Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Kiếp người phận văn

Đầu giờ chiều nay mình nhận được tin một người bạn đã ra đi, đi mãi.

Anh Cao Vũ Trân là đồng môn đồng tuế với mình, biết nhau dưới mái trường Tổng hợp Hà Nội, mình khóa trước anh khóa sau (1973-1977). Đó là chàng trai hoạt bát, tài hoa, riêng khoản ăn nói thì mình càng thêm bái phục. Cùng ở chung ký túc xá Mễ Trì, Trân ngụ tầng dưới đất (trệt), mình tuốt tầng 3, vậy mà tiếng oang oang của anh chàng cứ như vang 6 cõi.

Cao Vũ Trân người Nam Định, dân trường chuyên Lê Hồng Phong nức tiếng. Hồi những năm 60-70 mà ai nói học Lê Hồng Phong Nam Định cả trăm người nghe đều cúi đầu lè lưỡi khâm phục. Chả đâu xa, cùng và sát thế hệ mình là những cái tên dữ dội Vũ Đức Nghiệu, Phạm Văn Bích, Nguyễn Quốc Phong, Đoàn Đức Phương, Cao Vũ Trân… từ lò đó mà ra. Chỉ có chuyên văn Hà Tĩnh, Thanh Hóa thì may ra mới đọ được Nam Định.

Cao Vũ Trân để lại ấn tượng đẹp trong giới chuyên văn bởi anh từng đoạt giải nhất văn cấp 3 (lớp 10) toàn miền Bắc, mình nhớ không lầm là năm 1972, có bài đăng trong sách tuyển những bài văn đoạt giải. Hồi ấy, ai có bài như thế, khác gì thò được một chân vào chốn hàn lâm. Dân mê văn vô cùng thần tượng các anh Nguyễn An Định, Nguyễn Văn Thạc, Đỗ Tương Như, Trần Nho Thìn, Cao Vũ Trân… bởi vậy đó. Giải nhất văn toàn miền Bắc đâu phải chuyện đùa. Bài của Trân, mình vẫn nhớ là cái bài viết dưới dạng lá thư gửi cho các bạn Cuba nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc, về vẻ đẹp sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam. Viết được cỡ vậy, thì treo giải nhất chi nhường cho ai, chả có gì phải bàn cãi.

Trân học giỏi, tốt nghiệp được giữ lại trường, làm giảng viên khoa Văn. Mình vào nam 1 năm trước, xa cách, từ đó mình cũng ít liên lạc, nhưng nghe nói do tính khí hơi đặc trưng nên anh cũng lận đận đường công danh, giống như ông bạn Trần Ngọc Vương cùng khóa cùng lớp với mình vậy.

Sáng nay anh đi khám bệnh. Một cơn đau tim đến đột ngột. Không qua khỏi, ra đi ngay tại bệnh viện lúc 1 rưỡi chiều. Đã qua cái hạn 49-53, vậy mà tai ương định mệnh vẫn còn rình rập, thật thương.

Nhắc đến Cao Vũ Trân, mình cứ nhớ mãi cái thời môn văn được tôn trọng hết mực. Tươi sáng, lành mạnh, nguy nga như tòa lâu đài. Người viết văn, dạy văn, học văn lúc nào cũng cảm thấy được xã hội đeo trên ngực mình tấm huân chương danh dự. Văn khoa Tổng hợp với rất nhiều thầy đại cổ thụ trên giảng đường là niềm mơ ước của bao thế hệ học trò yêu say văn chương. Tiếc rằng mình cũng mon men được vào chốn đó nhưng không tận tâm cố gắng nên chả gặt hái được gì. Nhiều năm trở lại đây, văn suy giảm dần giá trị, bị xem thường, thậm chí coi rẻ coi khinh. Âu cũng là kết quả của thời buổi nhiễu nhương, giá trị đảo lộn, đồng tiền lên ngôi. Kiếp người phận văn tủi hổ, biết làm sao bây giờ.

Mình chỉ ao ước một ngày nào đó người ta lấy lại cái tên oai hùng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, và khoa Văn lại về vị trí đẹp đẽ quyến rũ ngày xưa.

Cao Vũ Trân bay đi, nhớ để chút gì phù hộ cho niềm mơ ước ấy của bọn mình, Trân nhé.

8.9.2011

(tranh thủ viết trong giờ chờ việc cho số báo ngày mai)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Bài văn của bác Trân , em còn nhớ có đoạn nói về tinh thần lao động cần cù của người Việt , khi nhìn con đê sông Hồng .Nếu em không nhầm thì đấy là bài văn đạt giải nhất hsg lớp bảy toàn miền Bắc.Người tài hoa - bạc mệnh.
    Thực ra , học trò giờ cũng giỏi văn và say học văn , nhưng vấn đề lại ở chương trình và người dạy , bác ạ .Em rất tiếc chương trình giaó dục của bác Hồ Ngọc Đại .Theo em , đó là chương trình tiên tiến hơn cả , lứa học trò được học ct đó làm văn sáng tạo , giàu cảm xúc đến bất ngờ .Phú quí giật lùi , bác ơi .

    Trả lờiXóa
  2. Trân 2 lần đoạt giải nhất, cả lớp 7 lẫn lớp 10. Anh Quốc Phong còn cho biết thêm, Trân là học sinh năng khiếu Toán, học cực giỏi, đã học Bách khoa 1 năm nhưng mê văn chương nên bỏ ngang. Do có giải nhất văn 10 miền Bắc nên được đặc cách vào văn Tổng hợp.

    Trả lờiXóa