Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

Chuyện Nguyễn Văn Hiến thời Tam quốc

Yên nào, đừng sốt ruột, để tui kể cho mà nghe.

Tôi biết chắc sẽ rất nhiều mới đọc cái tít ngắn ngủn 7 chữ kia sẽ thắc mắc: vớ vẩn, bên Tàu, thời Tam quốc lấy đâu ra Nguyễn Văn Hiến, làm quái gì có họ Nguyễn.

Vâng, thời Tam quốc, thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên đúng là không có Nguyễn Văn Hiến, cùng lắm chỉ có một tướng tên Hiến là Tống Hiến, kẻ thân tín của Lã Bố, sau hàng Tào Tháo, bị Nhan Lương đại tướng của Viên Thiệu chém chết.

Nhưng họ Nguyễn thì Tàu có nhé, nhất là ở vùng Nam Việt (Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ), vốn đất của Triệu Đà xưa. Trong “Hịch tướng sĩ” bất hủ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn từng viết “Vương Công Kiên là người thế nào, tì tướng của y là Nguyễn Văn Lập là người thế nào mà giữ được thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu, khiến cho trăm vạn sinh linh nhà Tống phải đội ơn sâu”. Bài ni có trong sách “Trích giảng văn học” lớp 7 (hệ 10 năm ở miền Bắc) hồi tôi học. Thầy văn Nguyễn Minh Phất bắt chúng tôi phải học thuộc lòng, cũng như phải thuộc “Bình Ngô đại cáo”, “Ta đi tới”, “Rằm tháng giêng”, “Nổi gió”, thuộc cả câu trứ danh “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta” dùng để mở bài… Khi đọc đến cái tên Nguyễn Văn Lập, thằng Nguyễn Văn Ao (bằng tuổi tôi, người thôn Phương Đôi) học cùng lớp bảo, ơ, bên Trung Quốc cũng có họ Nguyễn chúng mày ạ, như tao, như thằng Nguyễn Văn Đến (thôn Quế Lâm), thằng Nguyễn Văn Thông (thôn Trà Phương), hay nhỉ. Anh Ngô Trọng Tiến cười, hay cái đéo gì, làm tì tướng thì khác gì thằng hầu, phải làm tướng mới thích, Ngô Khởi chẳng hạn. Ao sau này đi bộ đội vào nam rồi hy sinh, tên anh trong tấm bia ở nghĩa trang xã tôi, khắc đề Liệt sĩ Nguyễn Văn Ao.

Cái người mà tôi gọi là “Nguyễn Văn Hiến thời Tam quốc” thực ra không phải họ Nguyễn mà họ Sái. Ai từng đọc bộ danh tác này chắc đều nhớ Sái Mạo (còn gọi là Thái Mạo), một viên tướng tâm phúc của Lưu Biểu. Biểu làm chủ một dải rộng lớn Kinh Tương (Kinh Châu, Tương Châu), nơi có sông Dương Tử (Trường Giang) rộng dài, vì thế rất chú trọng thủy quân. Sái Mạo, tên tự Đức Khuê, vốn người Kinh Châu, lại là em vợ Biểu, giỏi nghề đánh sông nước, được Biểu giao nắm giữ thủy quân. Quân Tào, quân Viên Thiệu nhiều lần đánh Kinh Tương đều không thắng nổi bởi chỉ quen đánh bộ, gặp quân thủy thiện chiến của Mạo không có cách gì địch nổi. Mạo cũng không ít lần suýt giết được Lưu Bị, chỉ nhờ may mắn mà Bị mới thoát chết. Biểu chết, Mạo khuyên con Biểu hàng Tào, bản thân được Tào Tháo phong làm đại tướng, Trấn nam hầu thủy quân đại đô đốc (tức là được phong tước hầu, cao hàng thứ 2 chỉ sau tước vương, chịu trách nhiệm giữ mặt phía nam, đại tướng cầm đầu thủy quân).

Chuyện kể rằng khi gặp Sái Mạo đến xin hàng, Tháo hỏi chiến thuyền có bao nhiêu, do ai quản lĩnh. Mạo thưa lớn nhỏ cả thảy 7 nghìn chiếc, do hai chúng tôi (tức Mạo và Trương Doãn) quản. Tháo giật mình, quân bắc chỉ quen đánh bộ, nếu địch với đám thủy quân 7 nghìn chiếc này chưa chắc đã thắng được, và mừng bởi giờ có thứ ấy trong tay tha hồ nam tiến diệt bọn Tôn Quyền bên Giang Đông.

Một quân sư của Tháo là Tuân Úc thấy chủ phong cho Sái Mạo chức quyền cao vòi vọi, lại nhất là đại đô đốc thủy quân, liền vào thăm dò, thắc mắc. Tháo cười bảo ta làm sao chẳng biết dùng người, ngươi đừng có lo, chỉ vì quân bắc ta không quen đánh thủy nên phải dùng bọn chúng, khi nào xong việc thì ta sẽ liệu. Úc cho là phải, phục Tháo cao kiến.

Quả thật, trong cuộc hành binh đánh Giang Đông, quân thủy Tào với sự chỉ huy của Sái Mạo Trương Doãn đã khiến cho một kẻ cầm quân lẫy lừng như đại đô đốc Chu Du cũng phải e ngại. Khi “chống gậy ra sông xem trận địa”, ngắm nhìn trận địa thủy quân thuyền bè của Sái Trương, Du giật mình mặt tái ngắt, buột mồm khen “Quả thật đã đạt được mức tuyệt diệu của thủy quân”. Du lo lắm, nhưng cuối cùng đã nghĩ ra kế phản gián, lừa được Tào Tháo, khiến Tháo xuống tay giết hai viên đô đốc chuyên đánh sông nước. Một người như Táo mà cũng bị lừa, quả thật ít xảy ra. Khi đầu Sái Trương được bê vào, Tháo hối không kịp nữa, kết quả là trận Xích Bích còn lưu truyền tới tận bây giờ.

Cũng chả biết Sái Mạo có ăn bẩn đất đai dự án nào ở Kinh Tương không nhưng quả thật những bí quyết thủy quân mà Mạo nắm giữ đã khiến Tháo phải trọng dụng. Du diệt được Mạo khiến Tháo không còn cơ hội phải ra tay về sau nữa nhưng ít nhất đã nếm bài học Xích Bích cay đắng trong đời.

Tút này chả bênh Nguyễn Văn Sái Mạo, viên đô đốc cộng sản đang hầu tòa, ăn bẩn thì chết, nhưng thấy "Tháo" bị trúng kế phản gián của bọn Công Cẩn cứ thấy nghi nghi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: