Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

Đêm trắng Bách Thảo - Thiên Sơn Suối Ngà (kỳ 3)

Sẽ có ai đó bảo, gớm, chỉ gặp nhau thôi, mà nhều nhào gì đâu, vỏn vẹn mấy chục tiếng đồng hồ, cứ làm như họp quốc hội không bằng, mà viết lắm thế, lại còn tãi ra, lại còn sụt sùi, lại còn kể lể con cà con kê... Nhưng khổ nỗi, mình lâu nay “quen mất nết đi rồi”, vả lại có mấy khi được nói đâu, chứ cứ như bọn Xuân Ba, Bá Tân, thị Thúy, chúng mồm năm miệng mười, chúng cóc cần viết lách, chữ nghĩa, đã đi một nhẽ. Thôi thì ai thích thì đọc, cũng để mua vui được một vài trống canh.

Nếu được nói riêng về những bạn lớp Văn K17, mình sẽ rụt rè bảo thế này, các anh chị ạ, các bạn ạ, chúng ta đã có những tháng ngày thật vui thật đẹp. Cứ tưởng tượng, do… biến đổi khí hậu chẳng hạn, tự dưng K17 tan đàn xẻ nghé, chẳng thế liên lạc gì với nhau, chả nhớ được bất cứ chút xíu ký ức bao nhiêu năm xưa cũ, chắc là buồn lắm. Những người khác, mình không biết thế nào, chứ với bản thân, khi hiểu rằng đang mấp mé già, thì xa lớp, xa bạn bè, xa K17 là điều khó vô cùng, nhiệm vụ bất khả thi. Chả hạn mình không thể thì thào vào tai Xuân Ba hoặc Chiến trắng, rằng không chơi với chúng mày, tao đâu có thiệt gì, tao thiếu quái gì chỗ chơi, v.v.. Mình lâu nay được phong danh hiệu “ba phải”, giống như một dạng chủ tịch ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc K17, mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật, cứ thích chơi với tất cả, chả muốn làm mất lòng ai bao giờ. Vậy nên mỗi cuộc gặp, mỗi đêm trắng chỉ bổ sung niềm vui, chỉ thấy vui thôi, kể mãi cũng không hết.

Nói thật lòng, K17, và nhất là đám lớp văn, vốn nghèo. Dạng khơ khớ chỉ đếm được trên đầu ngón tay út. Nhưng tiền bạc không cản trở được những cuộc í ới hẹn hò. Hưu hiếc cả rồi, ra đi là sự đã liều, đi đâu cũng cân nhắc, kể cả về quê, nhưng khi nghe bác cả Năng, bác cả Thuận, bác cả Nguyệt phát tín hiệu là lên đường. Đêm trắng thứ nhất ở vườn Bách Thảo, mình hát cho thằng Đồng nghe “tình sâu với nghĩa nặng, biến ta lại nhớ rừng, nên chi giữa đồng bằng, mà gió ngàn bay về, tìm âm vang sóng vỗ”, đúng cái tâm trạng của đứa ở xa được về tụ với bè bạn. Có cuộc đoàn viên như thế này, xin cảm ơn tất cả anh chị, các bạn.


Cuộc vui năm nay, bác cả Nguyệt “bị ông giời thăm hỏi đột xuất”, ấy là mình muốn nhắc tới căn bệnh huyết áp cao tai quái hành bác ấy, dù không tham gia được vẫn “mạnh thường quân” bao nguyên tiền xe cộ cho đàn em tung tấy. Mà nào rong ruổi có ít, cái xe to chứa mấy chục người, lại thêm chú tài xế nữa, cứ đi khắp đèo cao khắp núi cao, vọt thẳng Ba Vì, lại quành lên Thái Nguyên, thậm chí vòng ra tận sân bay Nội Bài trả mình tận nơi mới khiếp. Anh Nguyệt ơi, bao giờ em trúng vé số Việt Lốt, em sẽ ghi sổ trả nợ tiền vé cho anh, cả vốn lẫn lãi, hì hì. Bạn Minh Huệ, bạn Kim Dung cũng đáng được phong là nhà tài trợ. Hôm 17.10, trước khi chia tay, mình mắt trước mắt sau, lấm la lấm lét, thì thào hỏi mụ Dung, mụ Huệ, các mụ ơi, tôi sẽ biên đôi nhời về cuộc chơi này, các mụ có thể lộ cho tôi biết tí ti về hành vi từ thiện của các mụ được không. Cả hai mụ trừng mắt, bí mật, biết làm gì, chúng tao được gặp bạn bè là lời lãi, vui lắm rồi, kể với chả lể.

Mình nghèo bền vững nên hay nhắc đến chuyện tiền. Nhưng có những thứ không thể tính bằng tiền. Nga (béo) thân yêu của mình đãi cả đám hơn 4 chục người một bữa hả hê bánh đúc tương Bần nguyên gốc. Thú thực, cuộc ẩm thực Bách Thảo hôm ấy, mình chỉ xơi bánh đúc, lúc đám phục vụ nhà hàng bê sơn hào hải vị ra thì… no mẹ nó rồi. Chưa bao giờ bánh đúc chấm tương ngon đến thế. Hé ra một tí, với sự đi lại khó khăn của Nga nhà mình, chỉ riêng việc khoác được tay nải bánh đúc nặng như vậy tới tận nơi đã là cả sự kỳ công. Thương bạn í lắm. Bạn Sánh cũng phát huy truyền thống dân vùng lúa Tây Mỗ Từ Liêm đem đến cho bạn bè 3 ký cốm Vòng xanh ngắt, thơm sực nức. Nguyễn Văn Bảo chơi nguyên can rượu ngô cả chục lít từ Tuyên Quang xuôi về. Mụ Dung cận cũng rượu, cứ làm như K17 là thứ hũ chìm. Mà công nhận cả rượu Bảo rượu Dung quá ngon hay sao ấy nên tới bữa cuối cùng sau khi ở nhà anh Giang về, thấy anh Trần Hồng cầm cái can rót ngược chỉ nhểu ra vài giọt. Bác Huy Cờ, bác Khánh đóng nguyên thùng sách, ký tặng mỏi tay. Khi mình gõ những chữ hồi ức này, cuốn sách xinh xinh của bác hùm thiêng Yên Thế đang lật lật trước mặt. Chuyện bác Cờ khai báo lý lịch với thằng Ba ở nhà sàn đêm 16 còn dài, hay lém, để kể sau.

À, mà tí nữa quên bạn Kim Phương nhé. Phương, hát hay đã đi một nhẽ, tới hôm tạm cư hộ khẩu KT3 Thiên Sơn Suối Ngà đã làm chị em sửng sốt lác mắt, tặng mỗi mụ một chiếc khăn dài thượt (chả biết là voan hay lụa, bởi mình nhát không dám sờ vào khi các mụ ấy đang quàng lẳn trên thân hình vại, hì hì), đủ cả sắc màu rực rỡ, đỏ da cam xanh lục lam chàm tím. Gớm, bà nào bà nấy khoác vào tung tấy, bà thì như bướm, bà thì như tiên. Mụ Độ choàng khăn, trông như đứa U40, cải lão hoàn sồn sồn, rất khiếp

Nhân thể nói về lòng biết ơn, mình muốn dành những lời thật kính trọng tới bác cả Năng, con chim đầu đàn, ấy chết, không phải chim, mà là thủ lĩnh, người cầm cờ. Thằng Ba lần ni không gọi bác cả là Bi Năng Tắc nữa, mà nó cứ tủm tỉm “cụ Năng”, lại còn bô bô, không có “cụ Năng” thì chúng mày có vui lên đỉnh được khối. Cảm ơn tấm lòng vì mọi người, hỉ xả, coi sự vất vả nhẹ bỗng của các mụ Huệ, Đạm, Hà, Hương con, Dung. Chúng nhận hết phần nặng nhọc, để Thông cào và mọi người lúc nào cũng được cười phớ lớ. Và thật có lỗi nếu quên nhắc đến hai đứa yêu quái đáng yêu này: thằng Ba và cái Thúy. Không có chúng nó, cuộc vui sẽ kém đi một nửa. Hay là lớp mình lập một cái quỹ bảo dưỡng, chỉ dành nuôi hai đứa này, mỗi năm dùng một vài lần, cũng lời chán. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét