Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

Khoai và sự tử tế (kỳ 3, cuối)

Trẻ con nông thôn miền Bắc những năm thập niên 50 - 70 không chỉ ăn khoai thay cơm mà gần như đứa nào cũng biết… mót khoai. Mót khoai, mót lúa đã thành thứ nghề tay trái khi làng quê biến thành hợp tác xã. Đám chúng tôi không biết chơi tem, nuôi cá vàng, đánh đàn ghi ta, vẽ vời này nọ như các bạn thành phố sơ tán về, nhưng lại rất giỏi đánh dậm, cất vó tép, câu cá, gánh lúa, nhổ mạ, đun nấu bằng rơm rạ hoặc lá tre, kiếm rau lợn, rút rơm trâu, trèo cây hái quả, ngụp lặn dưới cừ, và biết mót lúa mót khoai.

Cũng chả biết ai đã đặt cho cái việc ấy là “mót”. Trong tiếng Việt, chữ mót có nhiều nghĩa, cái nghĩa mà tôi muốn nhắc tới là nhặt nhạnh, tìm kiếm những gì còn sót lại. Cuộc đời đổi thay, bây giờ ngay cả những vùng nghèo nhất cũng không còn “nghề” mót nữa. Nó chỉ là dấu ấn của một thời, một giai đoạn nghèo đói, thiếu thốn, vất vả.

Sau khi miền Bắc hòa bình lập lại, nông thôn đang đà trở mình thay da đổi thịt, xóa dần nghèo đói, đùng một cái, nhà nước học tập mô hình kinh tế bên Liên Xô, Trung Quốc, bắt tất cả nông dân phải vào hợp tác xã. Mỗi thôn (làng) là một hợp tác xã, bỏ hết tên cũ, đặt cho tên mới rất kêu, đầy sắc màu cách mạng, nào là Quyết Tiến, Thắng Lợi, Bình Minh, Rạng Đông, Cờ Đỏ, Thành Công… Thôn Trà Phương quê tôi đông khẩu, được tách ra thành hai hợp tác, Bình Minh và Thụy Sơn. Ruộng đất, trâu bò của các hộ gia đình bị sung công hết vào hợp tác, chỉ chừa cho mảnh vườn có căn nhà đang ở. Mọi thành viên trong gia đình được gọi là xã viên. Nhà nào lần chần không chịu vào, chính quyền và hợp tác làm tình làm tội.

Thày (bố) tôi thấy hợp tác làm ăn chỉ có bề xổi chứ không hiệu quả nên chần chừ không vào. Nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu, nhà bác In cũng vậy. Thuyết phục mãi không được, nhà nước bèn dọa không cho con cái các gia đình “phản động, chậm tiến” đi học trung cấp hoặc đại học, cấm đi thoát ly, không kết nạp đoàn, không cho dẫn nước kênh máng vào ruộng… Bị cấm vận riết, cuối cùng “ngõ ba nhà” chịu phất cờ trắng đầu hàng. Bu tôi bấy lâu chăm chỉ buôn bán, tằn tiện tiêu pha, dành tiền mua được gần 9 sào ruộng, tinh ruộng tốt, vào hợp tác bị thu gần sạch, chỉ còn mỗn sào vườn. Nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu không chỉ nộp ruộng mà trâu cũng phải sung công, khi nào có việc cần cày bừa trên đất 5 phần trăm (còn gọi là ruộng rau xanh) thì phải mượn lại chính con trâu nhà mình. Nói gì thì nói, hợp tác xã chỉ đẹp trong văn thơ thôi, dưới ngòi bút các ông Tố Hữu, Xuân Diệu, Hoàng trung Thông, Đào Vũ, Nguyễn Khải, kiểu “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/Lúa mượt đồng ấm áp làng quê”, chứ thực ra dưới mắt và trong suy nghĩ của nông dân, đó là cuộc cướp bóc hợp pháp tài sản của họ, vụ cướp đoạt trắng trợn được nhà nước bảo hộ và thực hiện. Tới những năm 90, khi hợp tác xã nông nghiệp tan rã thì ruộng đất của nông dân cũng đã bị chia chác hết, kẻ này kẻ khác chiếm đoạt, không ai đòi lại được mét vuông nào.

Làm ăn kiểu hợp tác xã, lâu nay người ta đã nói nhiều, tôi không nói kỹ nữa. Chỉ biết rằng nó cứ càng ngày càng lụn bại, nghèo đói thiếu thốn càng ngày càng như ác mộng. Mấy chục cân thóc một vụ cho đầu người, đói nhăn răng, phải nhặt nhạnh đủ thứ để bỏ vào mồm. Được cái bọn trẻ quê rất ngoan, thương thày bu nghèo nên chăm chỉ, chịu khó, chả mấy khi cằn nhằn.

Cho tới bây giờ, trong ký ức tôi vẫn nguyên vẹn hình ảnh những đứa đi mót lúa mót khoai. Cả con trai lẫn con gái, đứa nào cũng quần cộc, manh áo cũ, cái nón mê, đeo ngang lưng chiếc giỏ, nhẩn nha trên những thửa ruộng vừa thu hoạch, nhặt từng nhánh lúa, bông lúa bị rơi vãi hoặc lẫn trong rạ. Vào mùa dỡ khoai cũng vậy, ruộng nào hợp tác bới xong thì bọn trẻ mới ùa vào, dùng chân, lấy tay lật từng đám đất, may ra kiếm được củ khoai còn sót. Những luống khoai, để cho dễ dỡ, ban đầu người ta dùng trâu cày mỗi bên một đường chạy suốt, lộ củ ra. Các bà các chị xã viên chỉ cần cuốc thêm vài nhát là khoai tòi hẳn ra ngoài. Tôi để ý, sá cày nào lẹm sâu thì thường có khoai to văng ra ngoài bị vùi xuống dưới. Có hôm mót được củ to bằng bắp chân, còn nguyên vẹn. Mót cả buổi, may thì đầy giỏ, còn không cũng chỉ lưng lưng.

May nhất là những ruộng khoai vừa dỡ, hôm sau hoặc vài ngày sau có mưa. Binh đoàn mót khoai dàn hàng ngang, vừa đi vừa thụt chân vào luống khoai đã vữa ra trong nước. Kiểu mót khoai như vậy gọi là dận khoai. Củ nào còn sót lại nằm trong đất sẽ trồi lên, đỡ phải bới tay, chẳng cần cuốc xới gì.

Điều đáng nói là, kiếm mót lúa rụng khoai sót khó thế nhưng không đứa nào có ý ăn trộm lúa khoai của hợp tác. Khi bu tôi, thím Chung, dì Được, chị Khỏa cắt lúa hoặc dỡ khoai ở thửa ruộng này thì đám con cái tịnh không bén mảng tới gần, chỉ lần mò mót ở những ruộng xa, đỡ mang tiếng cho bu cho mình. Chả ai nhắc nhở, cũng không ai lên lớp về đạo đức rằng phải thế này thế nọ, tự dưng cứ làm vậy thôi. Chỉ có mỗn lần, thằng Bình dân sơ tán, trọ nhà ông Thúy xóm Bến, nó đi mót khoai tây, nhân lúc vắng mò vào ruộng khoai chưa dỡ, thó đầy một giỏ. Không may cho nó, ông Nam lùn bắt được, nó không chỉ nộp lại hết “của phi pháp” mà còn bị bêu khi chào cờ. Nhưng nó vốn là đứa rất gấu nên về sau đâu lại hoàn đấy, thậm chí còn đi bắt trộm gà nhà bà Sở rồi bị đuổi học, chứ như chúng tôi mà tắt mắt thì chắc chắn thày bu cho ăn đòn.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét