Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Tự chủ đại học

Ở xứ này, đã thành thứ lệ ngầm, khi “người ta” nói cái gì, chỉ cần hiểu ngược lại sẽ có kết quả đúng. Chẳng hạn họ nói dân chủ gấp ngàn lần, sống và làm việc theo pháp luật, tự do báo chí, quyền của người dân được tôn trọng, nói công cuộc chống tham nhũng ngày càng thắng lợi, người dân tuyệt đối tin yêu đảng, v.v.., cứ hiểu theo cách ấy, chả cần phải lăn tăn nghi ngờ gì.

Chuyện họ rao giảng về tự chủ đại học, có nhẽ cũng nên nhìn như vậy. Nói tự chủ mà không phải tự chủ, thế vẫn là tự chủ. Triết học An Nam quẩn quanh tù mù khiến thiên hạ chả biết đâu mà lần.

Các ông các bà ấy, ý tôi muốn chỉ các đương sự, từ bộ chính trị, trung ương, chính phủ, bộ học tới các trường… gần đây luôn ra rả về tự chủ đại học. Sau bao năm trói chặt, thực hiện cơ chế bao cấp ngành giáo dục nói chung, đại học nói riêng, họ làm như đã phát kiến, khám phá ra chân trời mới, hô hào phải tự chủ đại học, cởi trói cho đại học, đưa đại học lên tầm cao mới. Tuy nhiên họ chỉ nói nhưng không làm, nếu có thí điểm một chút thì, như lão hàng xóm nhà tôi nhận xét, vừa đéo vừa run. Cái tâm thức, thói quen lệ thuộc, sợ sự đổi thay (không biết đổi thì sẽ như thế nào) bám chặt vào bộ não khô cứng rồi, dễ gì mà dám tự chủ, cởi trói.

Và điều quan trọng nhất là các trường đại học lâu nay được bao cấp quen rồi, không thể đứng tự lập một mình. Được bà mẹ nhà nước chăm bẵm, bú mớm cho từng li từng tí, chúng dứt miệng ra khỏi bầu vú ngân sách là đèo đẹn, còi cọc, chết không kịp ngáp. Mồm hô hào tự chủ đại học cho ra vẻ thức thời, còn tay quyết ôm chặt bầu vú sữa đã cạn kiệt. Làm điều gì cũng trông chừng mắt trước mắt sau, xem có ảnh hưởng tới quyền lợi bao cấp của mình không. Tự trói mình mãi trong chiếc áo cơ chế chật chội, ăn xổi ở thì, được ngày nào hay ngày ấy thì lấy đâu ra chất lượng, chứ đừng nói “sánh vai các cường quốc năm châu”, lọt vào tốp (top) này tốp nọ trên thế giới.

Mấy chục năm trở lại đây, nền đại học An Nam xuống dốc không phanh. Chỉ dựa dẫm nhau, chuộng hư danh, nhờ vả ngân sách để tồn tại. Nói đâu xa, cần giải tán ngay cái đơn vị có tên “Đại học quốc gia” bởi thực chất nó chỉ là hình nộm, đã không dọa được ai mà còn ăn bám trên sức lao động của người khác. Các trường tự chủ, tự tồn tại, đâu cần tới thứ tượng gỗ bóc lột ngồi chễm chệ lên đầu lên cổ mình. Cần quái gì kiểu mô hình trường trong trường, cũng như đang nảy nòi mô hình thành phố trong thành phố. Rườm, rởm đời.

Rất dễ hiểu tại sao không chỉ bộ học mà cả nhiều trường đại học công không ưa mô hình Trường đại học Tôn Đức Thắng và hiệu trưởng Lê Vinh Danh. Khen nó, vô hình trung lộ ra cái dở cái kém, vô tích sự của mình. Cứ để nó chết, nó phải chết, cho mình tiếp tục được sống ăn bám, sống hư danh, vô tích sự. Thời nay không phải vua Hùng thứ 18 nhưng Lang Liêu tự chủ chỉ có chỗ duy nhất đảo hoang sống kiếp lưu đày.

Nói tới tự chủ đại học, lại nhớ chuyện ông hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội. Bởi máy móc, đầu óc khô cứng, lẫn việc không có quyền tự chủ, hoặc không dám tự chủ, ổng bảo không thể nhận cậu Hiếu cõng bạn được bởi còn thiếu 0,25 điểm, mà quy chế tuyển sinh đã quy định vậy rồi. Tốt mấy cũng mặc, quy chế cứ phải thực hiện. Lạ là có những người nhân danh sự công bằng lại ủng hộ, tán đồng ông ta. Lão hàng xóm nhà tôi nói, thế mà đòi tự chủ, tự chủ chó gì thứ tượng đất ấy.

Xúm nhau lại diệt được điển hình tự chủ đúng nghĩa, trường Tôn Đức Thắng và hiệu trưởng Lê Vinh Danh, con thuyền đại học An Nam đang bị đám nắm quyền lực đánh đắm trong vũng bùn nhớp nhúa.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: