Mấy hôm rồi, mỏi mệt với cuộc mưu sinh, tôi kiếm cách mò về quê cũ vài ngày, giống như một cuộc chạy trốn chính mình. May mà quê hương thôn dã yên bình đã cứu vớt tôi, bao dung đón đứa con tha phương đi đã quá lâu rồi.
Làng Trà Phương quê tôi nằm ngay chân núi Chè (núi Trà Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Núi Chè với núi Đối (ven sông Đa Độ, nơi người ta vừa bắt được con ba ba nặng mấy chục ký) như hai hòn núi đá sinh đôi. Thật kỳ lạ, giữa vùng đồng bằng mênh mông chỉ có ruộng và đầm lầy, ao chuôm, tự dưng nhô lên hai ngọn núi đá sừng sững. Hồi nhỏ, nghe bu tôi kể rằng bà chúa Chè gánh đá đi lấp biển Đồ Sơn – Bàng La, chỗ cửa sông Văn Úc, đến đây thì gãy đòn gánh, đành phải bỏ đó thành 2 ngọn núi. Hồi học đại học, tôi đùa với bọn Xuân Ba, Bá Tân… rằng mình là người miền núi, cũng giống như anh Ma Duy Giang vậy, thế mà ối đứa tin.
Núi Chè cao hơn 5 chục mét, chạy dài gần cây số, tinh đá là đá. Trên núi có hang Bà Chúa, phía bắc núi gần làng Xuân La xã Thanh Sơn có hai cây quéo cổ thụ to cả mấy người ôm. Sau này hồi giữa những năm 60 công binh Trung Quốc sang đục rỗng quả núi làm hầm chứa đại bác chĩa nòng ra biển để bắn tàu chiến Mỹ. Nhưng tôi chưa thấy bắn được phát nào, chỉ nghe đồn rằng bọn nó sang đào bới của cải do tổ tiên nó chôn giấu từ thời xửa thời xưa. Nếu đúng vậy thì quả là kỳ công bởi đục rỗng hòn núi đâu phải chuyện đùa.
Hôm tiết lập xuân vừa rồi (mùng 5.2 ta, tức ngày 13.3) tôi lên núi thăm lại cảnh cũ. Lúa xuân xanh ngắt mơn mởn. Tôi bảo mưa xuân thế này thì lúa tốt là phải, nhưng đứa cháu tôi, cu Thành, nó bảo cậu ạ, mưa này lúa tốt nhưng cũng sinh ra nhiều sâu bọ lắm. Sực nhớ sau tiết lập xuân khoảng 1 tháng là tiết kinh trập (sâu bọ), công nhận người xưa kinh thật, họ biết hết tính hết, không đểnh đoảng nông cạn như người thời nay.
Con đường mòn ven núi được thay bằng đường bê tông xe ô tô vào được. Chỉ còn dấu tích chiếc giếng ngoài, còn giếng trong thì đã mất dạng. Hồi xưa giếng trong lúc nào cũng có nước, mát ngọt như nước đường. người làng lên núi gánh về dùng, có hôm nhiều người gánh quá phải xếp hàng, giếng sâu gần chục mét, cả mấy mét nước mà bị múc cạn đến đáy. Nhưng chỉ chờ một lát là nước trong núi lại chảy ra tràn đầy. Thày tôi bảo nước giếng núi pha chè (trà) ngon hơn nước mưa nhiều.
Người ta mới xây ở chân núi cái miếu nhỏ thờ Linh quy đại vương. Vốn ngày xưa chỗ này có cái miếu thờ thần rùa, nhưng bị đập từ hồi nào tôi không rõ, chỉ còn dấu tích. Núi Chè nhiều rùa lắm. Nhà ông ngoại tôi ở xóm núi, xóm ngay sát chân núi. Ông tôi sinh thời kể rằng lên núi nếu đi không khéo là dẫm phải rùa. Rùa lẫn trong đá, bò lổm ngổm khắp nơi. Nhưng không ai bắt, hình như người ta ngại đụng chạm đến con cháu của ngài. Lúc tôi còn bé, mỗi lần lên núi đều thấy rùa ở các bụi dứa dại trên bờ ruộng sát chân núi. Những con rùa vàng ươm, rất đẹp. Vậy mà khi xảy ra chiến tranh, xe cộ ầm ào kéo về trận địa Mả Đò, rồi công binh Trung Quốc ì ầm khoan đục núi, rồi dân quân trực chiến trên núi, rồi tàu bay Mỹ thả bom bi vào trận địa của dân quân, tự dưng lũ rùa kéo nhau biến đi dần. Giờ thì chả ai có thể nhìn thấy chúng nữa.
Hồi tôi học lớp 8 trường huyện (năm 1969) buổi chiều tan học về đến đầu núi thì nghe tin cái Biền con chú Nam (cao) đi chăn trâu trên núi, nhặt được quả bom bi, chả biết dại dột thế nào kéo thêm mấy đứa nữa xúm vào ghè. Bom nổ, Biền chết nát người, mấy đứa kia bị thương nặng, thương lắm. Rồi năm 1972, cũng đám trẻ chăn trâu xóm trong thả trâu để tự leo lên núi gặm cỏ, còn chúng nhặt được quả đạn cối do bộ đội bắn tập chưa nổ, đem về gần sân hợp tác Thụy Sơn trong làng đốt lấy chì để đúc đồng xu chơi đánh đáo. Ai dè đạn nổ, 5 đứa chết thảm. Giá bây giờ chúng còn sống thì cũng đã ngoài 50 cả rồi. Chiến tranh thật oan nghiệt, lấy đi bao nhiêu sinh mạng những con người hiền lành, vô tội.
Đi chân núi trong chiều muộn tiết lập xuân sương mờ bảng lảng, dường như thấp thoáng bóng ai, tôi bất chợt rùng mình nghĩ về những ngày xa ngái ấy.
Tiết lập xuân Bính Thân 2016
Nguyễn Thông
Nguyễn Thông
Té ra là mấy lâu nay ông về tìm cái rau cái rún của mình làm tôi cứ tưởng là ông bị ốm hay sao đó.Lo hết hồn.Chúc vui vẻ nhé!
Trả lờiXóaDạ, cảm ơn bác ạ. Về quê thích lắm. Ôi, quê tôi.
Xóa