Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Điều chưa biết về chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (kỳ 2)

Đúng ra phải kể ngay về thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm, nhưng thôi, gác lại để sau, sợ mọi người sốt ruột.

Tôi dỡ cái áo mưa ra, không đi công chuyện nữa, ngồi nghe thầy Năm rủ rỉ qua điện thoại. Và đây là lời thầy:

Mày nhớ không, hồi sau giải phóng, trường ta được thành lập để thu nạp các đối tượng chính sách, bồi dưỡng cho họ một năm trước khi họ vào đại học. Đối tượng thì mày rõ rồi, gồm bộ đội, cán bộ, con em cán bộ, con em gia đình cách mạng, thanh niên xung phong. Ban đầu chỉ tập trung vào những người ấy, sau nữa mới mở ra người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa…

Năm 1977, tao bất ngờ nghe báo có khách, nói với ông Can bảo vệ cho mời vào. Nghe khách giới thiệu, tao biết mình đang nói chuyện với ông Nguyễn Hữu Hạnh, chuẩn tướng quân đội Sài Gòn, người có công rất lớn với cách mạng, nhất là ở chặng cuối cùng. Ông bảo, tôi nghe người quen thân giới thiệu anh có thể giúp được nên mạo muội tìm đến anh. Nhìn ông, thấy ngay cả sự bức xúc, dồn nén, buồn bã, thất vọng bộc lộ ra ngoài, mặc dù khuôn mặt rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ. Tao bảo, anh cứ nói, liệu tôi có giúp được gì chăng.


Ông Hạnh kể, anh Năm ạ, anh cũng biết tôi là người thế nào rồi, tôi không tiện kể ra đây bởi ngại mang tiếng công thần, đóng góp cho dân cho nước mà còn đòi hỏi này nọ. Việc tôi làm, có nhiều người biết, và còn sống cả. Tôi thì bây giờ coi như đã xong, đã hoàn thành nhiệm vụ, chẳng cần gì cho riêng mình, nhưng con cái thì cần được đối xử tử tế, nhất là cha nó có những đóng góp nhất định cho cách mạng. Thưa thật với anh, con tôi vừa rồi thi đại học, đủ điểm nhưng họ dứt khoát không cho học, lý do con ngụy quân ngụy quyền. Tôi không thể ngờ họ lại đối xử với tôi, Nguyễn Hữu Hạnh, như vậy. Tôi cất công đi hỏi những nơi cần hỏi, họ đều hoặc làm lơ, hoặc lắc đầu, cứ vin vào lý do ngụy quân ngụy quyền, mà lại còn tướng ngụy nữa. Không bắt đi cải tao là khoan hồng lắm rồi, đòi gì nữa. Ở thành phố này, tôi đã tới hết các cửa, lại nhờ hỏi ra tận trung ương, họ đều lắc đầu. Bao nhiêu người của mặt trận, của cách mạng trước kia từng liên lạc với tôi, móc nối, chỉ đạo tôi, giờ tìm đến, ai cũng lạnh nhạt, không một ai lên tiếng giúp. Mới có gần 2 năm mà đã quay ngoắt lại, trở mặt như thế, xem như Nguyễn Hữu Hạnh là kẻ thù, là kẻ đứng ngoài, không chút đóng góp gì cho đất nước này, tội đồ. Tôi thì thế nào cũng được, trải đời tới giờ, tôi biết thế nào là thói đời, nhưng con tôi mà họ đối xử như thế thì quá bất công, vô ơn. Cháu sẽ nghĩ gì về ba nó, về cách mạng…

Ông Hạnh kể dài lắm, buồn và uất ức, muốn trải hết cõi lòng. Tao bảo với ông Hạnh, để tôi hỏi người ta, sẽ giúp anh giúp cháu. Anh cứ yên tâm, không thể đối xử với anh một cách vô ơn như thế được. Thông à, mày thừa biết cái thói săn được chim bẻ ná, bắt được thỏ giết chó săn, nhưng họ xử sự với ông Hạnh như vậy thì quá tệ. Tạo gặp ông Mười Trí, bảo anh ơi, thế anh Hạnh có công với cách mạng không mà lại hắt hủi anh ấy thế. Ông Trí chậc chậc, ai có hay không tui không biết, chứ ông Hạnh là công lớn, lớn lắm, làm chi có chuyện phụ bạc ấy. Tao kể lại tình đầu, ông Mười chậc chậc, khốn nạn, khốn nạn quá thể. Ông Mười nói, anh Năm, anh ráng giúp ông ấy, không phải vì anh vì tôi, mà vì cái danh dự của cách mạng, của chế độ này. Đừng đề người ngoài nhìn vào rồi chỉ thấy cách mạng là đám ăn cháo đá bát, vắt chanh bỏ vỏ, vô ơn bội nghĩa.

Tất nhiên, không cần ông Trí nhắc thì tao cũng làm. Cuối cùng tao cũng đòi hỏi được quyền lợi chính đáng cho con ông chuẩn tướng Hạnh, nhưng tao biết trong lòng, trong tâm tư, suy nghĩ của ông ấy về cách mạng, về chế độ này đã có cái lỗ sâu hoắm không thể nào lấp được.

Mà cũng buồn cười, điều này nữa, mày ạ. Về sau, người ta đối xử với ông Hạnh tốt hơn, khen ngợi ông ấy, nhất là mỗi khi tới dịp kỷ niệm 30.4. Nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, ông bà này nọ đứng ra nhận công lao đã “thu phục” được ông Hạnh, đã quan tâm giúp đỡ ổng về sau như thế nào. Thỉnh thoảng có gặp tao, hoặc liên lạc với nhau, ông Hạnh không nói gì, chỉ ngắn gọn “tôi biết họ là những người như thế nào rồi”. Giờ ổng mất, lại thấy người ta tranh nhau đứng ra tự kể công ơn, tự khen mình, tao thấy mắc cười quá.

Tôi nói với thầy Năm, anh ơi, thòi đời mà, “thớt có tanh tao ruồi đổ đến/gang không mật mỡ kiến bò chi/được thời thân thích chen chân đến/thất thế hương lư ngoảnh mặt đi”, ông Hạnh cũng chả tránh được, nhất là vào cái thời đảo lộn giá trị, đầy nhiễu nhương này. Đến công lao hãn mã như ông Phạm Xuân Ẩn, ông Nguyễn Tài… còn bị nghi ngờ, bị quản thúc, giam lỏng, bắt giam thì ông chuẩn tướng “ngụy” như thế vẫn còn may lắm. Hai thầy trò tôi còn trao đổi dài nữa, máy điện thoại nóng rừng rực, tôi sẽ biên kể ở phần tiếp theo.

Muốn biết những gì tôi chép ra đây thật hay bịa, đừng vội tin tôi, cứ dò tìm hỏi trực tiếp thầy Nguyễn Văn Năm, cựu hiệu trưởng Trường dự bị đại học TP.HCM. Thầy đang sống ở Sài Gòn, khỏe mạnh và rất minh mẫn. Sẽ kể thêm về thầy Năm cũng ở phần sau. Ngày kia, nhà giáo Việt Nam, chắc chúng tôi lại được hầu chuyện thầy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Cách mạng là đám ăn cháo đá bát, vắt chanh bỏ vỏ, vô ơn bội nghĩa.

    Trả lờiXóa
  2. "xem như Nguyễn Hữu Hạnh là kẻ thù, là kẻ đứng ngoài, không chút đóng góp gì cho đất nước này, tội đồ"

    Tui tưởng chả bao giờ nói lên được câu "Ơn Đảng, ơn Chính phủ!", nhưng Đảng đối xử với ông Nguyễn Hữu Hạnh thía lày thì quả là "Ơn Đảng, ơn Chính phủ!" rất xứng đáng!

    "nhưng con tôi mà họ đối xử như thế thì quá bất công, vô ơn. Cháu sẽ nghĩ gì về ba nó, về cách mạng…"

    Bệnh công thần quá đỗi lun!

    "mà vì cái danh dự của cách mạng, của chế độ này"

    Hồi mới giải phóng, rất nhiều người "có tâm, có tầm" dư thế lày ... Giờ thì "đảng viên nhan nhản, Cộng sản mấy người". Chỉ còn đám bò đỏ & trí thức như mấy ô Nguyễn Trung, Vũ Ngọc Hoàng ... mới nghĩ tới danh dự của cách mạng, của chế độ này, còn những đảng viên khác chỉ chực bỏ Đảng, không thì phá Đảng . Thiệt ... hết biết!

    Trả lờiXóa