Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Nghĩa trủng

A lô a lô

Nhà cháu vừa bị thế lực thù địch chặn đúng 1 tháng rưỡi không cho vào viết bất cứ thứ gì. Vừa rồi, cách nay vài phút, vào thử, thấy cửa mở, chả nhẽ bọn chuyên gác cổng ngủ quên, ngủ gật, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... nên nhà cháu tranh thủ đẩy vội bài ni vào, vấn đề chính là thử, xem có được không.

Nếu từ thời điểm này, các đồng chí ấy vẫn không nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tiếp tục ngủ quên, thì nhà cháu sẽ thường xuyên đưa bài lên, đang tồn đọng nhiều lắm rồi, nhất là thế sự những ngày qua nóng hơn lửa cháy.

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Nghĩa trủng


Đối với những người miền Bắc và miền Nam, “nghĩa trủng” là một từ khá xa lạ, ít dùng, nhưng với người miền Trung, nhất là vùng Quảng Nam - Đà Nẵng thì đây là từ quen thuộc. Chỉ có điều nó hay bị dùng sai, viết sai.

Trên rất nhiều báo, kể cả báo in và báo điện tử, trên cả mạng xã hội, ta thường đọc phải từ “nghĩa trũng”, hoặc “nghĩa chủng” khi người ta nói về những khu mộ đặc biệt ở Đà Nẵng hoặc Quảng Nam. Đà Nẵng có 2 nghĩa trủng nổi tiếng tại Hòa Vang, Phước Ninh. Vùng Nam Ô cũng có khu nghĩa trủng, ở tỉnh Quảng Nam cũng có, nhưng nhỏ hơn, không nổi tiếng bằng 2 nghĩa trủng kia.

Nói nôm na, đó là khu mộ tập thể, nơi chôn cất những nghĩa binh nghĩa sĩ đã bỏ mình vì nước, hy sinh trong thời kỳ đầu của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp khi Pháp sang xâm lược. Năm 1858, Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng, cắt nghĩa lý do tại sao những khu mộ tập thể, chôn chung, nghĩa trủng lại ở đất này chứ không phải nơi khác.

Chả riêng gì phóng viên, biên tập viên, ngay cả một số nhà nghiên cứu cũng cứ viết/nói “nghĩa trũng”, “nghĩa chủng”. Người dễ tính thì bảo, dào, trủng hay trũng hay chủng, cái nào chả được, miễn hiểu thì thôi; lại có nhà báo còn cắt nghĩa trũng tức là vùng đất thấp, vùng trũng, nghĩa trũng là khu đất thấp chôn người vì nghĩa, v.v..

Nhà cháu chả cãi với những người ấy, nhất là những nhà này nhà nọ, cãi nhau với họ khó lắm. Nhà cháu chỉ có ý nói với những ai chưa hiểu nghĩa đúng của từ này.

Nghĩa trủng là từ gốc Hán Việt, cái thứ ngôn ngữ mà các cụ xưa dùng. Nghĩa là gì, chắc ai cũng hiểu, nhà cháu không giải thích. Trủng là từ chỉ phần trên, ở phía trên, mô đất, khu đất cao, ngôi mộ, mồ mả. Trủng tể tức là viên quan (tể) cao nhất (trủng) trong triều đình. Tể tức là quan. Tể tướng là quan đứng đầu hàng quan. Truyện Kiều có câu “thiên quan trủng tể có bài treo trên” để chỉ gia thế Hoạn Thư (vợ Thúc Sinh). Đứng đầu thiên quan, vậy dòng dõi Hoạn Thư đâu phải dạng vừa, treo thứ ấy cũng như ngầm bảo “mày biết tao là ai không”, cô Kiều bị dập lên bờ xuống ruộng là phải rồi.

Vậy nghĩa trủng tức là khu đất cao, khu mộ cao chôn những người chết vì nghĩa. Nó hoàn toàn không phải là trũng (chỗ thấp) như nhiều người nghĩ.

Trủng, trũng, chủng, có lẽ do cách phát âm vùng miền, do nhầm lẫn dấu hỏi và dấu ngã (sự nhầm này khá phổ biến ở miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, vì thế mới có chuyện vui mấy anh bộ đội giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn sau ngày 30.4 đi trên phố ghé vào tiệm sửa xe Honda cứ nằng nặc đòi uống sữa Honda bởi thấy cái biển đề “Sữa Honda”). Nhưng nguyên nhân chính của cái sai trủng thành trũng/chủng là người viết, người nói (có rất nhiều nhà báo) không chịu tìm hiểu kỹ, cứ dùng bừa.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: