Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Giá trị và trị giá

Trình độ tiếng Việt của các nhà báo thời nay, không cần nói ra thiên hạ đều rõ. Mà chẳng riêng gì giới làm báo, rất nhiều loại “nhà” giỏi đông giỏi tây, thứ chi cũng rành, chỉ kém mỗn tiếng Việt.
 
Mở báo mậu dịch, nghe tivi, người đọc người nghe thường gặp cái sai về cách dùng 2 từ “giá trị” và “trị giá”.

Trước hết nói về từ “giá trị”. Nhà báo không phân biệt được “trị giá” và “giá trị” là 2 từ khác nhau, nghĩa khác nhau, dùng trong trường hợp khác nhau. Chẳng hạn họ viết “giá trị thiệt hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát lên tới hơn 1 triệu tỉ đồng”, mà nhẽ ra phải là “trị giá thiệt hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát lên tới hơn 1 triệu tỉ đồng”.

Theo từ điển tiếng Việt, “giá trị” là thứ (vô hình) làm cho vật chất có ích, có ý nghĩa, có tác dụng về mặt nào đó, chẳng hạn: giá trị dinh dưỡng, giá trị sử dụng, giá trị tuyên truyền/giáo dục, giá trị nghệ thuật; giá trị giải thưởng không lớn nhưng rất quan trọng; định trị giá tài sản chưa đúng so với giá trị của nó; bàn thắng rất có giá trị… Nhìn chung, từ giá trị không đi với những con số cụ thể.

“Trị giá” để chỉ vật chất được tính, quy thành tiền (vàng, bạc, gạo…) là bao nhiêu, có con số cụ thể, để người ta dễ hình dung. Ví dụ: trị giá tài sản nhà nước bị thất thoát trong vụ tham nhũng khoảng 1.000 tỉ đồng; trị giá căn nhà 900 triệu đồng; trị giá ngày công bằng 5 ký thóc, v.v.. Khi đã quy giá trị của vật chất thành tiền hoặc thứ gì đó một cách cụ thể thì phải dùng từ “trị giá”.

Hai từ này, chỉ đảo vị trí trước-sau là đã ra nghĩa khác nhau, nhưng đại đa số nhà báo dùng sai, không phân biệt được. Cứ bê nguyên xi lời lẽ của công an, mà công an đâu có rành tiếng Việt, chưa kể họ thích “sáng tạo” từ ngữ, chẳng hạn “phương tiện giao thông”, “đối tượng cướp giật”... Người viết sai, rồi người biên tập, người xuất bản cũng sai. Báo chí sai, rồi cả những cán bộ, người lãnh đạo cơ quan nhà nước vốn được coi là chữ nghĩa đầy mình nhưng cứ nói sai, viết sai, không hiểu được “giá trị” và “trị giá” dùng trong trường hợp nào. 

Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo báo chí thời nay kém giá trị, còn trị giá kiến thức của nhà báo bằng 0.

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Hai từ nầy thật ra không có gì khó hiểu mà sao mấy ông nhà báo THS /CN lại dùng sai.Thế mới biết giá trị của bằng cấp ngày nay và trị giá của mỗi bằng cấp chừng bao nhiêu?

    Trả lờiXóa
  2. Còn 1 từ nữa mà từ báo đài đến TV dùng sai là từ "cứu cánh". Nhìn chung họ đang dùng từ này với nghĩa là cứu 1 cái gì đó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các từ mà báo chí VN và sau đó người Vn chúng ta dùng sai thì nhiều lắm. Có điều khi chúng ta góp ý để xây dựng cho nhau thì bị hiểu là xuyên tạc và cứ thế càng lúc càng sai nhiều hơn. Thí dụ như họ nói" Hiện nay công ty đang cần rất nhiều lao động phổ thông", tại sao không dùng từ công nhân mà xem từ lao động như là người làm công.

      Xóa
  3. Đỗ Trung Quân có thẻ nhà báo đàng goàng, vì anh ta viết đúng chính tả . Viết đúng chính tả có thể là thứ duy nhất được bảo chứng bằng thẻ nhà báo

    Trả lờiXóa