Muốn bổ sung những hiểu biết về cụ Hồ, không cần phải quanh năm suốt tháng miệt mài tìm tòi, chỉ cần đọc báo coi tivi vào 2 dịp chính, ngày 19.5 và ngày 2.9 thì vô thiên khênh. Đủ cả thực hư, chuyện người thật việc thật cũng như truyền thuyết. Tôi có ông bạn, cứ tới ngày cụ sinh cụ mất hằng năm cũng kiếm được mớ nhuận bút khá khá. Ngoài những dịp “lễ trọng” ấy, nhà cai trị còn tổ chức thường xuyên công cuộc “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, yêu cầu tất cả mọi người, nhất là cán bộ đảng viên phải thấm nhuần. Đó cũng là thứ tiêu chuẩn quan trọng để phân loại, đánh giá phẩm chất con người trong bộ máy cai trị.
Đã đặt ra thì phải thực hiện. Càng người “trên” càng phải gương mẫu thực hiện. Không thể cứ nói một đằng làm một nẻo. Không thể để cho người “dưới” xì xào “tại trên ngồi chẳng chính ngôi/để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”. Đừng lâu lâu ban kiểm tra trung ương lại kết luận tổ chức này cá nhân nọ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín…
Bản thân tôi học cụ Hồ từ khi cụ còn sống, chứng kiến thiên hạ học cụ như thế nào. Thôi thì tạm gác lại những điều cao xa, chẳng hạn lý tưởng, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc (học những thứ ấy của cụ phải học cả đời, khó học, không thể một sớm một chiều có kết quả), hãy học cụ ở những việc giản dị gần gũi dễ làm nhất, liên quan tới lối sống, phẩm chất, đạo đức, phong cách, thái độ. Học từng điều, qua từng việc, qua chính sự tuyên truyền của nhà nước.
Ai cũng biết, sau khi được bầu làm chủ tịch nước, cụ Hồ về sống và làm việc ở Phủ chủ tịch. Đó là tòa nhà to đẹp nhất xứ Đông Dương, nơi ở và làm việc của toàn quyền Đông Dương. Cụ đã quyết dọn xuống căn nhà khi xưa Pháp xây dành cho người thợ điện, ở đó suốt bao năm ròng, không màng tòa dinh, lâu đài hoành tráng kia. Vậy tôi xin hỏi, các ông bà, từ tổng bí thư, chủ tịch nước giở xuống, các vị đã ai dám từ chối đặc quyền nhà cửa đương nhiên được hưởng như cụ Hồ chưa? Hay cứ phải cả chỗ ở lẫn nơi làm việc càng hoành tráng uy nghi càng thích.
Người ta kể chiếc xe ô tô Pobeda cụ Hồ đi, đi mãi tới khi già nua xọc xạch. Tổ chức, cụ thể và văn phòng, ban quản trị trung ương nhiều lần đòi thay, cụ bảo còn chạy được thì cần gì phải thay. Chú nào đi xe Volga, Moskovic cứ kệ chú ấy, bác không thay. Cụ đã muốn thì có mà trời đổi. Vậy tôi xin hỏi, các ông bà, có ai học gương cụ, dám “chê” xe sang chưa, hay cứ phải cưỡi ngự trên chiếc cả nghìn con trâu mới hả lòng, thậm chí còn đòi xe chống đạn, siêu xe.
Cũng theo lời kể của chính bộ máy tuyên truyền (chứ ai vào tận nơi cụ mà tỏ được), cụ Hồ ăn uống rất giản dị, những món ăn bình dân, thậm chí đi kinh lý đâu cũng chỉ đem theo cơm nắm muối vừng. Vậy xin hỏi, các ông bà quan lớn đã ai dám chê cơm tiểu táo, xua tay với sơn hào hải vị như cụ Hồ?
Đi công tác bất cứ địa phương nào, thăm cơ quan xí nghiệp, trận địa, thăm hỏi nhà dân…, cụ Hồ đều lặng lẽ, không mấy khi báo trước, không băng rôn cờ quạt, không trống giong cờ mở, không đàn lũ đệ tử theo hầu, không bệ vệ trịnh trọng lễ đài này nọ, thậm chí còn đi lối tắt, cửa sau để đỡ làm phiền cấp dưới. Xin hỏi, ai, ai, những ai trong các vị đã học được cụ điều này, chứ riêng tôi thấy không ai cả, kể cả ông tổng bí thư.
Cụ Hồ sinh hoạt đời thường rất giản dị, tấm áo manh quần đều cũ kỹ, mặc tới khi sờn, đôi dép đôi giày cũng đi tới vẹt gót, đồ đạc cá nhân chả sắm sửa bao nhiêu. Vậy xin hỏi, các ông bà học được gì ở cụ điều này, hay là miệng kêu gào học cụ nhưng quần áo dài phải vài trăm bộ, chiếc ghế ngồi họp cũng phải cao hơn những ghế khác trong phòng?
Trước khi mất, cụ Hồ dặn dò thật kỹ các bề tôi đừng “tổ chức thờ cúng điếu phúng linh đình làm lãng phí tiền bạc của nhân dân”, cứ hỏa thiêu, tro đem rải khắp 3 miền, đừng lăng mộ gì sất để tốn kém tốn đất. Bề tôi chẳng những không làm theo lời “cha già” mà còn ngược lại, sau đó lại còn vẽ ra chuẩn quốc tang cho chính mình rất linh đình tốn kém, chiếm dụng đất đai làm lăng xây mộ, thậm chí tới mấy chục nghìn mét vuông, còn hơn vua chúa thời xưa. Xin hỏi, trong các ông bà có ai dám học cụ Hồ sự này, hay thích theo tấm gương Trần Đại Quang, Đỗ Mười hơn?
Lại nữa, cụ Hồ ngày xưa đi trồng cây, “mùa xuân là tết trồng cây/làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, trồng cây nhỏ cây con để thêm màu xanh đất nước. Còn các ông bà bây giờ, học được gì ở cụ, hay ai cũng ưỡn ẹo quần là áo lượt, giày tây bóng lộn, cầm chiếc xẻng tua xanh tua đỏ hất hất vài cục đất vào gốc cổ thụ bứng từ nơi khác về. Trồng vậy khác gì phá rừng hại cây. Đã thế lại còn biển đá đề tên hòng lưu danh muôn thuở. Học cái gì?
Đừng có ai giải thích với dân rằng thời cụ Hồ còn thiếu thốn, không vật chất đầy đủ như thời nay nên so sánh là khập khiễng. Xin thưa, ở địa vị cụ Hồ, muốn gì cũng có, ăn gan rồng cũng được. Khác nhau là ở cái tâm cái đức, bản chất con người.
Chuyện về gương cụ Hồ nhiều lắm, không phải do tôi bịa ra mà do chính bộ máy tuyên truyền của nhà nước xây dựng. Chỉ là dân nhãi nhưng trong đời mình, qua sách vở và rỉ tai, tôi học được ở idol Hồ nhiều điều, sống tốt tới giờ. Nay thấy đảng, nhà nước, hệ thống chính trị kêu gọi học cụ Hồ, bữa ni đúng giỗ dương cụ, tôi chỉ xin hỏi lại, những điều tốt của cụ nêu ở trên, có ông bà nào học được. Nếu tự tin cho rằng mình như thế, hãy mạnh dạn giơ tay lên cái coi.
Nguyễn Thông
Nay thấy đảng, nhà nước, hệ thống chính trị kêu gọi học cụ Hồ, bữa ni đúng giỗ dương cụ, tôi chỉ xin hỏi lại, những điều tốt của cụ nêu ở trên, có ông bà nào học được. Nếu tự tin cho rằng mình như thế, hãy mạnh dạn giơ tay lên cái coi.
Trả lờiXóachan thuc, qua dung
Trả lờiXóa