Suốt bao năm, sau khi Pháp rút về nước, chính quyền mới không chịu thừa nhận điều ấy, thậm chí còn đưa vào sách giáo khoa, vào các cuốn sử quốc doanh rằng nó (Pháp) làm đường sá, cầu cống, nhà ga cũng chả phải tốt đẹp gì, mà chỉ để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, bóc lột vơ vét tài nguyên bản xứ, để thuận tiện chuyên chở nguyên vật liệu về chính quốc. Nó làm cho nó chứ cho gì dân mình. Không ơn huệ chi cả, chỉ có căm thù. Giờ đây, không hiểu những người ngồi trong tòa nhà dinh toàn quyền Đông Dương (nay là phủ chủ tịch nước) hoặc coi biểu diễn ở nhà hát lớn Hà Nội - hai tòa nhà đẹp nhất Đông Nam Á, có còn suy nghĩ vậy không.
So với đường số 1 (quốc lộ 1) chạy suốt chiều dài đất nước và đường xe lửa Bắc - Nam nối Hà Nội - Sài Gòn (nhất là đoạn qua đèo Hải Vân) thì đường số 5 quy mô và danh tiếng không bằng nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng. Cầu Long Biên trên đoạn trước khi đường bò vào phố thủ đô chẳng hạn. Nhưng với đứa như tôi, thích nhất là hai hàng xà cừ ven đường, cây nào cây nấy lực lưỡng, xù xì, xanh rười rượi. Ông anh vừa đạp xe chở tôi (đi nhập học) vừa hổn hển làm hướng dân viên bất đắc dĩ. Anh bảo chú không biết chứ, gần như cả trăm cây số đi giữa mùa hè cũng không bị nắng chiếu. Mà thế thật, tôi để ý chỉ khi qua cầu phao Lai Vu và Phú Lương mới bị mặt trời rọi, chứ rong ruổi trên đường dưới bóng các cụ xà cừ chả nắng bao giờ. Ôi, những hàng xà cừ tuổi mấy chục năm, thậm chí gần trăm năm ấy, chỉ hơn chục năm sau (thập niên 80) bị đốn dần khi nhà nước mở rộng đường, về sau gần như sạch.
Chiều muộn tới Bần, đi nữa qua Mỹ Hào, Yên Mỹ, phố Nối thì tới rìa Phố Hiến. Ngày xưa, đây là đô thị sầm uất, nên chữ phố được gộp vào trở thành tên riêng, Phố Hiến. Các cụ xưa chả đúc kết “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” đó sao. Kinh đô, thủ đô đương nhiên phải nhất. Vị trí thứ nhì dành cho Phố Hiến. Đất Sơn Nam Thượng này áp sát kinh thành nên nó được thừa hưởng sự sầm uất, phát triển. Thời Nguyễn khi hình thành tỉnh Hưng Yên, Phố Hiến vẫn cố giữ được đà xưa, nhưng khi cách mạng vô sản thành công, những gì của Phố Hiến bị coi là phong kiến, buôn bán, ăn chơi, hào nhoáng giả tạo, nên “thứ nhì” cứ nhạt dần mất dần. Thời xây dựng chủ nghĩa xã hội, chả mấy ai nhắc tới Phố Hiến nữa, một phần người ta ngại khơi gợi xưa cũ, dễ bị coi là phản động, lạc hậu, một phần nó cũng chả còn mấy để nhắc. Nó quay về khởi thủy nông thôn. May còn lại cái tên trên con đường bách lý.
Hai anh em tôi dừng dưới một gốc xà cừ cổ thụ ở Phố Hiến nghỉ chừng 15 phút, lại móc cơm nắm muối vừng ra ăn bữa chiều. Đất Hưng Yên, xa xa những làng quê xanh ngắt vườn nhãn, thoang thoảng hương quê, mặc cho bom đạn ùng oàng. Sau này mỗi lần có dịp qua nơi ấy tôi cứ bâng khuâng bồi hồi nhớ lần chạm mặt đầu tiên. Có lúc lại lẩm nhẩm bài thơ của cụ Khương Hữu Dụng nêu những địa danh rặt Hưng Yên, bài “Quê ong”: “Xưa hỏi quê ong/Sao ong không nói/Ong ở Mậu Dương/Hay là An Trạch/Nễ Châu, Xích Đằng”. Hưng Yên nhiều nhãn. Khi mùa hoa nhãn, người ta đưa ong tới lấy mật. Bạt ngàn nhãn, cả trời hương nhãn, kéo về bạt ngàn ong. Mật ong nhãn là số 1, thượng hảo hạng.
Hưng Yên đất nhãn, đặc biệt nhãn lồng, nổi tiếng nhất miền Bắc và cả nước. Nhớ hồi bé, đám chúng tôi học bài thơ trong phần học thuộc lòng, sách giáo khoa, có câu “Nhớ cam Bố Hạ, Xã Đoài/Nhớ đường Quảng Ngãi, nhớ xoài Gò Công/Dừa ngon Bình Định, Vĩnh Long/Thanh trà xứ Huế, nhãn lồng Hưng Yên”, đứa nào cũng thuộc. Sản vật ngon chủ yếu ở miền Nam, còn miền Bắc góp được cam và nhãn. Dạo ấy đài hay phát bài hát thiếu nhi “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi”, có nhẽ đó cũng là lý do, nên người lớn phải dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét