Tới tận năm 1984 nhà nước của nước Việt Nam thống nhất mới chính thức lập ra Ủy ban quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch (sau này đổi thành Ủy ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình), và vị chủ tịch đầu tiên bị nhét ghế vào đít, không phải ai khác, chính là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vụ này gây xôn xao dư luận xã hội cả trong nước lẫn quốc tế nóng mấy năm liền. Đằng sau sự kiện có một không hai này là biết bao nhiêu góc khuất, cứ lâu lâu lại xì ra một tí, cho tới tận khi cụ Giáp mất năm 2013. Dân gian chưng hửng với quyết định của trung ương, họ bảo giống như trò đùa, trêu ngươi, mấy ổng coi cuộc đời chẳng khác chi sân khấu bi hài. Thời ấy, chả mấy ai không biết câu “Nhà thơ làm kinh tế. Thống chế đi đặt vòng”. Chút sẽ nói kỹ hơn xung quanh chuyện cụ đại tướng phải đi đặt vòng.
Vậy nhưng không phải tới năm 1984 mới thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Như phần 1 đã kể, từ cuối thập niên 1960 là miền Bắc bắt đầu đẻ theo chỉ đạo của nhà nước rồi, bắt chước Trung Quốc. Sau này đất nước thống nhất, tôi vào miền Nam làm việc và sinh sống, tò mò hỏi những người tại chỗ rất nhiều điều, trong đó có cả chuyện sinh đẻ kế hoạch. Mấy thầy cô giáo người Nam dạy cùng trường cười bảo chỉ có miền Bắc ưu việt của các thầy mới thế chứ chúng tôi trong này chả ai cấm, đẻ thoải mái, chỉ tới khi cách mạng về thì mới biết thế nào là đặt vòng. Rồi thầy Hòa còn kể cán bộ về tận các tổ dân phố tuyên truyền, giải thích làm sao phải đặt vòng, hướng dẫn cách đặt như thế nào, đặt vào đâu… Mấy cô giáo, cô Nhã cô Quỳnh cô Ngọc cười tóe lên, ôi giời, kinh bỏ bà, đặt mí chả đặt, có đặt vào mồm các ông ấy.
Suốt thập niên 60 cũng như nửa đầu thập niên 70, hồi tôi còn ở quê, ở miền Bắc, sự áp đặt sinh đẻ có kế hoạch xem ra cũng chưa nghiệt ngã lắm. Chính phủ tuyên truyền, yêu cầu mỗi gia đình chỉ nên đẻ 2 con nhưng người ta không chấp hành, cứ đẻ phứa. Nông dân lại càng bướng. Họ bảo chúng tôi mà không đẻ, các ông có khối người mà bắt lính, mà làm việc bằng hai. Trạm xá xã do thím Hoạch y sĩ trạm trưởng, chú Thiết y tá đồng phụ trách, ở ngay trước nhà tôi hằng ngày vắng hoe dù ngay trước cổng trạm xá treo câu khẩu hiệu to đùng “Toàn dân thực hiện đặt vòng”. Ông Trác anh họ tôi cười bảo đèo mẹ đặt thì đặt cho đàn bà chứ đàn ông đặt thế chó nào được mà toàn với chả dân. Bà chị dâu tôi (vợ ông Trác) là điển hình không nghiêm túc chấp hành chỉ thị đẻ ít của nhà nước, hai vị tính sơ sơ dững 10 đứa trai gái (chả biết có bị sẩy đứa nào không), cung cấp cho xã hội bao nhiêu là bộ đội, giáo viên, cả thương binh, hiệu trưởng, sĩ quan cấp tá… giỏi giang và tử tế.
Hồi nhỏ, đám chúng tôi nghe kể có bà không chịu đặt vòng, lại được chồng xúi đừng có nghe chúng nó đặt thứ này thứ kia vào bướm dễ bị ung thư, vả lại nhà mình mới có… 5 đứa, làm gì đã nhiều, nên bà vợ nhất quyết “nói không với vòng”, giống như kiểu ông Nguyễn Thiện Nhân ra khẩu hiệu ngành giáo dục “nói không với tiêu cực thi cử”. Cán bộ phụ nữ xã, rồi cả bà Tươm phó chủ tịch xã tới thuyết phục, cái bà mới có 5 con kia nhất khoát không không. Xã dọa nếu không chịu đặt vòng sẽ trừ công điểm, sẽ trừ thóc. Đánh vào kinh tế, nhất là lúc đương sự nghèo đói khó khăn, đó là bài sở trường của chính quyền. Bà kia tức quá, hôm sau ra thẳng ủy ban. Nhằm lúc ủy ban đang họp, bà nhảy chồm chồm thách thức “này nhá, bà trần đời bà bảo cho mà biết nhá, bà thì bà cứ đẻ đấy, làm gì nhau nào, bà cứ đẻ tới bao giờ hết trứng mới thôi”. La xong, bà nằm ngay xuống sàn nhà ủy ban, cởi… Mấy ông cán bộ xã chạy tóe khói. Nghe kể vậy, chả biết có đúng không, nhưng chỉ đàn bà dân Phòng quê tôi mới anh dũng đảm lược thế. Thế mới tương truyền câu thành ngữ “Trai Nam Định, gái Hải Phòng” lừng lẫy một thời.
Nói thẳng là chỉ dân đen mới dám liều chống lại chính sách của nhà nước thôi, chứ cán bộ thì khác. Tơ lơ mơ đẻ thêm, đẻ đứa thứ 3 là “nó” (chính quyền, cơ quan, đơn vị) phạt tút xuỵt, cắt quyền lợi, không bình bầu thi đua cuối năm, không tăng lương, không cất nhắc… thiệt hại đủ đường. Nhưng đặt vòng thì lại không khoái, còn bao cao su thời ấy hiếm, chỉ phân phối cho cán bộ và bán cho người nước ngoài. Thế là thỉnh thoảng vỡ kế hoạch. Lại phải giấu diếm, che chắn không cho người ngoài biết. Có ông đang trong quy hoạch cán bộ, vợ có mang đứa thứ 3, phải lén lút gửi vợ đi tỉnh khác sinh đẻ. Nhiều cơ quan sinh ra những tay chỉ chuyên do thám xem ông bà nào không chấp hành sinh đẻ có kế hoạch để tố lên lấy thành tích. Chả bù trường tôi, những năm thập niên 80, hầu hết thầy cô giáo chỉ dám sinh 1 hoặc 2 con, có tháo khoán cũng chả dám đẻ thêm. Một lần chuyện vãn, thầy Minh thầy Long cười bảo lấy gì cho chúng nó ăn mà đẻ. Trường tôi năm nào cũng hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu sinh đẻ có kế hoạch, chỉ bởi đói quá.
Ấy, cán bộ đảng viên phá luật lệ của nhà nước thì bị phạt nhưng mấy ông lãnh đạo cấp cao vi phạm lại chả ai dám nói gì. Nói đâu xa, chính ông Nguyễn Tấn Dũng 3X là đầu têu. Khi ông ta đã có 2 con đủ nếp tẻ (Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Thanh Phượng), làm cán bộ đầu tỉnh Kiên Giang, vẫn đẻ thêm cu rớt Nguyễn Minh Triết (sinh năm 1988). Đáng nhẽ với lý lịch tì vết như vậy, trung ương phải coi là tiền án tiền sự, ai dè đương sự cứ lên vù vù, làm tới tể tướng, đến nỗi có ông còn phải khóc khi không làm gì được ông 3 con này. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
thời này sinh nhiều mệt lắm
Trả lờiXóa