Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 2)

Nói tới Liên Xô, có nhẽ ký ức xa nhất về nó là mấy tấm ảnh chân dung lãnh tụ trên bức tường đất nhà tôi. Nghe chị cả tôi kể, thày bu tôi hồi thập niên 40 tần tảo chịu khó, tiết kiệm, mua được mấy sào đất ven đường, làm căn nhà 3 gian, tường trình đất, mái rạ, cửa nẻo sơ sài. Gian giữa đặt bàn thờ tam sơn nhỏ, bát hương và đồ thờ cúng, nhưng trên tường lại dán 3 tấm ảnh to cỡ cuốn vở học trò. Khi tôi bắt đầu đi học lớp vỡ thình (tức lớp vỡ lòng, như lớp 1 bây giờ, ông Huy anh họ tôi đùa gọi là vỡ thình, giống như con chim non được chim bố mẹ chăm sóc, bao giờ vỡ cái bọng cứt (thình) thì mới mọc lông rồi tập bay, trẻ con muốn vào đời thì việc đầu tiên phải vỡ thình) năm 1961 đã thấy mấy ảnh ấy. Giữa là ảnh cụ Hồ, thì biết. Trẻ con mới nứt mắt đã biết bác Hồ, huống chi mình sinh viên hệ vỡ thình. Còn hai ông hai bên thì chịu. Hỏi thày, hỏi anh Uy, được giải thích ông bên trái trán cao là Mao Trạch Đông, ông bên phải mũi lõ là Bunganin. Ông Trung Quốc trái, ông Liên Xô phải, anh hai, anh cả của Việt Nam. Bunganin khi ấy giữ chức chủ tịch hội đồng bộ trưởng, như thủ tướng Phạm Văn Đồng bên ta. Chả hiểu sao cán bộ xã lại không phát cho nhà tôi ảnh Lênin hoặc Stalin mà lại là Bunganin. Ông tây Liên Xô này là đàn em Khrutsov (Khơ rút sốp), điếu đóm được vài năm thì bị Khơ đuổi. Khơ tại vị vài năm lại bị các đàn em đá đít. Đám trùm cộng sản Liên Xô là vậy, hại nhau giết nhau như ngóe, những tuyên truyền về sự đoàn kết của “anh cả” chỉ là nói phét. Hôm vừa rồi, mấy anh em trong nhà ngồi trò chuyện, ôn chuyện cũ, tôi kể nhà mình treo 3 ông đó, cứ nghĩ chỉ mình biết, nào ngờ cô em út sinh năm 1959 bảo em cũng thấy, mãi tới khi nhà mình vào hợp tác xã (1964) vẫn còn các kễnh ngự trên tường.

Chỗ này cũng nói thêm. Khi đã biết đọc, tôi còn thấy cái khẩu hiệu viết bằng nước vôi đã bị xóa còn lờ mờ trên tường “Cần lao, gia đình, tổ quốc”. Hỏi thày, thày giải thích đó là hồi Pháp chiếm đóng, họ bắt phải kẻ lên. Khi cộng sản thắng, cách mạng bắt xóa đi, treo mấy ảnh lãnh tụ phe xã hội chủ nghĩa thay vào đó. Dân cứ bị quay như chong chóng, hết thờ ông này lại thờ ông nọ.

Lại nhớ hồi thập niên 80 khi đọc báo Nhân Dân có chuyện đảo chính bên Thái Lan, tôi buột mồm cái xứ gì đâu cứ vài ba bữa lại đảo chính, hệt như chính quyền Sài Gòn trước năm 75, chỉ cộng sản là không đảo chính bao giờ bởi họ giữ gìn sự đoàn kết như con ngươi của mắt mình. Nghe vậy, ông Uy anh tôi từng học ở Kishinov (Mondavia, Liên Xô) về, cười bảo bọn cộng sản còn đảo chính nhiều hơn đám đế quốc vạn lần, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, chỉ có điều chúng khôn gọi thành chỉnh đốn đảng, hoặc giấu biệt chuyện nội bộ. Báo Nhân Dân hồi chiến tranh còn đăng chuyện biếm để cười cợt thể chế Việt Nam cộng hòa và những nước theo Mỹ, hình như cụ Thợ Rèn viết. Đại loại, hai người trò chuyện, một ông hỏi ông kia, có biết tại sao hầu như ở tất cả các nước tư bản đế quốc đều xảy ra đảo chính nhưng riêng Mỹ không bao giờ. Ông kia giả nhời bởi ở nước Mỹ không có tòa đại sứ Mỹ.

Lại nhớ thòng thêm, có lần thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn bạn tôi dạy địa cùng trường dự bị đại học, nói các ông có biết tại sao Liên Xô gần như không bao giờ bị tai nạn hàng không, bị máy bay rơi không, chẳng phải máy bay của nó tốt đâu, Tu, An, IL thì làm sao đọ được Bô ing, E bớt, nó bị hoài, rớt đầy, nhưng chúng nó khôn, rơi là giấu biệt. Đỉnh cao nhân loại, thiên đường, thành trì của cách mạng thế giới, niềm mơ ước của phe xã hội chủ nghĩa thì làm sao có chuyện máy bay rơi.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét