Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Chuyện sinh đẻ có kế hoạch

Con người cũng như con vật, phải có sinh đẻ thì mới bảo tồn được nòi giống, mới tồn tại được. Còn làm thế nào để có sự sinh đẻ lại là chuyện “nhạy cảm”, khó nói, không tiện nhắc ở đây, hì hì.

Hồi cuối tháng 4 (2020) vừa rồi, dư luận xã hội lao xao về cái quyết định gì đó của chính phủ do ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, nội dung đề nghị dân chúng đẻ sớm, trước 30 tuổi càng tốt, đẻ nhiều, nhà nước không hạn chế. Nghị định cũng không nói rõ sớm nhất là bao nhiêu, nếu đẻ nhiều có được nhà nước, chính phủ nuôi không. Tôi còn nhớ đọc cuốn sách về bà Trần Lệ Xuân vợ ông Ngô Đình Nhu, sách kể rằng bà cụ thân sinh bà Xuân lấy chồng sớm từ khi 12 tuổi, tới 13 tuổi đã đẻ, mà đẻ ra tinh dững siêu nhân. Hay là ông Phúc cũng có đọc cuốn ni rồi mới đẻ ra cái nghị định ấy. Tôi có đứa cháu con người bạn thân (thầy Nguyễn Văn Vy, đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp), vợ chồng nó sang định cư ở Úc, bên ấy thiếu người nên cho đẻ thoải mái, chả cấm đoán kế hoạch gì, đẻ càng nhiều thì trợ cấp của nhà nước càng cao, tới tận 18 tuổi lận. Nay nó chưa đầy 4 sọi (40) mà đã 3 đứa lít nhít, tôi giục bảo mày cứ làm thêm vài đứa nữa, chả tội gì không đẻ, đã có bọn Úc giãy chết nuôi, cho chúng nó sập tiệm luôn.

Mà chẳng phải chỉ riêng ông Phúc, có một dạo, cuối năm ngoái 2019, ông Nguyễn Thiện Nhân không biết do ai xúi, cũng lên tiếng giục chị em đẻ nhiều. Lão hàng xóm nhà tôi cười, cha Nhân dạo ni rảnh nhỉ, lo cả chuyện đẻ đái, đi sâu vào quần… chúng. Tôi bảo phỉ phui cái miệng ông đi, đẻ nhiều càng tốt chứ sao, thành phố của ông Nhân đang thiếu lao động, cứ đẻ cho thật lực vào, có thế đàn ông mới có việc.


Nhớ những năm chiến tranh ở miền Bắc, lúc đầu chả ai ngăn cấm sinh đẻ, chưa hề chuyện sinh đẻ có kế hoạch. Đơn giản vì đang cần người, đẻ nhiều con trai càng tốt. Cần thật nhiều lính ném vào “giải phóng miền Nam”, “lớp cha trước lớp con sau/đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Những nghĩa trang liệt sĩ ngày càng mở rộng, mộ càng nhiều, việc đẻ càng quan trọng. Rồi cần cả người ra đồng cày sâu cuốc bẫm lấy gạo nuôi quân ăn no đánh thắng nữa. Nói tóm lại, bao nhiêu người cũng không đủ cho cái mồm chiến tranh nó nuốt. 17 triệu dân miền Bắc chỉ còn thiếu điều hô khẩu hiệu “Đẻ nhiều vì 14 triệu đồng bào miền Nam ruột thịt”. Chỉ lăn tăn nhà nước giục đẻ, mổ bắt con như vậy, nhưng nuôi nó thế nào thì hoàn toàn khoán trắng cho cha mẹ nó. Cứ tới 17 tuổi là túm thôi, không oong đơ gì sất.

Nhớ láng máng đến khoảng cuối thập niên 60 thì miền Bắc bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế sinh đẻ, đặt tên chữ là sinh đẻ có kế hoạch. Nói láng máng bởi không nắm cụ thể, chỉ biết bấy giờ lứa tôi đang học lớp 6, lớp 7, phiên ra khoảng năm 1968 - 1969. Hôm ấy tôi đi học về sớm, trốn việc nhà bèn chui tọt vào quán ông Xích cắt tóc ngay cạnh nhà chơi. Nghe ông Xích vừa múa kéo tanh tách vừa kể mấy hôm nay lò rèn ông Cẩu xóm trên thổi lửa đe búa làm không hết việc. Hỏi rèn cái gì, ông Xích bảo rèn vòng để tuần tới giao cho trạm y tế xã đặt vòng cho các bà. Chú Xích kể xong lừ mắt, chúng mày đừng bép xép, lộ hết kế hoạch của nhà nước.

Mấy ông xã hội chủ nghĩa thì cái gì cũng phải thành kế hoạch, từ việc sản xuất, trồng trọt, buôn bán, phân phối lưu thông. Thứ gì cũng bị kế hoạch hóa hết, ví dụ năm nay được sản xuất bao nhiêu cái bát ăn cơm, làm bao nhiêu tấn muối, dệt bao nhiêu mét vải. Đẻ cũng vậy, phải theo kế hoạch, đẻ bao nhiêu đứa. Vượt ngoài kế hoạch là vi phạm, chịu phạt. Ông anh tôi bảo chắc là họ bắt chước bên Trung Quốc, hồi cuối thập niên 60 bên ấy nó bắt đầu hạn chế sinh đẻ bởi dân nó quá đông, ngại nạn nhân mãn. Lúc đầu nó còn cho mỗi cặp vợ chồng đẻ 2 con, sau tính lại chỉ cho có 1 con, đẻ trai hay gái, kệ. Người Tàu vốn trọng nam khinh nữ nên mới sinh ra biết bao chuyện dở khóc dở cười. Chả biết Tàu nó có bắt ta làm như nó không, nhưng phận em thì phải bắt chước anh. Giữa mùa hè mà nó mặc áo bông thì ở Hà Nội cũng diện áo len. Hồi ấy người ta thường kể cho nhau nghe chuyện khôi hài vậy. Nó cấm đẻ thì mình cũng cấm đẻ thôi, dù dân mình chả nhiêu mống. (còn tiếp)

Nguyễn Thông



1 nhận xét: