Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Táo, hoa, và chúc tết (kỳ 3)

Thôi, không nhắc chuyện táo thực vật nữa, hồi bé bọn trẻ con thường lếu láo chơi chữ là táo dai (dái tao), để chút nữa bàn thêm về táo nhưng là táo hề, táo hài, táo Xuân Bắc trong cái gọi là Táo quân, còn có tên “Gặp gỡ cuối năm” trên tivi tàng hình. Giờ nói về hoa đã.

Nước ta dài, trải suốt từ bắc chí nam tính theo đường chim bay gần 2 nghìn cây số, từ Lũng Cú (Hà Giang) tới chót mũi Cà Mau. Dài nên nhiều vùng khí hậu. Khi tôi đang cửi trần gõ mổ cò bàn phím mấy chữ này trong cái nắng nóng 34 - 35 độ C thì ông bạn tôi, các em các cháu tôi đang co ro trong giá rét xuống gần 10 độ, áo bông áo len khăn quàng cổ mũ trùm tai sùm sụp. Năm xưa, cũng rét như thế, ông bạn nửa đêm gọi điện vào, bảo mày ơi, tao hỏi khí không phải, chính quyền trong ta có còn không. Tôi ớ ra. Hoảng hồn, hay là y gần trung ương, biết cơ sự gì đã xảy ra mà mình chưa được tỏ. Y cười khì khì, ấy là tao nói một nước hai chế độ, hai chế độ thời tiết đó. Về sau, tôi kể cho một bậc đàn anh người trong này chuyện ấy, ảnh bảo quá tiếc, mừng hụt.

Thời tiết khác nhau nên thực vật sinh trưởng cũng khác nhau. Cái lạnh miền Bắc hợp với hoa đào, thứ hoa xuân hoa tết điển hình của xứ bắc. Chả thế mà người ta, chẳng biết có bịa không, lưu truyền rằng sau khi đại phá được thành Thăng Long, Quang Trung Nguyễn Huệ sai người tâm phúc phi ngựa gấp về Phú Xuân kinh đô triều Tây Sơn (Huế bây giờ) báo tiệp bằng cách rất phong nhã, gửi cành đào cho vợ, hoàng hậu Ngọc Hân. Đào là hồn cốt tết xuân xứ bắc, là phần sâu đậm trong tình cảm người con gái xa quê, Nguyễn Huệ rất hiểu điều ấy khi nhớ tới vợ. Nếu chuyện này có thật, phải nói Quang Trung hơn hẳn đám đàn ông nước này, chứ nếu đánh nhau, rạch mặt ăn vạ, chuyên về lý luận… thì ối tay giỏi hơn vua nhiều.

Vẫn biết hoa tết xứ bắc không chỉ có đào, mà còn cúc, thược dược, thủy tiên, sau này được bổ sung những lay ơn, huệ tây, loa kèn (lys), hải đường, cẩm chướng, vi ô lét… muôn hồng nghìn tía, nhưng chốt lại vẫn là đào. Trong đời, tôi đã đôi lần dạo ngó chợ hoa Ngọc Hà - Hữu Tiệp ở Hà thành, chợ hoa Đằng Giang, Đằng Hải quê Phòng, hiểu rằng nếu vắng sắc đào, những đào phai, đào bích, đào hồng thì sẽ chẳng gì bù lấp được khoảng thiếu hụt trống vắng, sẽ không còn tết còn xuân nữa. Đi với đào luôn là hình ảnh người con gái (đàn ông đàn ang anh nào chả có), bâng khuâng “Khứ niên kim nhật thử môn trung/Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” (năm ngoái ngày này ta tới cổng, thấy mặt người-nàng và hoa đào cùng chiếu sắc hồng vào nhau - thơ Thôi Hộ). Chế Lan Viên năm 1973 cũng từng phấn khởi “cành đào năm chiến thắng/lấp lánh màu hoa tươi/mùa xuân xao xuyến đất/mùa xuân xao xuyến người”, qua những ngày chiến tranh binh lửa, sắc đào về như một hy vọng vào ngày mai và niềm an ủi.

Thày tôi hồi đầu thập niên 60, khi mới bị ép vào hợp tác, ruộng đất hợp tác “tịch thu” gần hết, nhà chỉ còn gần 2 sào vườn và cái ao, đời sống đi xuống rõ mồn một nhưng vẫn say sắc đào. Bu tôi hiểu nỗi lòng chồng nên dù đã định tất cả vườn phải trồng mía, trồng ổi (để có cái mà bán) vẫn chiều lão gia, chừa cho hẳn mảnh trước nhà trồng đào. Lúc đào thịnh, có tới 5 cây, anh tôi gọi theo kiểu Tàu là ngũ thụ, được thày chăm sóc rất tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi khi tết đến xuân về, cả vườn bừng lên sắc hồng đào phai, đẹp khó tả. Thày dặn cứ để tất ngoài vườn cho đẹp, đừng chặt đem vào nhà cành nào, nhà mình ngắm và để thiên hạ được ngắm. Thấy hoa đẹp, cả một vườn, nhiều người, có cán bộ ủy ban xã, vào xin, thật khó xử. Thày lấy nước vôi viết lên tường bao sân, chỗ sát vườn đào “đề nghị không hỏi xin cành đào”, giống như lời năn nỉ, để đỡ phải giải thích này nọ, không nỡ nặng lời. 

Nhưng hôm 28 tết, mấy chú bộ đội tên lửa ngoài trận địa Mả Đò vào, bảo ông ơi, cho chúng cháu một cành cắm xe chỉ huy nhé, thày dẫn ngay ra vườn, các chú cứ lấy, mấy cành cũng được. Chú chỉ huy rất ý tứ, cháu chỉ xin ông hai cành thôi, và chọn 2 cành nho nhỏ, nâng niu rước về như của quý. Thày bảo các con, với các chú bộ đội, máu các chú ấy còn chả tiếc, mình tiếc chi cành đào. Sao hồi ấy con người sống với nhau giản dị, chân thành và đẹp thế không biết. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. "Sao hồi ấy con người sống với nhau giản dị, chân thành và đẹp thế không biết"

    Bao giờ cho tới ngày xưa đây

    Trả lờiXóa