Hẵng tạm gác sang một bên chuyện người ta đang thi nhau chặt cây phượng trong sân trường. Các cụ xưa bảo “con chim trúng đạn sợ làn cây cong”, một cây phượng đổ, thế là sợ, lôi tất cả đám phượng hồng ra chặt ráo củ tỉ. Đó cũng chỉ là một phần biểu hiện thứ tư duy xộc xệch ở xứ ta: không quản được thì cấm. Chỉ tội nghiệp cây phượng.
Nếu cần chép vào lịch sử thì có thể biên thế này: Năm Canh Tý, tháng Tân Tỵ, nhằm tháng 5 tây lịch 2020, mùa hè, chế độ cộng sản niên hiệu Nguyễn Phú Trọng năm thứ 5, cây phượng vốn do người Pháp đem sang An Nam trồng làm đẹp cảnh quan từ cuối thế kỷ 19, được tôn vinh thành biểu tượng mùa hè, kỷ niệm của tuổi học trò, sau hơn một thế kỷ vinh quang, đã bị “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” sau những nhát dao và đường cưa máy của nhà cai trị. Kể từ nay, sân trường chẳng còn sắc màu phượng đỏ, người ta sẽ trồng thay thế vào đó thứ cây gì, hoặc thậm chí có trồng hay không thì chưa biết.
Đã bảo gác, mà cũng tốn hơn 200 chữ, thế mới biết người đời dễ dao động không làm chủ được mình. Vậy chuyện thành phố hoa phượng ra ri?
Chả là, Hải Phòng, dân gian gọi tắt là Phòng, nơi được nhà thơ Nguyễn Dương Côn (người Thái Bình, quê của… Đường Nhuệ đang nổi tiếng) phác họa trong hai câu thơ dễ gây mất lòng: “Cái thành phố ăn nằm với biển/Đẻ ra những đứa con cần lao”. Suốt hàng mấy chục năm, hình ảnh của Phòng luôn là thành phố cần lao làm lụng vất vả cần cù. Bác Dương Côn kia nói chẳng sai tí nào. Nếu có ăn chơi, chỉ phổ biến kiểu áo bay mũ cối. Lẽ dĩ nhiên về sau cũng có những tai tiếng kiểu idol Phòng như Cu Nên, Dung Hà, Dương Tự Trọng, Đỗ Hữu Ca, nhưng cũng có những anh hùng như Đoàn Văn Vươn cống Rộc Tiên Lãng. Người Phòng lúc thế này khi thế khác, luôn xù xì đầu mấu sần sùi. Đẹp hay xấu còn tùy ở mắt nhìn.
Nhưng có cái hẳn là đẹp chứ chả cần phân vân. Phòng nhiều cây phượng nhất nước. Cứ mùa hè, cả thành phố đỏ rực như chậu máu. Cái thứ cây này hoa này tạo nên bản sắc riêng của Phòng, như một thời cứ nhắc tới Hà thành là nhớ ngay những con đường xà cừ lực lưỡng, hoặc cây sao đen cao vút thẳng tắp, nay còn thấy nhiều ở vườn Bách Thảo, phủ toàn quyền, phố Lò Đúc…, hoặc Sài Gòn in dấu cây me “chia tay trong đêm mùa hè/gió nói gì với hàng me/anh nghe tim ta thì thầm/hát khúc tình ái ngàn năm/mắt em sáng lên cùng ánh trăng” (thơ Diệp Minh Tuyền). Tùy thổ nhưỡng và thói quen, cây sinh trưởng và tự trở thành hình ảnh của vùng đất, in vào đầu mỗi người, nhất là người đi xa.
Người Phòng có nhẽ cần cảm ơn nhà cai trị Pháp đã cẩn thận và chu đáo chọn cây phượng cho vùng đất duyên hải này. Tôi vẫn nhớ mấy cây phượng khủng tuổi cả trăm năm gần nhà Bưu điện, nhà Ngân hàng thành phố (hồi từ nông thôn ra phố làm mấy cái thủ tục cần thiết để vào Nam năm 77). Nhìn nó, ngẩn ngơ ngắm nó, thấy mình thật bé nhỏ, thậm chí vớ va vớ vẩn. Người chả là gì so với cây. Chẳng biết bây giờ mấy cụ đại lão thụ mộc ấy có còn tại vị hạ lạp không, hay là đã viên tịch, khuất núi rồi. Lạ là chiến tranh bão gió suốt bao năm dữ dội khốc liệt thế, các cụ vẫn chả hề hấn gì, chỉ vài năm thời bình hăng hái tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các cụ theo nhau tuẫn tiết hoặc bị bức tử. Ông anh tôi bảo, chả cứ gì cây, người cũng vậy, ở chế độ này càng tử tế càng chết.
Nhiều lúc vẩn vơ ngẫm, cho tới nay, không biết ai đã lần đầu tiên tấn phong cho đất Phòng cái tấm bội tinh cao quý “thành phố hoa phương đỏ”. Những nhà chép sử đất Phòng nên lưu ý về điều này. Có những cống hiến tự nhiên, thầm lặng, nhưng không nên để chìm khuất mãi trong sự lãng quên, thờ ơ của người đời. Có một dạo tôi nghe ai đó bảo bản quyền thuộc về nhà thơ Hải Như, nhưng sau khi lẩn mẩn coi kỹ lại thì thấy không phải. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
"Sảy cung rày đã sợ làn cây cong" ( bị cung tên bắn trượt)Chứ trúng đạn thì ngỏm củ tỏi.
Trả lờiXóaHải Phòng thành phố rất đẹp
Trả lờiXóa