Miền Bắc, Hải Phòng, mùa hạ, tháng 5.1967 (hoặc 1968 chi đó). Như đã kể, tôi và đứa cháu họ, hai thằng hí hửng vớ được mấy cục nước đá to bằng cái gối mây, bọc kỹ rơm bên ngoài, đặt lên xe cải tiến kéo về. Từ Kiến An tới nhà còn mười mấy cây số nữa, đã tối nhọ mặt, cứ nghĩ tới cảnh ở nhà có nước đá uống lúc đang bức sốt, mỗi người làm cốc nước chanh đá mà lại phấn chấn. Hai chiếc xe cải tiến lọc cọc lọc cọc thứ âm thanh buồn đơn điệu. Thỉnh thoảng cứ vài cây số lại dừng kiểm tra đá, coi có còn không. Còn, nhưng nhỏ đi nhiều, đám rơm thì ướt đẫm. Về đến đầu làng thì trời tối lắm, đường không một bóng người, cả làng chìm trong màn tối đen. Hai thằng dừng lại sờ đá lần cuối, chả thấy đâu cả. Nó đã tan hết, không để lại dấu tích gì. Trí cười mếu, thế là toi bữa tiệc nước chanh. Tôi về nhà kể cho bà Khoắn chị cả tôi nghe, bà chị bảo các ông ngu vừa vừa chứ, đá ấy nó làm bằng nước sông nước ao chứ sạch sẽ gì, nó để ướp cá cho tươi, cá bán hết thì nó vứt đi, thế mà cũng cố kéo về, rõ ngố.
Đang kể chuyện áo rét, vòng vèo chuyện nước đá hơi lâu, giờ lại quay về chủ đề chính.
Tiếng Việt mình lạ lắm. Nói tới áo rét, áo lạnh, ai cũng hiểu đó là thứ áo gì, để làm gì. Nhưng nếu tự dưng có ông bà nào vào cửa hàng quần áo bô bô rằng ở đây có bán áo ấm không, cô bán hàng liền lấy ngay cho xem mấy chiếc áo rét, áo lạnh. Vẽ, lạnh hay ấm thì cũng chỉ để chống rét. Khi tôi vào sống hẳn trong miền Nam, nơi nóng quanh năm, chỉ được mươi ngày trước và sau lễ Giáng sinh trời se se lạnh (có người bảo đó là phép màu của Chúa, ban cho con chiên để hưởng lễ vui vẻ), nên gần như không phải mặc áo rét. Con trai con gái người già trẻ con đều quần áo mỏng, đồ cộc đồ ngắn, chả cần biết áo len áo bông. Giả dụ có sắm bộ veston cũng chỉ mặc xúng xính khi có đám cưới đám cheo, xong lại cất biệt vào tủ. Nhớ có lần cùng đám nhà báo đi Lâm Đồng dự lễ khởi công cái nhà máy thủy điện Đạ Dâng-Dachamo, năm 2005 thì phải, mình cùng hai bác phóng viên ảnh tên Thành (Đức Thành-SGGP, Công Thành-Tuổi Trẻ) mò ra chợ đêm Đà Lạt. Thành phố này là nơi duy nhất ở miền Nam bán áo rét áo len, bán quanh năm, chứ không như miền Bắc chỉ trưng vào mùa đông. Chiếc áo khoác dày vải simili chỉ 70.000 đồng, áo len dài tay cổ lọ có trăm mốt (110.000). Mình hứng chí, đúng cái thói của người từng rét run bần bật, khuân cả hai về Sài Gòn. Suốt 2 năm trời, không mặc được lần nào, cuối cùng lại phải cho ra bắc để chúng có điều kiện làm nhiệm vụ chống rét.
Đàn bà con gái miền Bắc, cả thành thị lẫn nông thôn, may vá thêu đan giỏi lắm. Nhưng do hoàn cảnh, riêng việc đan len thì chỉ đàn bà phố bởi mấy bà ở nông thôn suốt ngày chổng mông phơi lưng trên đồng, làm gì có thì giờ mà đan điếc. Ngoài phố có hẳn những hợp tác xã đan len, xã viên tinh phụ nữ. Tiện nhất ở chỗ nhận len đem về nhà đan, những lúc rảnh vừa đan vừa đàn đúm trò chuyện. Mấy bà chị họ tôi bà nào cũng thợ đan thượng hạng. Miệng nói chuyện, mắt nhắm tịt, tay cứ xỏ nhoay nhoáy. Lại còn đan cả 3 kim chứ không phải 2 kim bình thường, áo len cổ lọ cổ bẻ, dài tay ngắn tay, kiểu trơn kiểu có múi có hoa văn, các bà coi dễ như trò trẻ. Bà Hải đem con về quê sơ tán, may nhờ có nghề đan len mà nuôi được cả đống con lít nhít 5 đứa, kệ ông chồng (là anh họ tôi) ở lại ngoài phố chỉ mỗn việc suốt ngày đi kẻ khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và viết thông báo trên các bảng thông tin tiểu khu hoặc khu phố. Một lần bu tôi sang kho lương thực huyện sơ tán của ông Sáu ông Minh xin được mấy chiếc bao gạo Ấn Độ, chả biết nó dệt bằng sợi đay tốt hay sợi gì mà mềm xốp quá. Bu tôi cẩn thận tháo ra, nhuộm xanh, nhờ chị Hải đan cho hai anh em tôi mỗi đứa một chiếc áo “len”. Lần đầu tiên trong đời được mặc áo len nhưng không phải len. Giả dụ cái áo len đay ấy bây giờ mà còn, có khi bán nó cho bảo tàng đủ tiền mua được căn nhà bởi đó là thứ tàn tích di sản có một không hai của thời chiến tranh, bao cấp nghèo đói.
Áo len đan ra, nhà nước đem xuất khẩu. Chỉ những nhà khá giả, hoặc tằn tiện lắm mới dám sắm áo len cho người trong nhà. Nông thôn lại càng hiếm. Tôi vẫn còn nhớ chỉ mấy cán bộ xã, ủy ban xã tôi diện áo len, thường là loại cổ thìa không có tay, mặc ngoài áo su mi. Hồi học cấp 2, cả lớp tôi chỉ có 3 đứa có áo len là cái Hoàng Liên Thái, cái Nguyễn Ngọc Châm, cái Thanh Thủy, chúng dân phố, con cán bộ nên sự ăn mặc cũng hơn người.
Đám trẻ nông thôn chúng tôi, áo ấm áo rét chủ yếu là áo bông, áo sợi. Nhiều đứa nhà nghèo, ngay thứ ấy cũng chả có, khi mùa đông rét mướt chỉ còn cách mặc thật nhiều áo cho đỡ lạnh. Đứa nào được chú bộ đội trận địa tên lửa Mả Đò cho chiếc áo bông cũ thì chả khác trúng vé số. Có một dạo phổ biến mốt chỉ mặc ruột áo bông trông rất tay chơi, không khác gì bộ đội vệ quốc đoàn trên rừng mới về. Mấy anh em tôi được bu mua cho áo sợi, dày, cổ lọ, dài tay để chống rét. Có áo sợi Nam Định, có áo sợi Cự Doanh, sau có thêm nhãn hiệu 8.3 nữa. Thứ áo sợi này mặc ấm không bằng áo bông nhưng gọn gàng, chỉ tội giặt lâu khô. Tôi mặc chiếc áo Cự Doanh suốt từ năm lớp 9 tới tận tốt nghiệp đại học mới bỏ, khi không dùng nữa đã bạc phếch mặc dù có lần nhuộm ở cửa hàng nhuộm Ngã Tư Sở.
Trong muôn thứ áo rét có nhẽ chiếc áo đại cán thời những năm 50 - 80 là dạng thời trang thật khó quên. Trần đời, chưa thấy thứ mốt nào tồn tại lâu bền đến thế. Áo này chỉ dành cho đàn ông bởi đàn bà có kiểu áo Hồng Kông. Áo may bằng vải kaki dày, thường màu xám hoặc màu sáng, một túi trên, 2 túi dưới có nắp, hàng cúc (khuy) rất to. Đại cán, ngay cái tên đã rất oách, dành cho cán bộ to. Kiểu áo do Tàu cộng đem sang ta. Cứ nhìn trang phục của đám Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình thì rõ. Em thì phải bắt chước anh. Nó bắt cởi truồng cũng phải cởi, ở đó mà cãi mặc kiểu này kiểu nọ. Tôi có ông anh họ tính tếu táo, ông bảo nhà nước ta, chính quyền ta là nhà nước chính quyền đại cán. Mà đúng thật, lúc đầu chỉ những ông cán bộ mới diện đại cán. Bây giờ lật giở đám ảnh cũ, kể từ cụ Hồ trở xuống, nào ông Chinh ông Đồng ông Duẩn ông Thọ ông Giáp ông Trinh, ông Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, ông Lê Văn Lương, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, tới mấy ông tỉnh ông huyện… tất tật chui trong áo đại cán. Có những hình ảnh lịch sử gắn với đại cán, chẳng hạn ông Trần Duy Hưng đứng trên xe ô tô vẫy chào nhân dân khi về tiếp quản thủ đô ngày 10.10.1954, ông Lê Duẩn đọc điếu văn truy điệu cụ Hồ trên quảng trường Ba Đình sáng 9.9.1969. Thời ấy, phi đại cán bất thành cán bộ.
Về sau này, tới khoảng thập niên 70, áo đại cán được phổ biến đại trà cho những tay chơi có tí máu mặt. Lớp tôi học, dường như các cán bộ đi học không ông nào không diện đại cán, nào những Lê Xuân Sang, Lê Văn Sơn, Lê Quốc Lập, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Xuân, Vũ Lệnh Năng, Trần Triều Nguyệt… xúng xa xúng xính đại cán, các em nhìn tít mắt. Cỡ áo sợi Cự Doanh nhuộm như tôi, chúng chỉ ngó bằng nửa con mắt. Có lần anh Đỗ Xuân Thanh (nhà thơ, đã mất) ra phố Hàng Bông may chiếc áo đại cán mới tinh, về mặc thử, cả đám xúm lại chiêm ngưỡng. Tôi thầm ao ước sau này mình đi làm, việc đầu tiên là may một chiếc, cũng ở cửa hàng may mặc phố Hàng Bông ấy (thực ra, những dự định dùng tiền lương cho điều đầu tiên ấy nhiều lắm, ví dụ mua đôi dép nhựa Tiền Phong trắng, ăn bát phở có người lái, sắm chiếc xanh tuya (thắt lưng) ra trò thay chiếc thắt lưng nhựa Trung Quốc đã bị hàn vá mấy lần, v.v..). Chưa kịp thực hiện thì vào nam và từ bấy không nghĩ gì tới áo đại cán nữa.
Nguyễn Thông
Người miền Bắc gọi áo rét. Người miền Nam gọi áo ấm. Rét, ấm là cặp từ đối nghĩa nhau. Vì sao chúng được cả nước vui vẻ đón nhận dùng trong khẩu ngữ, trong ngôn ngữ văn học một cách đắc dụng? Công năng của áo len, dạ là gìn giữ thân nhiệt, vách ngăn nhiệt độ ngoài trời và cái căn cốt 37 độ C bên trong cơ thể. Giữa sa mạc Sahara, khí trời đang trên 60 độ C, giữa Hà Giang khí trời đang gây băng tuyết, công năng chiếc áo ấm, áo rét, giống nhau. Thế. Tiếng Việt nó khoa học, nó trong sáng, nó tuyệt vời. Tự hào và gìn giữ nó!
Trả lờiXóax A jr
Xóathời xưa có áo đại cán là oách lắm đó
Trả lờiXóa