Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Nhân văn giai phẩm

Hôm vừa rồi ra Hà Nội, tới thăm bác Chuyên. Ấy là tôi muốn nói về ông anh đáng kính, thiếu tướng Phạm Chuyên, cựu giám đốc Công an Hà Nội. Tới nơi đã thấy quan năm, đại tá Đào Lê Bình chờ sẵn ngoài cổng, cười bảo đi đứng kiểu đếch nào mà lâu thế. Y không biết tôi lạc đường.

Cả bác Chuyên giai lẫn bác Chuyên gái (bác Trinh) niềm nở ân tình. Ông anh bảo, lần trước em tới chưa kịp coi kỹ kiểm kê gia sản nhà anh, lần này anh cho em thực mục sở thị. Tưởng vàng bạc châu báu ngọc ngà sừng tê đồi mồi san hô đá quý gì, mà những thứ ấy làm sao hợp với một người trong sạch, hóa ra chỉ tinh tranh là tranh. Mua có, tặng có, sưu tầm cũng có. Ấn tượng nhất là mấy bức chân dung chủ nhà và tranh phong cảnh. Góc tranh, ký tên họa sĩ Trần Duy. Tôi đeo cái kính vào để coi cho kỹ, đang định hỏi thì đại ca đã đoán được ý thằng em, nói ngay, của Trần Duy đấy, Trần Duy nhân văn giai phẩm.

Cái tên gợi lại cả một thời kỳ lịch sử, một chặng đường oanh liệt và đau thương.

Thế hệ sinh giữa thập niên 50 chúng tôi, hầu như ai cũng được biết về cái gọi là vụ án Nhân văn giai phẩm, biết những con người dám xông lên đoạt trời như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phùng Quán, Trần Dần, Trần Duy, Phan Kế An, Hữu Loan, Văn Cao, Lê Đạt, Nguyễn Bính... Đó là những "người nhất" trong mười mấy triệu người ở miền Bắc trước năm 1960.

Tôi có căn bệnh mạn tính (càng ngày càng nặng thì gọi là mạn, chứ không phải mãn, như nhiều người nhầm), là khi buồn lại lấy thơ văn của Nhân văn giai phẩm ra đọc, trên giấy cũng có, mà mạng cũng có. Rồi đọc bài nghiên cứu công phu, khách quan của nữ sĩ Thụy Khuê, càng cảm phục và thương cho những anh hùng thời đại.

Tấn bị kịch mà những người như Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Dần, Hữu Loan, Trần Duy... phải chịu chính là ở chỗ họ đã đúng một cách cô độc, còn đám đông quần chúng dù hiểu được cái đúng của họ nhưng chỉ dám ủng hộ âm thầm lặng lẽ, không dám ra mặt, phần do hèn, phần khác do bộ máy sắt máu đàn áp quá khốc liệt.

Đó không chỉ là bi kịch của văn nghệ sĩ, trí thức, mà còn là bi kịch thời đại, bi kịch của dân tộc trong thể chế chính trị này.

Tôi tin rằng, sẽ có một ngày, những con đường lớn đẹp dài rộng nhất thủ đô và nhiều đô thị lớn của đất nước được vinh dự mang tên Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phùng Quán, Trần Dần, Hữu Loan, Trần Duy...

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Bac Thong lam cam roi ---may ong bi oan trong NvGP ho dau can ten tuoi cua ho bi BEU tren pho phuong ---lai cai ong Pham chuyen,bay gio thay im re thuc hien chu nghia" Mac ke no" dau co duoc khi the nhu Tuong :Le van cuong (CA) Le ma Luong (QD)

    Trả lờiXóa