Bây giờ, thời buổi này, nếu nhắc tới cụm từ “cải cách ruộng đất”, lứa U50, thậm chí U60 trở lại đây hầu như không biết, giả dụ đã từng nghe đâu đó thì cũng rất loáng thoáng láng máng lờ mờ. Nhưng với U70 trở về trước thì đó là thứ quá khứ kinh hoàng, bi kịch, đen tối, thê thảm, đầy máu và nước mắt. Sao lại có sự khác nhau thế nhỉ? Đơn giản là, quá khứ ấy, lịch sử ấy bị ém nhẹm, bưng bít, giấu kín, cố tình lờ đi, bởi nó chính là sản phẩm của chế độ xã hội chủ nghĩa, của những người cộng sản.
Mà chẳng phải chỉ “cải cách ruộng đất”, nhiều sự kiện khác, như “cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm” (1956-1958), “vụ án xét lại chống đảng” (1967-1968), “công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam” (1976-1980), “thời bao cấp” (suốt mấy thập niên từ 60 tới 80)… là những đặc sản mà nhà cai trị ngại nhắc tới. Cứ phải quán triệt quan điểm “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Vậy nên có tình trạng lịch sử, văn chương, báo chí, nhà trường… đều ngó lơ, hời hợt, xuyên tạc, bo tròn, nói chung là không được phép khai thác tỉ mỉ, đào sâu, chỉ vì mấy thứ đó là vùng cấm.
Điều may mắn là lịch sử vẫn còn những kênh thể hiện khác, vượt ngoài sự cấm đoán của cường quyền. Sự kiện cải cách ruộng đất cũng vậy. Những người đã từng tham gia trực tiếp vào “máu và nước mắt”, những người chứng kiến tấn bi kịch, những người được nghe cha mẹ, anh chị kể lại năm tháng hãi hùng… đã dũng cảm vượt khỏi bức màn sắt, làm nhiệm vụ của nhân chứng, của kẻ chịu nạn, của người có lương tri, của cây bút chép sử tử tế. Bản thân tôi từng đọc thứ tài liệu ghê người ấy của sử gia Hoàng Văn Chí, của thi sĩ Trần Dần, thi sĩ Hữu Loan, được nghe người trong cuộc kể về nạn nhân số 1 của cải cách ruộng đất - bà “địa chủ” Nguyễn Thị Năm, nghe các anh chị tôi khi còn bé từng kéo nhau lên tận đầu núi làng Trà Phương quê tôi, nơi đặt pháp trường để coi xử bắn “địa chủ” Tuần Bẳn, rồi về tới nhà vẫn phát khiếp suốt đêm không ngủ được, nghe anh rể tôi là người trong cuộc mỗi lần nhắc tới cải cách ruộng đất là mạch máu trong mắt lại vằn lên dữ dội bởi chính ông cụ thân sinh, bố anh ấy từng nuôi cách mạng, đóng góp nhiều cho kháng chiến, vốn chỉ có vài mẫu ruộng thành phần trung nông nhưng được cách mạng ưu ái đôn lên cho đủ số lượng 5% địa chủ, ép thêm tội hoạt động Quốc dân đảng, bị đấu tố và xử bắn chỉ trong nháy mắt, trước sự chứng kiến của vợ và đàn con “địa chủ”. Tôi cũng từng đọc “Ba người khác” của cụ nhà văn Tô Hoài, “Chuyện làng cuội” của nhà văn Lê Lựu, “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Đèn cù” của Trần Đĩnh…, mỗi cuốn sách, thứ ít thứ nhiều đều làm nhiệm vụ vạch trần tội ác, phanh phui sự thực đen tối bị che giấu. Nhà cai trị đừng nghĩ rằng chỉ cần một lần kéo nhau ra sân vận động Hàng Đẫy, cử vài người đứng ra sụt sịt rút khăn mùi xoa lau nước mắt, nhận lỗi, nhận sai lầm về cải cách ruộng đất là xong. Hàng vạn oan hồn, hàng triệu số phận bi kịch, nhiều thế hệ dai dẳng khổ sở bởi cải cách ruộng đất vẫn đang chờ một sự bạch hóa “cuộc cách mạng long trời lở đất” do chính người cộng sản gây ra trên đất nước mình, càn quét trên số phận dân tộc mình, đồng bào mình.
Và tôi đã cầm trên tay thứ sử biên niên bằng văn, một dạng văn sử bất phân, một thứ tự truyện, một thứ văn viết bằng máu và nước mắt, đọc mấy đêm liền. Đọc xong dòng cuối cùng, cả thảy 362 trang, rồi lẩn mẩn vòng về trang đầu đọc lại. Không thể nào tiêu hóa nổi ngay, chẳng phải bởi sách không hay, thậm chí rất hay là đằng khác, mà bởi thứ nội dung nó chuyển tải khiếp quá, hãi quá, kinh quá, thật quá. Nhiều lần vừa dò mắt trên từng chữ vừa cảm thấy lành lạnh sống lưng, gai gai người, vô thức đảo mắt ngó trước ngó sau sợ hãi. Dường như không phải mình đang đọc sách, cảo thơm, tân thư, sách quý, mà đang chen trong đám người giữa sân đình chứng kiến đấu tố địa chủ, thấy người chức việc nhà nước hùng hổ lôi xềnh xệch mấy tên địa chủ trói giật cánh khuỷu vào cột và nghe súng nổ. Dường như mình đang sống giữa thế giới ma quái, oan hồn. Khi gõ những chữ này, tôi chợt rút ra kết luận rằng những ai thần kinh yếu, tâm hồn yếu đuối, hoảng hốt, mau nước mắt, bệnh tim, có lẽ không nên vội đọc nó. Cuốn “Kiến, chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập. Số còn lại thì không nên chần chừ gì nữa.
Ai thế nào thì tôi không biết. Đã lâu tôi mới đọc cuốn sách giấy chữ mà khó dừng đến thế. Kể từ dạo tỉ mỉ nằm đêm này qua đêm khác mò mẫm cuốn “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, và có thể kể thêm cuốn “Đừng kể tên tôi” với cái tên tác giả lạ hoắc Phan Thúy Hà (chút nữa tôi nói thêm về cuốn này).
Nguyễn Quang Lập không phải cái tên xa lạ. Có một thời, khi internet chưa hẳn đại trà như bây giờ nhưng là thứ món mới hấp dẫn trên bàn tiệc xã hội, đi đâu cũng nghe người ta tấm tắc, trầm trồ, khen ngợi, dè bỉu, chê bai, sung sướng, bực tức, hả hê, có nghĩa là đủ mọi tâm trạng của đủ thứ người, với 3 món đầu trong thực đơn: Blog Yahoo 360 độ của Osin Huy Đức, trang Ba Sàm (Anhbasam) của Nguyễn Hữu Vinh, và blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập. Có khi oang oang, có lúc thì thào, hỏi nhau, này đã đọc Quê Choa chửa, Ba sàm hôm nay có gì mới không, này Osin bị bắt chưa, v.v.. Dường như đang cuồn cuộn một thứ xã hội khác đầy bí mật và thú vị trong lòng một xã hội đang tồn tại công khai nhưng vô cùng chán nản, nhạt nhẽo, một chiều. Ba chiến sĩ tiên phong ấy, mỗi người một vẻ, mỗi hiệp sĩ cầm một lá cờ phất phất xoi thủng chính sách ngu dân. Và hai trong số ấy đã nếm mùi “chuyên chính vô sản”, đã biết nhà lao chủ nghĩa xã hội ưu việt thế nào. Tôi từng được trực tiếp nghe bọ Lập kể chuyện những tháng hưởng mùi biệt thự số 6 Phan Đăng Lưu, ngay cái thời điểm bọ vừa “mới ra tù, tập leo núi” và đang viết chính cuốn sách này, cuốn “Kiến, chuột và ruồi” (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Tái phím: Bài dài, ngắt ra cho dễ đọc, đỡ tra tấn nhau, hì hì.
Mình cũng muốn sở hữu tác phẩm ấy của bọ Lập, nhưng không biết làm cách nào để có?
Trả lờiXóa"xoi thủng chính sách ngu dân.": Lỗi chính tả bác Thông nhé. He he...
Trả lờiXóaTớ là người cực kỳ kỹ lưỡng về chính tả. Cụm từ kia không hề có lỗi chính tả nào. Xoi có nghĩa là động tác cầm cái que, vật nhọn chọc vào cái gì đó làm cho nó thủng ra. Ví dụ: Xoi hầm, xoi cống, xoi bờ ruộng... Khác với soi, nghĩa là chiếu sáng, nhìn vào gương, cố ý tìm tòi điều gì ở ai đó. Ví dụ: soi đèn pin, soi gương, soi mói.
Xóa