Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Ba bộ đồng tình bóp... mũ con tôi

Lâu nay cứ đinh ninh chắc mẩm chỉ con người mới phát sinh lắm chuyện. Té ra không phải. Mấy bữa ni cái mũ bảo hiếm nảy ối điều khiến thiên hạ om xòm. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Ai ngờ xung quanh cái mũ đội đầu mà lằng nhằng dây điện, phức tạp thế. Cứ tưởng sau khi có quy định của nhà nước về đội mũ bảo hiểm, phần tiếp theo là thực hiện cho ngoan, chả cần bàn cãi nữa. Nhưng không…

Lại nhớ cái đận cách đây hơn 5 năm (cuối năm 2007) các cơ quan chức năng nhà nước đề xuất quy định người chạy xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Nâng lên đặt xuống, đánh tiếng mấy lần. Ồn ào cả thời gian dài, người ủng hộ, người băn khoăn, kẻ chống đối. Thậm chí người ta còn đưa ra ví dụ rất thuyết phục rằng những phụ nữ Thái với búi tóc “tằng cẩu” trên đầu theo phong tục truyền đời thì làm sao mà đội mũ bảo hiểm. Chả nhẽ luật cũng có trường hợp ngoại lệ, đối tượng chính sách. Rất nhiều người không tin có thể thực hiện được. Kể cũng chả lạ bởi ở một nước mà người ta quen thói ra đường để đầu trần, tót lên xe máy phóng ào ào, không có thói quen úp chiếc “nồi cơm điện” lên đầu, và cơ bản nhất là pháp luật không hề quy định. Những gì pháp luật không cấm thì được phép làm. Nhưng rồi điều phải đến vẫn đến, quy định được ban hành, đại bộ phận nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh, chiếc mũ bảo hiểm mau chóng trở thành hình ảnh quen thuộc ở một đất nước mà “văn minh xe máy” phổ biến đến từng góc phố, làng quê. Có gì đâu, bảo hiểm cho chính mình chứ cho ai, cớ chi mà phản đối. Trong chuyện này, chính phủ chắc chắn rút ra một điều, bất cứ thứ quy định pháp luật nào vì lợi ích của người dân đều mau chóng được dân chấp nhận, đồng tình.


Thế thì tại sao lần này ý kiến xoay quanh chiếc mũ bảo hiểm lại khá rắc rối, trái chiều? Có nhẽ do nhiều nguyên nhân. Kể từ khi Nghị định 32/2007 về đội mũ bảo hiểm ra đời, lực lượng công quyền đa ngành có làm gắt thời gian đầu, sau đó nhạt dần, phó mặc cho công an chỉ xử phạt người không đội mũ. Mũ giả, mũ dỏm kém chất lượng bán tràn lan, công khai, thách thức ngay trước mắt cơ quan chức năng. Không ai kiểm tra, xử lý. Người tiêu dùng thường nhẹ dạ, thấy lợi thì bập vào. Pháp luật mất hiệu lực. Nhà chức trách khi nhận ra tình trạng nguy hiểm vội tìm cách chữa nhưng quan điểm không thống nhất, cứ loay hoay lúng túng. Biện pháp phạt thẳng vào người đội mũ dỏm rất thiếu thuyết phục. Chả túm kẻ có tóc lại đi túm anh trọc đầu. May là cuối cùng lãnh đạo 4 bộ ngành có liên quan đã ngồi lại với nhau, nhận ra vấn đề và tạm dừng việc triển khai thông tư 06 liên bộ. Đành rằng thái độ cầu thị đó đáng ghi nhận nhưng chuyện chưa dừng lại. Dư luận thắc mắc chẳng có một nước nào mà thông tư, nghị định, luật này luật nọ cứ được “đẻ” sòn sòn một cách vội vã, dễ dàng để rồi chết yểu hoặc quặt quẹo như ở xứ mình. Nhiều cái chưa kịp ban hành đã vấp ngay sự phản ứng quyết liệt, chẳng hạn thông tư 06 liên bộ nói ở trên. Rồi chuyện quy định phạt xe không chính chủ, quy định phạt đến 1 triệu đồng đối với quan hệ “ngoài luồng” không phải là chồng vợ… Căn cứ vào đâu để xác định, liệu có khả thi? Các cơ quan công quyền có nhẽ cần xem xét thấu đáo hình dung đứa con của mình có sống được hay không rồi hẵng đẻ vãi như thế. Đừng để rơi vào tình trạng vừa rồi hai vị lãnh đạo bộ (Giao thông vận tải và Công an) hoàn toàn trái ngược nhau về phạt xe không chính chủ, rốt cục lại phải chờ quyết định của thủ tướng. Thứ gì cũng đẩy lên thủ tướng, vậy các vị chức việc mà dân tin cậy định làm gì cho nước cho dân?

Từ chuyện chiếc mũ bảo hiểm, bất giác nhớ lại chính sách của Đà Nẵng thời ông Nguyễn Bá Thanh. Trong các quy định khi nhân dân là nhân vật chính, ông Thanh và đồng sự không vội vàng “thẳng băng thước thợ” mà có sự thăm dò, chuẩn bị chu đáo. Trước khi xử phạt những người đội mũ bảo hiểm không đúng quy định, cơ quan công quyền Đà Nẵng đã thông tin tuyên truyền liên tục, tổ chức những điểm đổi mũ dỏm lấy mũ tốt, số tiền chênh lệch mà người dân phải bỏ ra rất hợp lý, tạo điều kiện cho dân ngấm quy định pháp luật, thực thi tự giác. Chính thứ quyền lực mềm với tiêu chí vì dân ấy đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Tại sao chỉ một Đà Nẵng làm được trôi chảy, còn áp dụng đại trà cả nước thì rối? Câu trả lời dường như ai cũng biết.

18.3.2013
Nguyễn Thông

15 nhận xét:

  1. Mũ kém chất lượng toàn nhà ta làm gia cả mà , mấy ông kiểm tra chất lượng chắc không đủ trình độ thẩm định nên cho ra thị trường ấy mà !

    Trả lờiXóa
  2. Nhà em có nghe trên báo mạng Nhà nước đưa tin là Hà Nội có làm cái việc "thí điểm" hợp đồng với mấy ông Nhà sản xuất mũ và các ông này cam kết bán đúng giá khoảng 200 ngàn đồng 1 cái mũ "xịn". Dân bỏ ra từ 70-100 ngàn chênh lệch để mua. Nếu thành công (bán được nhiều) thì sẽ nhân rộng ra cả nước. Chắc vụ này mà thành công, ngành CA và giao thông vớ bẫm vì được "lại quả" nhớn từ B sang A. Một số ông nhà sản xuất chạy quả hợp đồng này chắc sẽ lót tay hậu hĩnh lắm đây. Liệu có ông nào chắc chắn về chất lượng tốt mà giá thành cứ hạ mãi thế không? Còn cái chênh lệch 70-100 ngàn kia dĩ nhiên Nhà nước phải bù rồi. Vậy con số nào được thống kê chính xác cho Nhà nước để Nhà nước làm cơ sở bù vào cho giá thành của nhà sản xuất đây? Ôi, còn là tốn nhiều giấy mực.
    Còn vụ xe chính chủ, cách đây mấy ngày, xem báo mạng Nhà nước thông báo là các bộ hoãn không phạt xe không chính chủ theo đề nghị của ông Đinh La Thăng. Nhà em máy mồm bảo ông hàng xóm bế cháu sang chơi (và chỉ vào mạng cho mục sở thị) là chưa phạt xe không chính chủ đâu. Sáng mai ông ấy bẩu: tôi xem tivi bẩu là vẫn phạt đấy, mạng chỉ nói phét, lừa dân. Tôi bảo: "Ô hay, ông cũng xem, là tin của báo mạng ta, không phải là của thế lực thù địch với nhân dân ta nhá". Ông nói thế hóa ra Nhà nước lừa ông, lừa tôi à. ÔI, thế thì đểu, đểu quá, đểu thật các bác nhẩy!

    Trả lờiXóa
  3. Em nghi trong này cũng có dấu hiệu của lợi ích nhóm (quyết phạt để lấy tiền chia nhau theo tỷ lệ 7/3).

    Trả lờiXóa
  4. Không hiểu trên thế giới nầy có cái xứ nào mà ngày nào cũng có tin tức cho 700 tờ báo quốc doanh in ấn và bình loạn như ở VN ta.Nhiều chuyện nói đi nói lại nhiều lần mà vẫn còn chuyện để nói.Chuyện cái loa phường, chuyện giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường, chuyện quá tải bịnh viện , chuyện chạy trường , chạy chức,chuyện CAGT làm luật ....và gần đây là chuyện chiếc mũ "bảo hiểm tội nghiệp" , chuyện phạt xe chính chủ.Hình như ở nước ngoài không có thấy vấn đề gì về cái mũ bảo hiểm.Anh sợ nguy hiểm và muốn an toàn cho cái đầu thì anh đội nón còn anh chạy chầm chậm trong thành phố thì mắc mớ gì anh đội cho nó khó chịu nhưng nhà nước ta thì quả thật thương dân lo lắng cho dân từng chút nên sau jhi bàn tán lung tung"anh phải đội mũ".Toàn dân hân hoan(hay sợ sệt) mua mũ đội lên để bảo vệ cái đầu mà có bảo vệ được đâu? Số người chết vì tai nạn giao thông vẫn tăng lên dù có hân hoan đội mũ.Mũ nào là hợp lệ , mũ nào dỏm xuất hiện đầy đường mà không ai biết được và ngưới ta vô tư sản xuất và người ta cũng vô tư đội.Chuyện xe chính chủ thì vô lý thấy rõ và bao nhiêu bài báo đã nêu lên ồn ào và người ta im lặng một lu1v rồi nay lại "rối tinh" lên.Ông DINH LA GIÁNG thì không phạt nhưng ông CÔNG AN GT đứng đường thì bảo phạt và phải phạt cho đủ chỉ tiêu tăng trưởng.Chuyện nầy mới phấn khởi nè!Mấy lúc gần đây những bộ óc siêu phàm gặp nhau ở chỗ "TĂNG MỨC PHẠT CHO DÂN SỢ"Trung ương tăng lên thì HDND ở địa phương cũng cần tiền nên gia tăng gấp đôi mức phạt...nhưng khổ nỗi là tình trạng hỗn loạn giao thông đâu có giảm.Phạt mà tỷ lệ ăn chia đến 7/.3 thì ai mà không ham phạt.Thế là có bọn xấu rình quay Clip phạt mãi lộ và tống tiền CSGT và mấy ông CS nhà ta phải nhả ra và cuối cùng là một chuyên án thành hình.Góp ý cho bác Thông chút thôi nhé vì còn phải đi kiếm tiền mua gạo chiều!

    Trả lờiXóa
  5. mấy cha phạt có chắc biết được nón nào xịn nón nào dỏm kô? Thằng nón dỏm là phe ta, ai nạn nhân của nón dỏm là phe địch, lợi cả đôi đường ,thu lợi 2 đầu. Kô mau giàu mới lọa

    Trả lờiXóa
  6. Nhà nước bắt buộc đội nón bảo hiểm để bảo vệ an toàn cá nhân. Nhưng thực tế cho thấy người dân bị khốn và bị xâm hại đến tính mạng bởi chính chiếc mũ bảo hiểm. Đề nghị:
    1/ bỏ luật bắt buộc đội nón bảo hiểm
    2/ Và cũng nhân đây yêu cầu dẹp bỏ "dự thảo cho phép công an có quyền bắn".
    Chỉ vì không đội nón bảo hiểm, công an mạnh tay ra đòn bất chấp tính mạng công dân; công an liều lỉnh rượt đuổi 1 người không đội nón bảo hiểm cốt để bắt, bất chấp tính mạng của số đông đang đi trên đường; công an đánh chết người không đội nón bảo hiểm..
    -> cho thấy chủ trương của ngành công an và chỉ thị hướng dẫn công an các cấp trong việc xử lí việc công dân không đội nón bảo hiểm là chưa đúng, dẫn tới việc hành hung, truy đuổi gây ảnh hưởng chung cho nhiều người và việc đánh đập làm chết người vì lí do họ chưa hiểu về sự an toàn cần có, đã xãy ra tràn lan trên khắp nước. Chuyện không đội mũ bảo hiểm mới chỉ là chuyện nhỏ trong khuôn khổ luật pháp - chuyện mũ bảo hiểm giúp an toàn cho người dân mà công an không biết cách để hướng dẫn người dân một cách văn minh ôn hòa thay vì đánh và đánh tới chết thì việc cho phép công an bắn sẽ đưa đến hậu quả như thế nào? Lúc đó mạng của người dân có ngang bằng mạng một con súc vật... quyết định tính mạng người dân trong tích tắc, ai phán xét, ai kiểm tra...Ngay vừa mới đây, ông tá công an đánh chết người chỉ bị tù 4 năm....Và hôm qua, đội pháp y Vĩnh Phúc giảo nghiệm tử thi mất răng, lồi mắt vết bầm tùm lum mà kết luận là do say té ngã ngộp nước mà chết.
    Tóm lại, ngành công an hiện nay còn nhiều điều cần sửa sai, do đó phải bãi bỏ dự luật cho phép bắn và luật bắt buộc đội nón bảo hiểm.
    Xin lỗi bác Thông vì đã làm phiền Blog này khi viết mấy lời trên.

    Trả lờiXóa
  7. Chuyện cái mũ bảo hiểm nằm trong xâu chuỗi các nghị định do CP ban hành:
    - Trước năm 2010 mũ bảo hiểm bán rất ít người mua, để tiêu thụ được hàng , CP ra nghị định bắt buộc đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. thế là mũ bảo hiểm bán chạy như tôm tươi ( mũ thật , mũ rởm đều bán được hết ). Tất nhiên , không dưng mà Thủ tướng ban hành cái nghị định này. Các nhà buôn mũ " ơn thủ tướng lắm "!
    Dân mua đủ mũ thì thôi, ai hơi đâu thừa tiền mà mua thêm mũ để dự trữ ! nếu các Tờ rớt muốn bán được nhiều thì phải tìm chiêu mới, nên lại nhờ đến đ/c X ban hành lệnh : phạt người đi xe máy đội mũ " bảo hiểm dởm " ! Thế này thì các nhà buôn mũ , các đ/c công an giao thông sẽ hô " đ/c X vạn tuế , vạn tuế , vạn vạn tuế " !
    Ơ hay! sao đất nước này được tự do buôn bán, tàng trữ hàng hàng mũ bảo hiểm rởm bấy lâu nay thì thế nào, thưa ngài thủ tướng ?

    Trả lờiXóa
  8. cũng là do một bộ phận người tham lợi nhuận, một bộ phận người tiếc tiền mua mũ tốt thế nên mũ dởm mới phổ biến, bây giờ phạt là phạt cái ông bán mũ là chuẩn rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một bộ phận không nhỏ đấy, bạn hoang Vincy ạ. Đừng trách dân, tức là trách chúng ta-bộ phận không nhỏ ấy. Đa số những người nghèo đi con xe cà tàng qua đến n+ chục n đời chủ. Có xe chỉ đáng 800- 1 triệu (tôi đã nhượng lại cho một bác nghèo hơn mình một con xe Longin Tàu giá 800 ngàn kèm cả giấy đăng ký xe). Họ không thể bớt miệng ăn của gia đình ra mua cái mũ từ 500 ngàn đến 3 triệu (từ xịn nội đến xịn ngoại) được. Càng rẻ càng tốt. Họ chỉ đối phó với cú dùi cui của polits khi tham gia giao thông (nói tham gia cho oai chứ là đi hành nghề xe ôm kiếm cơm nuôi vợ con) không có mũ. Mạng người ta, người ta còn tự coi rẻ, sao các ông cảnh sát cứ ép, đuuổi tận cùng chỉ để phạt con người khốn khổ mặt hốc hác, xe ghẻ, mũ tàng tàng, quần áo lam lũ ấy nhỉ?. Họ không chết vì đói mà sẽ chết mòn vì thương tật. Chết đi thì tốt hơn là phải vào bệnh viện lâu dài vì thương tích. Có sống thì thành tật vĩnh viễn suốt phần đời còn lại, ai trả món nợ khi vay giật trả viện phí vốn đã cao nhất nhì thế giới này? Vụ cảnh sát đánh dùi cui vào mặt một anh thanh niên quê Thanh Hóa đi xe máy không đội mũ bảo hiểm làm gẫy xương gò má ở Hà Nội mới hôm kia đấy. Rất nhiều ảnh chụp, clip và người làm chứng cho thấy CA mặc cảnh phục vụt dùi cui vào mặt anh thanh niên, thế mà ông Đào Vịnh Thắng nghe quân báo cáo lại dám khẳng định là do anh ta chạy trốn tự ngã vào dải phân cách và tự gây thương tích?!!!. Họ đành phải bỏ cái xe ghẻ ấy lại, lầm lũi vét tiền ăn còm mua cái xe khác cũng cỡ tiền lẽ ra phải phạt ấy. Xe không chính chủ là đấy. Xe lưu bãi là đấy. Hàng ngàn xe mục nát ở các kho chứa ngoài trời là thế. Rồi thanh lý, rồi chia chác. Có ở đâu trên trái đất, dân có xe máy khốn nạn, khốn khổ thế này không?. Trên bản báo cáo thành tích của ngành công an giao thông hàng tháng, hàng quý, hàng năm sẽ thống kê "thành tích" của CB-CS là bắt giữ hàng chục ngàn xe vi phạm luật, hàng vạn lượt phạt thu vào kho bạc số tiền hàng tỷ, "làm lợi" cho ngân sách hàng chục tỷ đồng từ những thủ đoạn bóp hầu làm dân phải lè lưỡi ngắc ngoải ấy. Họ (CSGT) còn có khái niệm coi dân như kẻ thù, là đối tượng tác chiến khi nói : "Trong cuộc chiến chống các hành vi vi phạm luật lệ giao thông" mà chính họ tuyên bố hoặc do báo mạng nhà nước giật tít.
      Chúng ta phải đặt mình vào những hoàn cảnh khốn nạn ấy để mà phát ngôn, bạn hoang Vinci ạ. Ta là dân Vietj Nam mà

      Xóa
    2. bác ko thể đổi lỗi cho dân nghèo được. Đúng là dân ta nghèo thật, một số dân đúng là cực nghèo. Nhưng với cái mũ 200 nghìn, so với cái xe thì số tiền đó chỉ là 1 phần nhỏ. Hơn nữa đây lại là liên quan tới tính mạng của chính bản thân.

      Xóa
  9. Tốt nhất là phải tự ý thức bảo vệ bản thân, làm sao mà có CQ chức năng có thể quản hết được cơ chứ.

    Trả lờiXóa
  10. Người dân ở Vĩnh Phúc biểu tình quá đông, có cả quan tài người chết nữa. Đây chính là ổn định chính trị đó à, khi mà con cháu các quan chức theo gương cha mẹ tham ăn hốt uống mà bất chấp cả đạo lý. Nếu làm lớn chuyện mỗi người dân chỉ cần 1 lít xăng sẽ giải quyết mọi chuyện, người dân bây giờ khổ lắm rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các quan chức hiện nay đâu có ai xừng đáng để dạy bảo con cháu họ, họ chỉ làm gương xấu cho vợ con họ mà thôi. Thật nhục nhã cho bậc làm cha mẹ-chỉ vì miếng ăn mà tham lam xấu xa.

      Xóa
  11. TÂM THƯ CỦA NÒNG NỌC GỬI HAI NGÀI: GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHÂU VÀ GIÁO SƯ ĐÀM THANH SƠN
    http://hailuablog.wordpress.com/2013/03/18/tam-thu-cua-nong-noc-gui-hai-ngai-giao-su-ngo-bao-chau-va-giao-su-dam-thanh-son/

    Trả lờiXóa
  12. Tôi đồng ý trước hết phải dẹp nguồn cung cấp mũ bảo hiểm rởm sau đó đến việc tuyên truyền vậnđộng và tạo điều kiện đổi mũ thật như ở Đà Nẵng. Ai không chịu đổi mũ dởm, không đảm bảo chất lượng để lấy mũ thật thì mới nên phạt chứ! Chắc là chẳng ai cố chấp như vậy đâu, nên không cần đưa nội dung phạt này làm gì. Chỉ phạt không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là được rồi cũng như không khuyến khích CA đuổi theo bắt phạt bằng được vì mất công không đáng lại nguy hiểm đến tính mạng bản thân và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông!

    Trả lờiXóa