Chính phủ nhiều việc, lo đủ điều lớn nhỏ, tôi chả trách gì, nhưng cứ phải nói thẳng, từ khi lockdown tới nay không hề thấy nhà chức việc héo lánh hỏi thăm, giúp đỡ, ban phát như thấy trên tivi. Vắng bặt, cả khu vực bình dân trong đó có nhà tôi, chứ không phải riêng hộ nào bị quên. Nếu có tí ti chút hệ thống chính trị xen vào, thì chỉ là bà tổ trưởng lâu lâu lại đến dúi cho mấy cái phiếu kèm lời thông báo miệng chút nữa ra công viên tét (test) nhá. Đứa cháu nhà hàng xóm hỏi tét là gì hở bác, tôi bảo đi ngoáy mũi để bắt con cô vít, giống như hôm trước tao bắt con sâu lông trên cây vối ấy. Nó chết khiếp, xua tay cháu không tét, cháu không tét.
Không thấy hệ thống chính trị nhưng lại quá nhiều tình làng nghĩa xóm. Phía đối diện dãy nhà chúng tôi có mấy người tử vong do cô vít nên cả tháng trời mọi nhà đóng cửa chính, chỉ đi lại, giao dịch, liên lạc với thế giới bên ngoài qua cửa sau trổ ra công viên. Mọi nhà đều vậy. Đứa cháu sợ sâu cây vối vài ba ngày lại xé rào phá vây ra chỗ mấy nhà đường số 9 để mua rau củ thịt thà, trước khi đi ghé từng nhà hỏi ông bà ơi, bác ơi, cô chú ơi, anh chị ơi có mua gì không, cháu em mua giùm. Cứ tự nguyện thật vui vẻ, như làm cho chính mình chứ không phải làm hộ, lại càng không màng công xá. Mua xong ì ạch chở hàng về, rồi đóng vai thương nghiệp, phân phối tới từng nhà, còn dặn dò cháu em để tạm đây, ông bà cô bác xịt xong thì đem vào, ra lấy rau cũng nhớ đeo khẩu trang cho cẩn thận nhé...
Lại rất nhiều hôm, sáng mở cửa đã thấy, hôm thì mớ cải, hôm bó rau càng cua, bữa quả bí, bữa túi cà chua, có khi chỉ vài quả chanh, quả ớt... cũng chả biết của ai để sẵn đó, cho mỗi nhà, của ít lòng nhiều. Lần mò "điều tra" hóa ra nhà thì có rau củ dưới quê gửi lên, nhà thì thằng con chạy xe có giấy thông hành hợp pháp luật lệ lúc dịch nên ghé mua được thực phẩm chỗ này chỗ nọ, biếu mỗi nhà chút ít ăn cho thơm thảo, ráng cùng nhau vượt cơn hoạn nạn.
Cứ thế, tình người đùm bọc yêu thương làm ấm lòng nhau, truyền cho nhau sức khỏe và niềm hy vọng vượt qua cái chết, không cần phải lên báo đài tivi, không cần ai ca ngợi.
Nhớ hồi nhạc sĩ Phan Vân còn sống, tôi tới thăm ông, viết bài về ông, ông ôm cây măng đô lin cũ kỹ vừa đàn vừa hát "cùng chia sớt khi cùng đói lòng, từng miếng khô từng vắt cơm/khi gần bên nhau, ta vui sống trong tình thương mến/thêm nặng tình đồng chí tử sanh không rời". Ông hát về những người lính vệ quốc buổi đầu chống Pháp, còn giờ đây tôi lại cứ nghĩ cả nói về những người bình dân cao quý quanh mình.
Hỡi các nhà văn nghệ, nhà nghiên cứu xã hội học, những nhà có bằng chính trị cao cấp, đó mới chính là điều đáng ghi nhận, đáng nói nhất, thậm chí vĩ đại nhất trong cơn lịch sử gió bụi này.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét