Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Lời tựa, tựa đề, nhan đề

Cần nói ngay, góp ý này không chỉ dành cho các nhà báo mà với rất nhiều “nhà”, trong đó có cả những người được xếp vào diện có học, kiến thức cao, thầy cô giáo, sinh viên, thậm chí cả quan chức văn hóa.

Sẽ có ai đó bảo ông tự cho mình là gì mà dám đụng vào những đấng bậc, thứ hạng cao như vậy. Đành phải thú thực rằng tôi chả là gì sất, chỉ thường dân như biết bao người quanh ta, tuy nhiên thấy cái sai thì góp ý, còn đối tượng có tiếp nhận được hay không lại là chuyện khác.

Đọc trên báo, nghe trên tivi, đôi lúc nghe trò chuyện đâu đó, thấy người ta gọi tên cuốn sách, bộ phim, vở kịch, hoặc một tác phẩm văn học bằng từ “tựa đề”. Ví dụ: tựa đề “Số đỏ”, tựa đề “Áo lụa Hà Đông”, tựa đề “Đường Sơn đại huynh”…

Biết đâu có người lý sự rằng ngôn ngữ luôn vận động, phát triển, biến đổi qua thời gian, nơi này gọi thế này, nơi kia gọi thế khác, ngoài bắc khác, trong nam khác, bắt bẻ nhau làm gì. Nếu nói thế thì tôi xin chịu bởi biết cãi cũng không lại... bê tông. Tôi chỉ góp ý với những “nhà” chuyên sử dụng tiếng Việt thôi.

Trong vốn từ Hán Việt mà ta đang dùng có từ “đề”. Đề tức là nêu lên, đưa ra, đưa lên (cho người ta thấy). Đề mục là cái mục, cái phần tóm tắt được nêu lên theo hệ thống cho người đọc dễ nắm bắt; đề tài là đối tượng, vấn đề, tài liệu (tài) được nêu lên để nghiên cứu; đề từ là câu được nêu lên ở đầu tác phẩm hay một chương, ví dụ bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận có lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”; đề cử là đưa lên (đề) và tiến dẫn, giới thiệu (cử) một ai đó vào chức vụ, công việc.

“Tựa”, theo hầu hết từ điển tiếng Việt hoặc Hán Việt, có nghĩa là bài viết ở đầu sách để trình bày những điều cần thiết, chủ yếu của cuốn sách đó. Bài viết ấy gọi là bài tựa, lời tựa, tựa đề. Thường người viết bài tựa là người có uy tín chuyên môn, học rộng hiểu sâu, chí ít thì cũng rất hiểu tác phẩm, hoặc thân với tác giả. Bài tựa, tựa đề góp phần nâng cao giá trị của cuốn sách. Cuốn “Liêu trai chí dị” bản dịch của cụ Tản Đà đã hay, lại có thêm lời tựa của nhà văn Chu Văn hay chả kém, nên ai cũng thích. Cuốn “Sử ký Tư Mã Thiên” chính tác giả Tư Mã Thiên viết lời tựa “Thái sử công nói: Cha tôi dạy rằng…”, lại có thêm bài giới thiệu tuyệt vời của dịch giả, GS Phan Ngọc, đỉnh cao của lời tựa. Trong nhiều cuốn sách, ngoài lời tựa - tựa đề, còn có Lời giới thiệu, Lời nhà xuất bản, Lời nói đầu…, cũng ít nhiều là dạng lời tựa.

Vậy thì “tựa đề” không phải là tên gọi cuốn sách như nhiều người nhầm tưởng. Trong tiếng Việt ta, tên cuốn sách được gọi bằng “nhan đề”. “Nhan”nghĩa là cái mặt, dáng mặt, vẻ mặt, dung nhan. Thơ cổ có câu “Khuê trung thiếu nữ nhan như ngọc” (cô gái trẻ trong phòng khuê mặt đẹp như ngọc). Hồng nhan là má hồng, mặt hồng, để chỉ người con gái đẹp. Truyện Kiều có câu “Đã cho lấy chữ hồng nhan/Làm cho cho hại cho tàn cho cân”, con gái đẹp ngày xưa trời cho đẹp nhưng thường bắt gánh chịu số phận bi kịch. Ở con người, nhất là con gái, nhan là phần bộc lộ ra ngoài dễ thấy nhất, dễ được để ý nhất.

Nhan đề là để chỉ cái tên gọi của tác phẩm. Nó ví như bộ mặt, mặt mày, dung nhan, được nhìn thấy đầu tiên của tác phẩm ấy, cũng như người vậy. Trong tiếng Anh, tên của tác phẩm hoặc bài báo được gọi là title (tiếng Việt đọc là tít). Nhan đề, tít được in trên bìa sách, gáy sách và trang đầu sách, chữ khổ lớn dễ thấy. Ví dụ nhan đề bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Lev Tolstoi là “Chiến tranh và hòa bình”, nhan đề truyện vừa của Nam Cao là “Sống mòn”, nhan đề cuốn sách về cải cách ruộng đất đang rất nổi tiếng của chị Phan Thúy Hà là “Gia đình”, nhan đề cuốn sách tư liệu có một không hai của nhà báo Huy Đức là “Bên thắng cuộc”. Đó là tít, là nhan đề, chứ không phải tựa đề. Nếu không thích dùng từ nhan đề thì cứ nói thẳng ra là tên gọi cuốn sách, tên gọi tác phẩm.

Rõ ràng như vậy mà nhiều người vẫn lầm, cứ gọi nọ xọ kia, thế mới lạ. Tôi chỉ mong các nhà báo, những người chuyên dùng chữ nghĩa ảnh hưởng rất nhiều tới bạn đọc, lắng nghe những góp ý này.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Thư trung hữu nữ nhan như ngọc - 书中自有颜如玉 Ý nghĩa - Trong sách có người con gái dung nhan đẹp như ngọc - Nhằm khuyến khích việc học của người xưa, đặc biệt là việc “dùi mài kinh sử”. Vì rằng, có học đi thi đổ đạt làm quan, thì mới mau chóng được giàu sang phú quý, kẻ hầu người hạ, xe đưa ngựa đón… và.

    Trả lờiXóa
  2. có rất nhiều người dùng từ "tựa đề" để nói tên cuốn sách,... là không đúng

    Trả lờiXóa