Nói dại mồm, phỉ phui cái miệng, nếu Sài Gòn mà bị bão, chứ chưa phải siêu bão, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị hôm qua (7.9.2024, nhằm trúng ngày mùng 5.8 Giáp Thìn, theo quan niệm xưa, ngày 5 là ngày của trời) thì chỉ riêng đám bồn nước inox được đặt hớ hênh trên nóc nhà chứ chẳng chằng buộc gì ngoài mấy cái đường ống nhựa dẫn nước lên hoặc xuống, bão cuốn ném chúng xuống, chắc chẳng khác chi cả triệu quả bom nước quăng vào lên phố xá, con người, sẽ thấy kinh khủng thế nào. Có nhẽ những nhà quản lý nên lưu ý tới điều này, cũng như đã từng ra quy định về phòng cháy chữa cháy vậy.
Mấy hôm, từ khi bão Yagi còn lang thang ngoài biển, trên mạng đã nhắc nhiều về những cơn bão năm Giáp Thìn 1904, 1964 và nay 2024. Cách nhau đúng lục thập hoa giáp (tròn 60 năm). Đều Giáp Thìn, tượng con rồng, chia đủ cho 3 miền Nam, Trung, Bắc. Cũng có thể ngẫu nhiên, nhưng rất đáng sợ bởi ngẫu nhiên này. Rất đáng sợ khi ta không hiểu hết. Trận Giáp Thìn thứ 3, trúng bão số 3, cho miền thứ 3, quá tam ba bận. Ông bạn tôi bảo như thứ định mệnh quái gở. Tôi nói quái gì mà quái, chuyện giời đất bao la. Ông bảo tin hay không thì tùy.
Nhưng phải thừa nhận cơn Yagi này (bà hàng xóm cứ khăng khăng gọi là bão Yoga, bởi suốt ngày tập yoga nên nhiễm) quái gở thật. Suốt mấy ngày nó chỉ hùng hổ đe dọa ở ngoài khơi, nhẩn nha biểu dương lực lượng, diễu võ dương oai. Giống Tàu. Như đài khí tượng Phù Liễn thông báo, mỗi giờ nó di chuyển (báo chí cứ quen mồm gọi là đi, bão thì đi thế quái nào được) được có 10km. Giời ạ, cách vài nghìn cây số mà đổi chỗ chậm vậy thì bắt người ta chờ đến bao giờ. Dù ở xa hay gần, nó làm cho người ta khiếp. Trời mà dọa dân hành dân như vậy thì nên thay trời, cử trời khác. Vào đất liền, nó vẫn thói ấy, thong thả phá phách, nơi này xong mới tiếp nơi khác. Có lúc nó còn giở quẻ nghỉ mệt, dừng mươi phút, rồi phá tiếp, còn tợn hơn. Ông hàng xóm nhà tôi nhận xét nó là thứ gì khó hiểu chứ không phải bão, còn giải nghĩa là thứ gì thì không biết.
Phải nói rằng, trong trận này, “đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại vì ngày mai”, có thể 60 năm nữa mới gặp lại, chính quyền và dân đã có sự chuẩn bị phòng tránh khá chu đáo, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, kiên quyết, nên mặc dù thiệt hại vật chất vô cùng lớn, nhưng thật may, ít người chết. Cần nhớ rằng bão Chanchu năm 2006 chết hơn 200 người, bão Linda năm 1997 mất hơn 3.000 dân, tang tóc lắm. Hạn chế được tàn hại của bão đến mức thấp nhất như vậy, đó là điểm son cho chính phủ, cụ thế ông Chính. Ông nên bớt những câu sáo kiểu “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa” đi, thay vào đó là những chỉ đạo cụ thể, sát sao như vụ này.
Thông (sợ bão, chỉ sợ duy nhất bão)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét