Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Nhớ lại thời kỳ “tiền đổi mới” mang dấu ấn Nguyễn Văn Linh

Giở lại chút lịch sử vắn tắt của Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn  - TP.HCM, thấy có điều đặc biệt: Ông Nguyễn Văn Linh đã 7 lần là người đứng đầu Đảng ở địa bàn chiến lược này, từ năm 1947 - thời kỳ đầu cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, đến năm 1986 - đêm trước của thời kỳ đổi mới. Có lẽ đó là một thứ kỷ lục tồn tại mãi, sẽ không có trường hợp thứ hai.
Nhắc thế để gợi rằng đó là con người đặc biệt gắn bó với vùng đất đặc biệt. Là đứa con đất Bắc (Hưng Yên) nhưng dường như cả cuộc đời, ông Nguyễn văn Linh dành cho miền Nam, nhất là Sài Gòn - TP.HCM. Và thường là những khi khó khăn nhất.
Tôi có chút kỷ niệm đối với buổi giao thời đổi mới, mang đậm dấu ấn Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, với tư cách một người chứng kiến, trải qua, chiêm nghiệm.
Đầu năm 1977, tôi khăn gói ba lô chui vào khoang tàu biển chở khách Thống Nhất làm chuyến hành trình 48 tiếng đồng hồ từ Hải Phòng vào TP.HCM. Trong túi có đúng 45 đồng tiền miền Nam sau khi ra tận Ngân hàng nhà nước TP.Hải Phòng gần bến Bính để đổi. Tỷ giá 100 đồng miền Bắc ăn 90 đồng miền Nam. Gom góp mãi, tôi chỉ có 50 đồng đưa cho cô nhân viên ngân hàng. Cô ấy nhìn tôi ái ngại, ngán ngẩm. Bước chân lên bến Nhà Rồng, chỉ sau vài ngày bỡ ngỡ, tôi dần dần nhận ra những điều khác biệt ở thành phố phương nam ồn ào náo nhiệt bậc nhất này. Cũng may là còn kịp nhìn thấy, chứng kiến một vài "tàn dư" ưu việt của cách làm ăn tự do, cởi mở của Sài Gòn cũ so với nền kinh tế bao cấp, hoạch định gò bó ở miền Bắc. Tuy nhiên, chả được bao lâu. Sau đó những gì tôi từng chứng kiến hai mươi mấy năm qua lại xuất hiện y chang trên đất Sài Gòn. Và càng ngày càng tệ. Thay đổi đi xuống từ những điều rất nhỏ.


Chả thể quên cũng cái quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 mà tôi và mấy anh bộ đội đi học thỉnh thoảng ra ăn. Hồi chưa bị quốc doanh quản lý, mình chưa ngồi xuống đã có người hỏi han ân cần, chỉ vài ba phút là nhận ngay tô hủ tiếu nóng hổi,  giá cả bình dân dù lương thực đang rất khó khăn. Nhưng năm 1979 chính quyền đứng ra quản lý tất, kể cả quán hủ tiếu, tiệm cắt tóc, chụp hình, sửa xe... Muốn ăn hủ tiếu phải xếp hàng mua phiếu, có một cô kế toán mặc trang phục quốc doanh đến ghi số kiểm đếm doanh thu, chờ phờ râu sùi mép cũng không thấy hủ tiếu đâu. Chủ hàng thấy kiểu cách vậy nên chán nản chả muốn bán, còn khách hàng bực bội không chịu được cũng thưa thớt dần. Cả một nền sản xuất, dịch vụ u ám thê lương như  đám ma. Kéo dài suốt bao năm gây khổ cho biết bao người. Đại loại nền kinh tế bao cấp, ngăn sông cấm chợ là vậy.
Sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Linh giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM năm 1975 - 1976, còn cái thời tôi vừa kể lúc bấy giờ do ông Võ Văn Kiệt kế nhiệm cầm trịch. Thực ra Bí thư Võ Văn Kiệt cũng rất muốn xé rào nhưng lúc bấy giờ dường như chưa thể làm gì hơn bởi bộ máy vận hành theo kiểu cũ và tầm ảnh hưởng của chính quyền trung ương vẫn còn quá mạnh. Phải thừa nhận rằng, để có một TP.HCM chuyển mình mạnh mẽ, thay đổ quyết liệt, cởi trói, mở bung cánh cửa vào thị trường tự do, đồng nghĩa với việc áp dụng một nền kinh tế thị trường linh hoạt, người dân tiếp cận hạnh phúc, no ấm là nhờ công của dàn lãnh đạo thành phố mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh từ năm 1981 đến 1986.
Ông Nguyễn Văn Linh gặp gỡ những nhà quản lý kinh tế, nhà khoa học năm 1987. Người đứng kế bên ông Linh, phía trái ảnh, là ông Nguyễn Quang Lộc, Tổng giám đốc Tổng công ty Bột giặt miền Nam, Giám đốc Công ty Bột giặt Viso, người có rất nhiều táo bạo, xé rào phá bỏ bộ máy quan liêu bao cấp. Tôi từng đến dạy bổ túc văn hóa cho công nhân của ông Lộc suốt mấy năm, gặp ông nhiều lần. Sau này, ông Lộc bị thất sủng, nghỉ việc nhà nước, ra làm ngoài, cố vấn hương liệu cho Nguyễn Văn Mười Hai, xảy ra vụ án NVMH, bị đi tù. Một số phận tiêu biểu thời gọi là đổi mới.
Dấu ấn Nguyễn Văn Linh, phong cách Nguyễn Văn Linh, tư duy Nguyễn Văn Linh..., lúc bấy giờ người dân, báo chí, dư luận nhận xét, ca ngợi như vậy. Các cửa hàng bán gạo đã đủ gạo bán cho dân, không còn cảnh xếp hàng có khi mất hẳn nửa ngày để chỉ mua được mét vải hoặc vài bao thuốc lá. Chợ búa nhộn nhịp sinh sắc hơn, thực phẩm nhiều hơn làm giảm bớt sự đăm chiêu cau có bao năm thường trực trên khuôn mặt bà nội trợ. Các nhà máy, xí nghiệp cũng như được tái sinh. Tiếp theo sự mở lối, động viên của Bí thư Võ Văn Kiệt thì giờ đây là chủ trương đổi mới mạnh mẽ, bung sức sản xuất, phá bỏ cơ chế kìm hãm của Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tận mắt chứng kiến những đổi thay của Sài Gòn thời ấy, tôi và những người như tôi nghĩ rằng, công đầu thuộc về Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh. Người dân TP.HCM rất biết ơn ông, không bao giờ quên những đóng góp của ông với thành phố này trong những năm gian khó đó.
Đổi mới mang dấu ấn Nguyễn Văn Linh in đậm trong cuộc sống của cả xã hội cũng như từng cá nhân. Tôi còn nhớ, hồi ấy chỉ có nhà nước được độc quyền mua bán. Vàng như hàng quốc cấm. Anh nào lôi thôi cho vào tù. Năm 1980 tôi lập gia đình nhưng không tài nào mua được chiếc nhẫn cưới, mãi mấy năm sau mới nhờ ông em họ làm bên tín dụng mua giùm chiếc nhẫn 2 chỉ đầu tiên trong đời. Vợ không dám đeo, cất giữ làm của đến bây giờ. Tiền ít, không dám mua bên ngoài, sợ quản lý thị trường vớ được thì mất toi, nên cứ phải vào cửa hàng của ngân hàng nhà nước. Giá bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Cắt cổ cũng phải cười.
Sau nhiều năm, thỉnh thoảng tôi có gặp lại thủ trưởng cũ của tôi hồi ấy, tiến sĩ Nguyễn Văn Năm, Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học TP.HCM. Thầy trò thường ôn lại chuyện cũ. Nhớ có lần, năm 1979, thiếu gạo, giáo viên đói quá, không còn sức mà lên lớp. Thầy Năm bàn với Ban giám hiệu, liều đánh một chuyến xe REO (xe vận tải quân sự Mỹ mà trường đang sử dụng) chở giáo viên xuống tỉnh Tiền Giang cách Sài Gòn 8 chục cây số âm thầm mua gạo, mỗi người vài chục ký. Về đến trạm kiểm soát Tân Hương vốn nổi tiếng gắt gao thì bị ngăn lại, bị tịch thu hết bởi vi phạm quy định quản lý hàng hóa của nhà nước. Giáo viên vẫn đói. Lại liều làm chuyến nữa, nhưng ít người theo xe thôi, xe vượt trạm trong tiếng súng M16 bắn đì đùng của nhân viên gác trạm, nhưng cuối cùng họ không thèm đuổi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm bảo: “Cũng may mà ông Nguyễn Văn Linh lên, ông ấy xông xáo đổi mới, tháo bỏ cơ chế kìm kẹp kinh tế, chứ nếu không, chỉ kéo dài thêm vài năm nữa, chắc dân Sài Gòn chết đói hết".

Nghĩ lại mà thấy rùng mình.
Nguyễn Thông

9 nhận xét:

  1. Có những suy nghĩ và hành động mà ở một xã hội bình thường nếu phát lộ cũng là bình thường, nhưng trong thời bao cấp lại trở thành khác thường. Tuy vài năm sau đó giật mình xiết trở lại, song phải công nhận những bài báo mang ký hiệu NVL khi ấy đã thực sự là nguồn khích lệ, nguồn hy vọng cho biết bao người đang quá nghẹt thở vì sự thiếu thốn trầm trọng cả vật chất lẫn tinh thần.

    Trả lờiXóa
  2. "Tháo bỏ cơ chế kìm kẹp"xin hỏi thế ông Linh có góp phần chung tay vào trói không? Nếu có thì sao lại phải cho đó là công lao được

    Trả lờiXóa
  3. Thế giới bên ngoài thay đổi nhiều . Trong thời gian đó . Mỹ cắt khối Cộng Sản làm đôi . Đặng Tiểu Bình đi Mỹ trở về nước thực hiện Đổi Mới . 1989 Liên Xô tan rả . VN tự chọn hướng đi cho mình . Hội Nghị : Thành Đô ra đời !!!!!!!!!!!!!!!!!! Bây giờ hãy nhìn NTD có thể xoay trở tình hình như thế nào . Đầy hứa hẹn khi thông qua được TPP .

    Trả lờiXóa
  4. Cái người "đứng bên trái" ông Linh, mà trong bài viết cho biết là TGĐ Nguyễn Quang Lộc, sao mà giống nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn thế, bác Thông nhỉ ?!

    Trả lờiXóa
  5. Đó là ông Lộc, bác ạ. Trong những cuộc như vậy, nhà văn khó chen vào được. Vả lại ông Tuấn mặt vuông chữ điền, không dài thon như ông Lộc trong ảnh.

    Trả lờiXóa
  6. Xin lỗi anh Thông nếu tôi nhớ nhầm: năm 1977 khi anh ra trường thì tôi từ miền Nam ra quân về lại trường. Đến năm 1980 " năm 80 gạo thóc 80, Đảng 5 chục Xô viết 5 chục", miền Bắc lúc đó đói to rồi nhưng nghe nói ở miền Nam dưới thời Bí thư Võ Văn Kiệt (no NVL) thì cuộc sống của người làm công ăn lương đã khá lắm. Thế nên, dân gian lúc đó mới có câu đối " Lê Văn L. vừa bất lương vừa kiệt, Võ Văn Kiệt vừa không kiệt vừa (nhiều) lương". Tôi cũng để ý không thấy dư luận nói nhiều đến NVL, có lẽ tại lúc ấy các quan miền Bắc cho là TPHCM sặc mùi Nam Tư nên không muốn nhắc đến chăng?

    Trả lờiXóa
  7. Hai cái đổi mới như ông Linh thì dân tộc Việt nam thành có thủ đô là Bắc kinh liền!

    Trả lờiXóa
  8. Nam ong Kiet lam bt Sai gon ,NV Luong lam Bt hanoi----ngoai xh co cau ve "Sai gon co Kiet ma khong kiet ,Ha noi co Luong ma bat luong"bac Thong khen NVL la khong chuan---he he may bai nhung viec can lam ngay ki ten NVL thang ban em no dich la NGU va LIEU cha biet co dung khong.

    Trả lờiXóa
  9. thời kỳ “tiền đổi mới”

    Bác nói đúng . Thời đó, chỉ có "tiền" là đổi mới, mà cứ hứng lên là "đổi mới" mới chết!

    "xé rào phá bỏ bộ máy quan liêu bao cấp"

    Sao không đem đám lập nên đám rào ra mà chửi vung tán tàn lên ? Mà cứ khen kẻ "xé rào", làm dân ta bây giờ cũng "xé rào" loạn lên .

    "chứ nếu không, chỉ kéo dài thêm vài năm nữa, chắc dân Sài Gòn chết đói hết"

    Chết đói vì Đảng, vì Bác Hồ vĩ đại là vinh quang!

    Trả lờiXóa