Hai hôm rồi, đầu tháng 4 lịch ta Canh Tý 2020, miền Bắc lại vào cữ rét rớt, rét thêm, còn được gọi bằng cái tên âu yếm “rét nàng Bân”. Bà bạn tôi gọi điện vào hỏi trong mày thế nào, có rét không, chứ ngoài này cóng chết đi được. Tôi không giả nhời ngay, cho bả coi cảnh đang… cởi trần (gầy chê xương sống xương sườn giơ ra), bồ hôi bồ kê đầm đìa, hai cái quạt châu vào hai bên như tả phù hữu bật. Bà bạn bảo eo khiếp, trông hãi bỏ mẹ. Chả biết hãi hiện vật hay hãi nóng. Lại nhớ thằng Xuân Ba có lần nửa đêm gọi điện vào, thủng thẳng nhận xét, xứ mình một nước hai chế độ, mày ạ, hai chế độ thời tiết ấy. Rồi nó còn đèo thêm, mày cho tao hỏi khí không phải, thế chính quyền trong ta có còn không.
Phải công nhận nhiều năm giở lại đây ít xảy ra rét nàng Bân, thậm chí người ta còn nghĩ hay nó mất rồi. Vẫn biết biến đổi khí hậu có thể tạo ra những điều không ngờ, thay được cả quy luật nghìn năm vạn năm triệu năm của giời, nhưng có những đổi thay khiến con người ngẩn ngơ, sửng sốt. Nói đâu xa xôi, vài năm qua, ở miền Bắc năm nào cũng bị mưa đá, nhất là mấy tỉnh miền ngược như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng, và vùng Nghệ Tĩnh. Hôm qua 23.4, trên mạng lan truyền đoạn video clip mưa đá ở Cao Bằng, những cục đá to bằng quả trứng từ trên giời nện ào ào xuống, ngó mà kinh. Ngày xưa sống ở nông thôn nghèo nàn, có lúc đám trẻ con chúng tôi chỉ ao ước có mưa đá như bên Trung Quốc để nhặt uống nước chanh đá. Hồi ấy, ngoài Trung Quốc và khối các nước XHCN ra thì dân bắc chỉ biết thêm nước Mỹ, chứ những nước khác nhìn chung đều mù tịt, chả biết chúng nó giãy chết thế nào, cùng lắm chỉ đọc được cái tên nước trên bản đồ.
Mãi tới năm tôi học lớp 4 (hệ 10 năm), năm 1966, tức đã hơn chục tuổi, mới được “ăn” nước đá. Khiêng rau cải cho bu tôi lên chợ huyện bán, được bu cho 1 hào vào cửa hàng ăn uống giải khát của huyện ven đường trông ra sông Đa Độ, do ông Kình người xã Đại Hợp làm cửa hàng trưởng, mua cốc chè đỗ đen đá. Cửa hàng này chỉ có đúng 2 món: chè đỗ đen và phở thịt lợn. Chè 1 hào/cốc, phở 2 hào/bát, nếu “không người lái” cũng chỉ 1 hào. Bán đắt nữa, không ai mua. Mấy cô mậu dịch viên bủn xỉn, cho có tí đá, chỉ một chốc đã tan hết. Vội ngồi múc từng cục đá nhỏ bỏ vào mồm, tan trên đầu lưỡi mát lạnh, ối giời ôi, sao mà sướng thế. Lòng chợt nảy ra ý tị nạnh với bọn sơ tán, chúng nó được ăn nước đá, ăn kem từ khi chưa biết nói biết đi. Đời thật bất công.
Lần “ăn” nước đá thứ nhì là phen tôi cùng đứa cháu họ đẩy xe bò (xe cải tiến) chở dưa hấu ra chợ An Dương nội thành bán. Thày tôi và anh Trác cầm càng, tôi và thằng Trí đủn phía sau. Ông con chú cháu dậy từ 3 giờ sáng, lọc cọc chở dưa suốt con đường gập ghềnh hơn hai chục cây số, nhiều đoạn bị bom đào xới ngổn ngang. Khổ nhất là qua cầu phao thay cầu Niệm cũ, lúc xe bò xuống cứ băng băng, thày tôi và anh Trác cầm càng phải ghì thật chặt, chúng tôi phía sau cũng dạng chân chèo, kéo lại cho nó xuống từ từ. Tới lúc lên dốc, ai nấy đỏ mặt tía tai, mồ hôi đầm đìa đẩy kéo nhích từng tí một. Phải làm sao tới được chợ An Dương cỡ 7 - 8 giờ sáng mới có chỗ xếp dưa. Người nông dân trồng vụ dưa, quả nào to ngon đều phải đem ra phố bán lấy tiền mua thóc gạo thịt thà, may quần may áo, chỉ dám để ở nhà ăn quả đèo quả đẹn. Hai vị cầm càng bán dưa xong mua vé xe hàng (xe khách) về huyện, mỗi vé 5 hào. Hai thằng lính đẩy chúng tôi được giao nhiệm vụ thiêng liêng là kéo chiếc xe không, lại tiếp tục hành trình hơn 20 cây số khứ hồi. Có hôm về tới đầu núi làng thì đã tối mịt.
Bao giờ cũng vậy, dắt xe lọc cọc tới ngã 5 Kiến An, “bò” nghỉ giữa chừng. Mỏi chân, mệt rũ người, đói, khát nước. Các thủ trưởng trước đó cho mỗi đứa 1 hào, dành tới ngã 5 ăn kem. Kem ngã 5 Kiến An ngon nức tiếng, ngon như kem Hồng Bàng gần nhà hát thành phố (chỉ nghe nói tới kem nhà hát chứ có được xơi bao giờ). Hai thằng mua kem que, mút mút từng tí một, chỉ sợ nó hết, cẩn thận cấm có rơi giọt nào. Ăn xong, cầm cái que tre vẩn vơ không nỡ vứt ngay, cứ tiếc cứ thèm, như vừa đánh mất vật gì, ước giá có tiền, mút luôn cả trăm cây một lúc chắc sướng lắm. Chợt Trí phát hiện người ta bỏ một đống nước đá gần đó, không biết của “hãng” kem hay của quầy bán cá tươi bên cạnh. Những cục đá trong veo, sáng lạnh trong bóng chiều lờ mờ. Vội nhặt bỏ lên xe bò, tiện rơm lót dưa, lấy quấn xung quanh cho chúng đỡ tan. Phen này cả nhà sẽ tơi bời uống nước đá. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
thời xưa cực quá
Trả lờiXóa