhớ của mình thì các con bọ gồm: trưởng lão Hoàng Sĩ Chiến, rồi Lương Ngọc Bính, Trần Ngọc Vương, Phạm Xuân Hoàng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Mét, Nguyễn Thị Nam, và có thể kể thêm mấy anh hùng Vĩnh Linh (coi như thuộc đất Quảng Bình bấy giờ) là trưởng lão Lê Tài Thuận, Nguyễn Đăng Thành, Hoàng Thanh Chương. Đông khiếp. Thời ấy, hầu như đứa nào cũng biết bài hát của Xuân Giao, “Khi bình minh đang lên hồng chân mây/Xóm chài ta vui lên đường ra khơi/Ta chào quê hương ngói đỏ ven bờ/Quê nhà thân yêu thôn xóm mong chờ… Ớ ơ Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình”. Bài Quảng bọ quê ta ơi của cụ Hoàng Vân lại càng nhiều đứa thuộc. Ông anh giai mình có cuốn sổ tay chép bài hát, chỉ riêng về bài Quảng Bình – Vĩnh Linh đã hơn chục, bài nào cũng hay. Quê thế mới là quê, đâu như quê mình, mãi mới tòi ra được bài hoa phượng đỏ.


Với nhóm xứ Quảng (bọ) này, quả thật “đất nghèo sinh những anh hùng/từ trong máu lửa lại vùng đứng lên”. Cũng có người thuộc diện làng nhàng như mình, chẳng hạn cái Lan, còn phần lớn oai vệ. Bây giờ không biết thằng Trần Văn Dũng nó đi đâu, nỏ ai biết nó chỗ mô mà tìm, số còn lại đều đáng để đám đông dạng mình ngả mũ kính phục. Trưởng lão Hoàng Sĩ Chiến sau khi cua được mỹ nhân Bùi Thị Lập liền kéo nhau dốc tuốt một mạch vào tận Đà Nẵng. Nói tới đại gia của K17, tớ luôn xếp 3 vị Hoàng Sĩ Chiến, Lê Ngọc Tân, Phạm Kim Dung vào chiếu trên. Họ thuộc hạng Phạm Nhật Vượng của K17. Chỉ mong trong lúc K17 còn hăng hái, hôm nào tổ chức gặp nhau tụ bạ ở Đà Nẵng một phen, trước là để đổi mới không gian, sau là làm cuộc đánh phá nhà Chiến Lập cho bõ.

Hoạn lộ khóa mình, thậm chí của nhiều khóa khoa văn, mấy ai được như cu Bính. Suốt một thời gian dài, cứ nghĩ liên hệ tới Quảng Bình là người ta nhắc tới tên Lương Ngọc Bính. Làm quan đầu tỉnh như nó, nói của đáng tội, quá hiền. Cứ như tớ, Thông cào, mà ngồi vào cái ghế của thằng Bính, trước sau cũng đi tù. Nhưng nó thì không, hạ cánh an toàn, thân bảo trọng, danh vẹn tròn. Mấy lần họp lớp, bọ Bính đều tham dự, vẫn hồn nhiên, vui vẻ, thân mật với bạn bè như hồi cùng nhau bôi thuốc hắc lào ở phòng số 2 tầng 3 nhà C2. Tớ chịu nó cái khoản đó. Phải tớ, cái mặt vênh lên bằng giời.

Trong số quá ít quan nghè, tiến sĩ ở lớp ta, phải kể đến Phạm Xuân Hoàng. Y là tay củ mỉ cù mì, ít nói, chững chạc, không như đám mình (lại tự chỉ trích) hay Bá Tân, Xuân Ba, Sĩ Đại, lếu láo quen thói. Ra trường, vào Đại học Huế dạy văn học Nga-Xô viết. Cứ lặng lẽ âm thầm, bục một nhát, bảo vệ luận án tiến sĩ. Hôm nó vinh quy đỗ nghè, các bạn trong lớp sấn tới chung vui, nó cười ngỏn ngoẻn thật hiền. Mấy lần nó vào dạy trong Sài Gòn, mình đến chơi thăm, thậm chí có lần nhờ nó vô tình lộ đề thi cho cô bạn của bà xã mình học cái chuyên đề do nó dạy để lấy bằng đại học (những lớp như thế gọi là đại học hóa, cho những người mới có bằng cao đẳng). Nó bảo, đề điếc đéo gì, cứ để tên tuổi lại đây, chấm cho điểm 10 là xong.

Nguyễn Đình Hạnh cũng có nét tính như nghè Hoàng, ít nói, nhưng nói là làm. Y và thị Trần Hải Bình gái Hải Dương là cặp trong số ít cặp K17 đã đi một mạch từ tình yêu thuở Mễ Trì tới tận đầu bạc răng long (các cặp kia là Chiến Lập, Hiền Vinh...), rất đáng được tôn vinh gia đình văn hóa mới bền vững. Cả hai vợ chồng định cư ở vùng đất thổ cư đẹp nhất nước, thành phố Nha Trang, đẻ ra hai thằng cu thuộc diện giỏi nhất nước, đều đậu tiến sĩ. Một thằng đã vào quốc tịch Pháp, lương một tháng tròm trèm bằng mình làm khoảng 10 năm chứ bao nhiêu, hì hì. Nhiều khi, mình chả có chuyện gì nói với bạn bè khi gặp nhau, lại lôi hai thằng quý tử nhà Hạnh Bình ra làm quà, kể say mê, lâng lâng tự hào, cứ như chính mình đẻ ra chúng nó vậy.

Các bạn nữ Nam, Mét, Lan thì mình không liên hệ nhiều sau khi ra trường. Con gái Quảng Bình nói chung từ hiền tới hiền, hiền từ cái tên giở đi. Nói với nhau nghe như chim hót, nhất là bà Mét. Nhiều hôm mình vô tình nghe bà Mét bà Nam trò chuyện ở hành lang nhà C2, tự hỏi hay các bà ấy là chim, lại gần các bà ấy mổ cho bỏ mẹ.

Kẻ cuối cùng mình biên ra là bọ Vương, Trần Ngọc Vương, một danh sĩ của K17. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Anh Thông chưa cập nhật tin về bài hát mới của HP à...
    Của cái anh Bình ... Bình gì đó .... suốt ngày gào lên " Một chút ngang tàng ... "
    Cứ twowngt hế là hay lắm , nhưng nghĩ kỹ cũng đúng .

    Trả lờiXóa