Kể lại chuyện cũ thì mạn phép xin lỗi, hơi tọc mạch tí, nhất là với chủ tịch Quận, để tỉ mỉ biên chắp lại chút ký ức đẹp. Khác với thày tôi chỉ làm nông, trồng trọt hoa màu, nuôi con lợn con gà, bố anh Quận ngoài “chức” nông dân còn làm thợ may, ông phó may nổi tiếng của làng Trà, của xã Thụy Hương. Khi xưa, những người thợ chuyện nghề nào đó được gọi là ông phó. Phó may, phó cối (đóng cối xay), phó cạo (cắt tóc), phó nháy (chụp ảnh), phó nề (xây), phó ngõa (lợp ngói)… Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Cũng như một thứ danh hiệu, một dạng tuyên dương sự khác biệt, tài giỏi, giống như bây giờ gọi là nghệ nhân.
Làng Trà thời những năm 60 - 70 có 3 ông phó may, phó Cảnh (anh họ tôi) và phó Phúng chuyên cắt may quần áo ta, quần đùi, áo cổ vuông, tất nhiên nhận cả vá víu chỗ rách, chần đầu gối, mông đít quần (những chỗ hay bị rách nhất). Thường công may cả bộ quần áo chỉ khoảng đồng rưỡi, hai đồng. Giỏi nhất là bác phó Tỉnh (bố anh Quận), nghe nói bác học nghề may từ mấy người Pháp thời Pháp còn chiếm đóng. Bác chuyên cắt may quần áo tây, quần tây, áo su mi (sơ mi) rất kiểu cách, chuẩn tây. May quần tây rất khó chứ không đuỗn đuột như quần ta, phải đủ cả hai túi hai bên (túi thẳng hoặc túi chéo), hai túi sau (có nắp hoặc không nắp), lại phải nắn nót chỗ moi quần với mấy cái cúc đóng khuyết (khi ấy chưa có dây kéo, fermeture) sao cho dễ cài dễ mở khi… bí. Cái gấu quần cũng phải chuẩn, đẹp, dễ coi. Ngay cả khi mấy thợ may trên phố huyện chỉ biết may gấu thường, dận máy vòng một đường chỉ là xong thì bác phó Tỉnh đã rất thạo lên gấu lơ vê (hình như tiếng Pháp là levé), kiểu gấu lật lên một phần nổi ra bên ngoài, mặc trông rất sang trọng, lịch sự, đẳng cấp. Khách may là đám thanh niên xã mới lớn sắp đi thoát ly cần có bộ cánh tươm tất một chút kéo tới nườm nượp, bác phó chả bao giờ hết việc. Vậy mà vẫn trồng rau dưa khoai tây cà chua vào hạng lão nông tri điền có đẳng cấp của làng. Công nhận thời xưa các cụ thật đa hệ, con cháu bây giờ theo được còn khướt.
Bác phó đông con, tên bác là từ mang nghĩa đơn vị hành chính nên những con trai con gái bác cũng vào mạch ấy, anh Phố, chị Phường, anh Hộ, anh Quận… Thày tôi có lần nói đùa với chú Tỉnh (chúng tôi gọi bác phó là chú), chú mà đặt hết được dòng tên ấy thì phải sinh vài chục đứa mới đủ, chú cười hiền lành. Hôm ấy hai bố con tôi lên nhà bà Xoa bên cạnh đó có việc, xong ghé vào thăm chú.
Các anh con bác phó lớn đến tuổi đều đi bộ đội, các chị thoát ly làm cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà nước, hình như chỉ có Quận và Lên ở lại gắn bó với quê nhà. Đạo đức và sự giỏi giang của người cha dường như đã truyền cho những người con khá đậm, nên sự thành đạt của chủ tịch Quận không phải là điều lạ.
Nhân chuyện những tên riêng người nhà chủ tịch Quận, sực nhớ có thời sau 1954 ở miền Bắc, chính quyền mới bỏ hầu hết những từ cũ chỉ đơn vị hành chính, chẳng hạn phủ, tổng, quận, phường, chỉ vì chúng gắn với thời thực dân phong kiến. Thay vào đó, người ta bắt chước cách gọi của Liên Xô, Trung Quốc, quận bị đổi thành khu, phường thành tiểu khu, nghe cứ như trại lính. Hải Phòng có 3 khu Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền. Hà Nội có 4 khu Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Năm 1972 tôi vào đại học, guồng xe đạp hơn trăm cây số từ Phòng lên thủ đô, lần mò hỏi đường về khu Hai Bà, lần tiếp về tiểu khu Triệu Việt Vương có nhà ông anh họ ở đó. Ông anh họ khác cùng với tôi dưới Phòng lên cười bảo cứ như đi tìm nhà trên đất Liên Xô. Sau năm 1975, chả biết nghĩ thế nào, có nhẽ thấy cách dùng từ giản dị, gần gũi, truyền thống ở các đô thị miền Nam quá hay, bên thắng cuộc lại bất ngờ lặng lẽ đổi nhất loạt từ bắc chí nam thành quận, phường. Đổi mới của đổi mới, ông Vy bạn tôi có mặt ở Sài Gòn từ đầu năm 1976 chua chát bảo đổi mới như cũ. Cách mạng luôn là cuộc luẩn quẩn kiểu vậy. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không phải luẩn quẩn đâu mà theo vòng tròn bước đều.
Trả lờiXóa