Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Lộn xộn địa danh (kỳ 3)

Trong các bài kỳ 1 và 2, tôi đã đề cập tới 2 cái tên “chỉ dẫn địa lý” rất lộn xộn là Vĩnh Mốc/Vịnh Mốc và Vụ Quang/Vũ Quang. Những cái tên đã đi vào lịch sử, đã hằn vào trí não bao thế hệ, vậy mà bất chợt lúc nào đó, bị ai đó (người có quyền, nhà báo, nhà văn) tùy tiện thay đổi, trong sự thờ ơ, bỏ mặc, vô trách nhiệm của nhà nước, chính quyền. Kiểu chuyển đổi ấy diễn ra ngày càng nhiều, như một xã hội vô chính phủ.

Không khó để tìm ra những địa danh, tên vùng tên đất đang đủ kiểu viết, rất lăng nhăng lộn xộn ở xứ này. Cần phải nói ngay rằng có những cái tên đã gắn bó, in sâu vào đầu nhiều thế hệ, từ đời này sang đời khác, có khi cả vài trăm năm, được các sử sách, văn bản hành chính, tác phẩm văn nghệ biên chép, ghi dấu. Nói đâu xa, đó là những con đèo vùng núi cao phía bắc như Ô Quy Hồ (Lào Cai), Mã Pí Lèng (Hà Giang), huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)… không chỉ trên các giấy tờ chỉ dẫn địa lý, bản đồ, mà trong những tác phẩm truyện, bút ký, ghi chép của những nhà văn lừng danh cẩn thận chỉn chu mực thước như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Thành Long, với những bài được đưa vào sách giáo khoa các cấp gắn với nhiều thế hệ học trò. Vậy nhưng, chả biết tự khi nào, trên báo chí, truyền thông (tivi, đài phát thanh), thậm chí cả trong văn bản nhà nước, cứ tùm lum cả lên, Ô Quý Hồ, Mã Pì Lèng, Mã Pi Lèng, Mù Căng Chải…

Rồi nữa, Buôn Ma Thuột bị biến thành tùm lum Buôn Mê Thuột, Ban Mê Thuột. Tệ hơn nữa, tên một tỉnh như Thừa Thiên-Huế bị viết đủ kiểu: Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên - Huế. Mà sao cứ phải lôi Huế vào, chỉ cần tên tỉnh Thừa Thiên chưa đủ hay sao, bởi TP.Huế chỉ là một phần của tỉnh Thừa Thiên, một thành phố trực thuộc tỉnh như rất nhiều thành phố khác, Hạ Long, Móng Cái thuộc Quảng Ninh chẳng hạn, chứ đâu phải thành phố trực thuộc trung ương mà cố ép vào.

Nhắc tới Móng Cái, lại nhớ vụ “địa đầu”. Địa tức là đất, đầu là phần ngoài cùng, trên cùng, xa nhất theo hướng/phía nào đó. Dải đất liền Việt Nam, nếu phần xa nhất phía nam, đương nhiên là mũi Cà Mau, còn phía bắc phải là Lũng Cú ở Hà Giang. Vậy mà suốt bao nhiêu năm, tới tận bây giờ, người ta, kể cả những ông bà lãnh đạo, cứ quen mồm “địa đầu Móng Cái”. Xin nhớ Móng Cái chỉ là phần đầu của bờ biển dài bắc nam chứ không phải địa đầu. Đừng tự nguyện cắt ngang bản đồ dâng cho Trung Quốc đất Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai như thế. Cũng tại một phần hồi xưa nhà nước này nhét vào đầu bọn học sinh bài “Học đi mà nhớ mãi” (cho tới giờ tôi vẫn thuộc không thiếu không sai một chữ), có câu “Quê hương ta một dải/Từ mũi Cà Mau/Đến địa đầu Móng Cái”. Ngay cả ông trùm tuyên truyền, nhà thơ Tố Hữu cũng gián tiếp xác nhận Móng Cái là “địa đầu” khi viết “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa” (bài Vui thế hôm nay). Một hệ thống tuyên truyền cẩu thả, sai lạc đã khiến cả dân tộc bị nhầm lẫn về chính đất nước mình.

Tiện đây, nhắc luôn vụ “quen mồm quen tay” khi cứ nói, viết “mũi Đại Lãnh là nơi đón bình minh đầu tiên của đất nước”, “đất nước ta hình chữ S”… Tôi chắp tay lạy mấy ông bà nhà báo, đừng vô tình với Hoàng Sa, Trường Sa, với chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền đất nước kiểu vậy.

Đừng coi địa danh, tên gọi vùng đất là chuyện nhỏ. Một đất nước, một xã hội có kỷ cương thì ngay cả chuyện nhỏ cũng phải xem là trọng. Phải như bậc quân tử khi xưa, cái chiếu trải lệch cũng dứt khoát không ngồi, đã đội chiếc mũ ra đường thì mũ phải ngay ngắn. Ai đời có cả hệ thống chính trị từ trên xuống dưới, đủ các bộ máy, tầng lớp, ban bệ cai quản mà cứ như đám quân hồi vô phèng. Tôi thấy lạ, chưa có ông bà đại biểu quốc hội nào quan tâm đến chuyện nhỏ mà không nhỏ này để đưa lên bàn nghị sự, lại chỉ chú tâm vào biển số xe đẹp xấu hoặc phụ nữ vú to có được lái xe hay không.

Rồi quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Biên giới, Bộ Tài nguyên - Môi trường…, những cơ quan được giao quyền quản lý đất đai, hành chính, đặt tên đất, chia tách hoặc gộp đơn vị hành chính, có cũng như không, chỉ như bụt đất, làm vì. Xin các vị hãy nhớ rằng hiện tại trong hệ thống luật pháp có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là điều 129 về địa danh, và nó vẫn còn hiệu lực. Căn cứ vào đó mà làm. Làm đi.

Nguyễn Thông

Ảnh: "Địa đầu Móng Cái", tôi chụp tháng 8.2022



1 nhận xét:

  1. Tại sao ta không nghĩ địa đầu của Tổ quốc là Tây Tạng ?

    Trả lờiXóa