Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Vụn về Hưng Yên (kỳ 2)

Không phải chỉ có các cụ văn nghệ sĩ như Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Tý, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu nhắc nhỏm về Hưng Yên. Trong thơ văn nhạc miền Bắc thời trước 75 người ta vẫn biết tới Huy Cận với bài “Cô gái Hưng Yên đi mở mang Tây Bắc” (bài này được đưa vào sách Trích giảng văn học, tức sách giáo khoa bây giờ), với Chế Lan Viên chỉ vài câu thoáng qua thôi nhưng khá ấn tượng “Ong bay khu nhà Tỉnh ủy Hưng Yên/Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em” (một tay bạn tôi thời lớp 10, anh Vũ Trường Thành, có lần bảo tao mà biết làm thơ ngọt như ông Chế, tao tán thì khối con chết), rồi thơ về chị Phạm Thị Vách “giỏi thay con gái đàn bà mà ghê” chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành thủy lợi, sau được phong anh hùng lao động… Hưng Yên tuy “nhỏ nhưng có võ” chứ không nhàn nhạt như nhiều tỉnh miền Bắc.

Thời tôi học cuối cấp 2 (lớp 7) và những năm cấp 3, nhà trường và đoàn thanh niên thường xuyên kêu gọi phải học tập 4 tấm gương, bây giờ gọi là idol: Pavel Corsaghin, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương và Vương Đình Cung.

Pavel thì ai cũng biết mà không biết, bởi chỉ nghe người ta tán tụng qua sách, cuốn “sách gối đầu giường” “Thép đã tôi thế đấy”, nhất là cái câu “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận bởi những năm tháng đã sống hoài sống phí” (chả biết ông Thép Mới dịch có thêm câu này vào cho hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam không), vừa rồi có một ông to trích dẫn lại nhưng giấu nguồn khiến thiên hạ khen nức nở sao cụ ấy lập ngôn thấm thía thế.

Nguyễn Văn Trỗi còn nổi hơn. Lúc đầu do thông tin về đương sự còn lờ mờ nên chúng tôi được học gương anh Trôi, có lúc anh Trổi (có thể do thói quen miền Nam lẫn lộn dấu hỏi, dấu ngã), mãi sau thì chốt là anh Trỗi. Cụ tác giả cuốn “Sống như anh” Trần Đình Vân sinh thời không thấy nhắc gì đến vụ một người mà có 3 tên này. Công lớn nhất đẩy anh Trỗi lên thành thần tượng là hai ông Tố Hữu, Hà Huy Giáp. Ông Giáp là người chủ trương ra loại sách mang tên “Người tốt việc tốt”, sách chỉ to bằng bàn tay, mỗi lần in vài trăm nghìn bản, những hạng sách “best sales” thời nay phải gọi bằng cụ.

Anh Lê Mã Lương, cho tới giờ lứa chúng tôi vẫn gọi là anh dù ổng đã U80, trẻ mãi, vang mãi với câu lập ngôn, một dạng startup “khởi nghiệp sáng tạo” thời chiến tranh: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Anh Lương của đám chúng tôi đánh giặc hăng tới mức bị thương mất một mắt, được phong anh hùng. Ông anh tôi (kém ông Lương 1 tuổi, vào lính sau ông Lương 2 năm) có lần bảo tao đi bộ đội cũng một phần tại thằng Lê Mã Lương nó nói hay quá. Câu của anh Lương, cùng những câu thơ của Tố Hữu “Đường vui không đợi mùa trăng/Ta đi làm ánh sao băng giữa đời”, của Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, của Trinh Đường “Cha còn mang quân hàm/Con đã xin nhập ngũ/Một hòn đá Trường Sơn/Cha con từng gối ngủ”… đã đẩy lôi biết bao nhiêu thanh niên ra trận.

Người cuối trong danh sách 4 idol mà tôi muốn nhắc kỹ là Vương Đình Cung. Cuối năm học lớp 9 (1971), chúng tôi được thầy Duyên dạy môn chính trị, phụ trách công tác “tuyên huấn” của trường (Trường cấp 3 Kiến Thụy, Hải Phòng) nói nhiều về anh Cung. Thầy bảo đó là Pavel, Lôi Phong của Việt Nam, là anh Trỗi của miền Bắc. Đám chúng tôi nghe vậy biết vậy chứ có bao giờ gặp, ngó mặt mũi anh Cung thế nào. Nhưng phục lăn. Thầy Duyên mà lên lớp thì con cua trong lỗ cũng bò ra. Công nhận giới tuyên giáo cộng sản giỏi, chọn được những nhân tài rất dẻo miệng, nghe như rót mật.

Dần dà, chúng tôi tìm hiểu thì biết anh Vương Đình Cung người Hưng Yên (xin lưu ý người Hưng Yên nha), cha anh là một ông to, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Lê Quý Quỳnh. Ông Quỳnh làm bí thư Hưng Yên cả chục năm, rồi sau đó bí thư Hải Hưng sau khi tỉnh này sáp nhập với Hải Dương. Có đứa thắc mắc ông bố họ Lê sao con lại họ Vương. Thực ra ông Quỳnh họ Vương, tên thật Vương Văn Thành. Hoạt động cách mạng thì ông bà nào chả có bí danh (tên bí mật), rồi nó thành tên trong đời thực luôn. Ông Nguyễn Cơ Thạch chẳng hạn, tên thật của ổng là Phạm Văn Cương, nên mới đẻ ra ông con Phạm Bình Minh, nối nhau ngồi ghế thượng thư đối ngoại.

Như thầy Duyên kể, anh Cung con trai độc nhất của bí thư Hưng Yên, học rất giỏi. Là con cán bộ to, lại học giỏi, anh thuộc diện ưu tiên… ở lại hậu phương. Nhưng không như người ta bám hậu phương, đang sinh viên, anh tình nguyện đi bộ đội, được ông Quỳnh ủng hộ. Anh vào chiến đấu ở miền Nam và hy sinh năm 1970. Khu nhà tỉnh ủy Hưng Yên từ đó vắng ong con, chỉ còn ong bố.

Thời ấy có những con người (cả bố lẫn con) đều rõ ràng như thế. Thành phố Hưng Yên có đường Lê Quý Quỳnh, đường Vương Đình Cung chưa thì tôi không rõ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét