Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Thành ngữ ‘Mặt nghệt như mất sổ gạo’

Chưa cần liếc gì thêm, chỉ đọc mấy chữ đó, nhiều người nghĩ ngay tới thời bao cấp, ngẫm lại đến giờ đầu óc còn khiếp; nhớ mở rộng chút nữa là thời tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, tiến mãi không tới nơi; thu hẹp một chút thì là cuộc sống kinh tế và xã hội miền Nam sau biến cố “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” năm Ất Mão, 1975 tháng 4.

Các cụ xưa thường dạy “ôn cố tri tân”, nghĩa là nhắc lại, xem lại (ôn) cái cũ để biết (tri) cái mới. Thú thực, có những thứ cũ, quên đi càng tốt, quên nhanh, quên được bao nhiêu hay bấy nhiêu, bởi mỗi lần gợi nhớ, mỗi lần ôn lại chỉ tổ rùng mình. Không ít lần, tôi tự hỏi tại sao bản thân và nhiều người như mình, thế hệ mình lại sống được trong cái vũng lầy lịch sử ấy, mà không bị chết bởi đói, bởi khốn cùng, bế tắc, tuyệt vọng, liều mình như biết bao người. Nếu chiến tranh bom đạn chết chóc từng giây xô đẩy người ta vào cùng đường đã đi một nhẽ, đằng này ngay cả khi hòa bình, cuộc sống tự do, đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh… nó vẫn vênh váo ngự trị. Nó được gọi bằng cái tên “thời bao cấp”, trong chứa đựng đủ cả nghèo đói, bất công, khốn khổ, lầm than. Và cha đẻ của nó, không phải ai khác, chính là người cộng sản, bên thắng cuộc.

Giờ có nhỡ buột mồm kể về thời bao cấp, nhiều đứa thế hệ 9X trở về sau trố lòi con mắt không tin. Chúng sẽ càu nhàu, gớm, ông nói thế nào, làm quái gì có chuyện đói, thèm ăn, cơm độn, bột mì sâu, ninh hạt bo bo mấy tiếng đồng hồ tranh ăn phần của lợn, tem lương thực tiêu chuẩn chia tới tận 50 gam, xếp hàng mua gạo dài vài chục mét, mất sổ gạo khóc như cha chết mẹ chết, v.v.. Chúng không tin, cũng phải, bởi nửa thế kỷ đã trôi, nhưng điều chúng được nghe không có nghĩa chuyện hư cấu. Tất cả đều sự thực, chính tôi là người trong cuộc, đã trải qua, bản thân nhiều năm từng không có bất cứ ham muốn gì ngoài muốn được… ăn no. Kể lại ký ức buồn không nhằm mục đích “tri tân” mà chỉ góp phần lưu giữ một mảng lịch sử kẻo sau này nó bị lãng quên.

Thời bao cấp, cái tên nghe cứ nhẹ tênh, nhưng đó là một trong những chặng đường, giai đoạn đen tối của lịch sử hiện đại xứ này. Tuy nó chưa “đạt” tới độ tàn ác, bất nhân, đẫm máu như cải cách ruộng đất nhưng lại kinh khủng hơn ở thời gian kéo dài, vùng phủ sóng rộng, tác động tới nhiều đối tượng, xô đẩy hàng chục triệu người vào cảnh nghèo đói khốn khổ, và đặc biệt bị lặp đi lặp lại ở miền Bắc và sau đó ở miền Nam mà không hề được rút kinh nghiệm, sửa chữa. Nó chỉ chấm dứt khi cuộc sống dân chúng bị đẩy tới chân tường bế tắc, dồn vào đường cùng, họ có thể uất ức vùng lên cởi bỏ trói buộc bất cứ lúc nào. Người ta, những nhà cai trị, nhận ra điều nguy hiểm sinh tử ấy nên vội vàng thay đổi chính sách được áp đặt đã quá lâu, và gọi đó là đổi mới. Thực chất “đổi mới” để cứu chính chế độ cai trị, cứu tầng lớp cầm quyền chứ không phải hướng tới dân chúng, vì dân chúng, như người cộng sản tuyên truyền lâu nay.

Một trong những dã man, tệ hại nhất về bao cấp là chính sách bao cấp lương thực. Nếu nó chỉ bị áp dụng ở miền Bắc triền miên thiếu đói những năm chiến tranh đã đi một nhẽ, đằng này còn bị thi hành ráo riết ngay cả sau khi người cộng sản đã chiếm được miền Nam, chiếm được vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, kho gạo của cả nước, thậm chí của thế giới. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Ảnh tư liệu internet

2 nhận xét:

  1. Miền nam sau “giải phóng” mới bắt đầu biết ăn độn. Khoai lang hà, sắn chạy chỉ xanh, chỉ vàng. Gạo lẫn sạn cát, bông cỏ. Miền nam có bài hát cải biên “Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá! Từ giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài. Từ giải phóng vô đây, ta ăn độn triền miên! Thật khốn nạn! “Giải phóng!”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thế tại sao từ khi giải phóng đến nay phát triển mạnh thế

      Xóa