Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

Đêm Giáng sinh

Nhà cháu là đứa vô đạo, lại thiếu đức tin, lại được học tập và trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa nên kết quả là hư hỏng nặng, lếu láo khó dạy. Hồi còn bé tí đã biết ra chùa vặt trộm nhãn, có hôm còn lấy cả oản đang cúng trên tam bảo, đem về bị bu mắng cho phải lén mang trả. May mà sư cụ không thấy, mà có khi biết cũng lờ đi. Người tu hành nhìn chung cao thượng, không chấp nhặt những ô trọc của đời. Cứ giả dụ bữa đó sư cụ túm cổ thằng giặc, dắt ra gọi ngõ thầy nó kể tội đạo chích khi phật chưa ban lộc thì đời mình toi, ít nhất là trong lý lịch cá nhân có dòng ghi ngày ấy tháng ấy vạch bờ chùa vào trộm cắp, dù chỉ là thó oản, do đói. Tiền án tiền sự rành rành, chối đằng giời, có khi chỉ học hết lớp 4 rồi bị đuổi học, cấp 2 cũng quyết đóng cửa không nhận, chứ nói chi đại học.

May mà đã trả oản, ngoan ngoãn nghe lời bu nên từ đó dần biết làm người. May mà gặp vị trụ trì một bậc chân tu, tình thương người rộng như đầm làng, không những xóa cho án tích mà còn thỉnh thoảng vào chơi với thày mình, khen thằng bé hiền lành, thật thà (ý nói nó đã đem trả oản). Cụ sư ấy là hòa thượng Thích Quảng Mẫn, một nhà sư danh tiếng lẫy lững ở miền Bắc. Cụ là bạn thân của cụ hòa thượng Thích Phổ Tuệ, người vừa mất hồi tháng 10 tây. Cụ Tuệ cũng từng có thời gian ngắn tu ở chùa Trà Phương làng mình, rồi lúc sư Mẫn thay thế về trụ trì thì sư Tuệ sang chùa Kim Đới cách đó vài cây số đường vòng.

Kể lể vậy để thấy rằng mình rất có cơ hội theo con đường chính quả, tu hành, nhất là có dịp gần những đấng bậc, nhưng "quen mất nết đi rồi", giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, nên cứ vô thần, khủng hoảng đức tin toàn tập. Tới giờ, tỉnh ngộ, muốn rời xa cõi mê để về bến giác nhưng đã quá đát, không thể gia hạn như vắc xin được.

Chùa và sư thì không lạ, nhưng nhà thờ và linh mục, đức cha, phải nói thật, tới khi học hết cấp 3, kiến thức về mảng này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Có biết tí ti về đạo Gia Tô thì tinh dững điều sai hỏng. Chả hạn lúc bé không biết học ai mà đôi lúc lại toe toe câu "Đức Chúa Giê Su, ở trong hang đá, thò cu ra ngoài" (xin lỗi anh chị nào có đạo, nhà em cứ thật thà kể vậy, tuổi ấu thơ khờ dại), nhớn tí nữa, đọc truyện Bão Biển của Chu Văn, Xung Đột của Nguyễn Khải... chỉ thấy nói xấu nhà thờ và các đức cha.
 
Bà chị ruột mình, chị cả, lấy chồng ở huyện An Lão láng giềng, vùng có đạo. Năm 1954 - 1955 cả giáo xứ Kim Côn (huyện An Lão, HP) theo chúa vào Nam. Nhà anh rể mình không thờ đức Chúa nên bơ vơ ở lại, cả làng chỉ còn lèo tèo mấy gia đình. Điều đáng buồn thứ nhất là ông cụ thân sinh anh rể mình bị đội cải cách quy thành địa chủ lôi ra bắn, tới khi sửa sai thì đã ôm mối oan khuất dưới mồ. Giá như theo xứ đạo đi với Chúa sẽ không gặp phải cái nạn thân vong ấy. Điều đáng buồn thứ nhì là một làng đạo có tới 2 ngôi nhà thờ, một ngôi to cỡ nhà thờ lớn Hà Nội, một ngôi nhỏ hơn chút, đều được chính quyền cách mạng ưu tiên… phá sạch. Không còn người đến hành lễ thì để làm gì. Họ bảo vậy. Đó là chưa nói tài sản này của bọn phản động trốn vào Nam. Phá lấy gạch đá gỗ ngói xây nhà ủy ban, xây trại chăn nuôi, chuồng lợn HTX. 

Nhớ năm 1971 mình và đứa em gái, tí Ngọt, đi bộ 13 cây số lên thăm anh chị. Cơm chiều xong kéo nhau ra chứng kiến thành quả vĩ đại của cách mạng. Cả một bãi đổ nát hoang vắng rờn rợn trong nắng nhạt chiều tà. Vẫn còn hình hài nền cũ nhà thờ, có nhẽ ngày xưa Chúa chỉ đạo xây nhà Chúa chắc quá, khó phá, cũng có thể một đại thánh đường đã cung cấp quá nhiều gỗ gạch nên người ta không thèm phá tiếp nữa. Nhà cháu đếm bước chân, ước tính bề ngang phải 17 - 18 mét, dài khoảng dăm chục mét, mường tượng ra ngôi thánh đường ngày nào lớn vô cùng. Trong đống đổ nát vôi vữa lẫn cùng cỏ dại ngay bậc thềm, ai đó đặt cây thập ác bằng 2 thanh gỗ buộc vào nhau. Cả cây nến nhỏ chưa cháy hết. Quả thật giữa cảnh “nền cũ nhà thờ bóng tịch dương” lòng buồn khôn tả. Lại nghĩ khi chưa xảy ra đại nạn, chắc những cuộc lễ, tuần thánh, mùa Giáng sinh, tiếng chuông nhà thờ, con chiên chăm chú nghe những lời cha giảng đạo ở nơi đây vui biết chừng nào. Tất cả đã biến mất, chỉ còn đống đổ nát hoang vu. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét