Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Mỗi tuần một từ Hán Việt: Mãn tính hay mạn tính?

Người ta đang quan tâm đến chuyến thăm của ông Obama, chuyện cá chết, chuyện Việt Tân giật dây biểu tình..., còn tôi lại bàn chuyện chữ nghĩa. Đúng là đồ dở hơi.
Trong những bản tin y tế, ta rất hay bắt gặp các nhà báo viết “bệnh mãn tính”. Cứ như cách hiểu của người viết thì cái bệnh họ đang nói tới, đề cập đến là thứ bệnh mà người mắc sẽ bị mãi, bị suốt đời, theo hết đời. Vậy viết thế là đúng hay sai?
Mãn là từ Hán Việt, có nhiều nghĩa, nghĩa chính là đầy đủ, sung túc, dồi dào. Mãn nguyệt có nghĩa là đủ tháng, đầy tháng, trăng tròn đầy. Ngày xưa người ta tính tháng theo trăng, khi nói mãn nguyệt khai hoa tức là nói về người đàn bà có thai đã đủ tháng, đã đến ngày sinh. Mãn phúc tức là hạnh phúc đầy đủ (dùng chữ này để chúc ai đó), mãn phục là hết tang (phục), mãn kiếp là trọn kiếp. Xưa có câu đối ngày tết rất hay: Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Trời thêm ngày tháng, người thêm tuổi/Xuân tràn trời đất, phúc đầy nhà). Chính vì mãn có nghĩa như vậy nên không ít nhà báo, thậm chí người trong ngành y cứ quen nói “bệnh mãn tính” để bảo rằng bệnh hết đời.
Khổ nỗi, làm gì có thứ bệnh nào là bệnh hết đời người. Y học ngày càng hiện đại, có thể chữa trị, ngăn chặn những thứ bệnh mà ngày xưa con người dường như phải bó tay, tưởng rằng đã mắc phải nó thì nó sẽ theo đến chết. Bây giờ những bệnh như lao, phong (cùi, hủi), tả, lỵ, thương hàn, gan… người ta chữa nhoay nhoáy, làm gì còn tứ chứng nan y. Ngay cả ung thư, với đà phát triển y học như thế này, nó cũng sẽ bị loại khỏi danh sách bất trị.
Bởi vậy, khi viết bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh thoái hóa khớp… là bệnh mãn tính thì nhầm to. Nhầm không phải bởi kiến thức y học, mà do không biết dùng từ. Phải viết là bệnh mạn tính.
Mạn cũng là từ Hán Việt, ngoài nghĩa kiêu ngạo, khinh thường, coi thường (chúng ta hay nói khinh mạn), còn có nghĩa: từ từ, chậm, chậm chạp, đến dần dần. Mạn tính có nghĩa tính chậm chạp (để chỉ ai đó). Bệnh mạn tính là thứ bệnh ban đầu rất nhẹ, dường như không đáng kể, nhưng nó cứ đến dần dần, càng ngày càng nặng, không chữa chặn ngay từ đầu thì càng khó chữa. Như vậy bệnh mạn tính không để chỉ một loại bệnh cụ thể nào trong y học mà để nói về dạng bệnh mà thôi. Ví dụ tiểu đường, mỡ trong máu là dạng bệnh mạn tính bởi càng lớn tuổi, càng ăn nhiều đường, nhiều mỡ, ít tập luyện, không biết kiềm chế sự thòm thèm của mình thì bệnh ngày càng tăng, càng nặng, càng khó chữa.
Chính vì thế, phải viết là bệnh mạn tính chứ không phải bệnh mãn tính. Đừng tặc lưỡi rằng chuyện nhỏ, quen rồi, lâu nay có ai thắc mắc gì đâu. Ngôn ngữ là của cải chung, nếu không làm nó hay hơn, chính xác hơn thì cũng đừng làm hỏng nó, làm sai nó.
Nguyễn Thông

6 nhận xét:

  1. Thú vị quá. Nhất trí với Anh Thông hoàn toàn. Góp vài ý, cốt rõ thêm:
    -Mãn là đủ đầy(Phú quí hoa mãn đường);(Mãn nhãn.
    -Mãn là kết thúc một quá trình(Mãn kinh; Mãn khóa)
    Căn cứ vào ngữ nghĩa, không tính chất, đặc điểm danh bệnh nào gắn với 'mãn' để biểu thị một ý nghĩa. Dùng phép loại suy, chúng ta mạnh dạn bỏ'mãn'.
    Mạn là kéo dài thời gian (Truyền kỳ mạn lục; Mạn đàm . Căn cứ vào ngữ nghĩa, khi danh bệnh có tính chất xuất hiện, tồn tại dài ngày, chính xác là trường diễn, thì chúng ta phải gọi đúng là mạn tính. Không bào biện, ngụy biện lôi thôi gì hết.
    Thêm: Trái với mạn tính(chronique-trường diễn) là cấp tinh(aigu-cấp diễn). Chúc khỏe. Cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!

    Trả lờiXóa
  2. Người ta nói CHỮ , NGHĨA là bởi vậy

    Trả lờiXóa
  3. Hơi lạc đề 1 tẹo, nhưng Đinh La inh ỏi của bác Thông ...!!!

    Hôm 15/5/2016, báo Thanh Niên đưa tin ông Đinh La Thăng cùng một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã tiếp xúc với cử tri ở huyện Hóc Môn, TP HCM và nói: “Cùng với việc quản lý chặt, xử lý nghiêm những kẻ đưa thông tin kích động, người dân cần phải cảnh giác với những thông tin bôi nhọ, lợi dụng việc bảo vệ môi trường, biển đảo để kích động biểu tình, âm mưu lật đổ Đảng và Nhà nước, làm rối ren tình hình kinh tế, xã hội.”

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  5. Tất cả là những gì trong đầu của chúng ta. Chính những ý nghĩ nhận xét đặt tên, quan niệm...là một sự rắc rối, hướng chúng ta đến một hướng đi, một cảnh giới. Lúc nào đó thử dừng lại toàn bộ những ý nghĩ trong đầu các bạn thử xem.

    Trả lờiXóa