Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Lan man vải thiều

    Mỗi năm vào mùa vải, chim tu hú kêu là cuộc sống đời thường lại rộn thêm lên mất vài ba tuần, người thì lo chuyện xuất khẩu, kẻ lo ế, người lo ăn cứ um xùm. Năm nay mấy cơ quan chuyên trách của nhà nước có sáng kiến tổ chức hội nghị ở trong Nam ngoài Bắc ngay trước mùa thu hoạch bàn chuyện tiêu thụ vải, kể ra cũng là có trách nhiệm với dân, với người trồng vải.

    Vải thiều ngày xưa là thứ trái cây quý, có tên chữ lệ chi (lệ chi viên là vườn vải, liên quan đến vụ công thần Nguyễn Trãi bị oan thời nhà Lê). Hồi xưa nước ta còn chịu lệ triều cống vua Tàu, một trong những thứ phải cống là trái vải (ngoài sừng tê, ngà voi, trầm hương kỳ nam, chim sâm cầm...), nay thì không cống nữa mà thương lái Trung Quốc sang tận nơi thu mua. Hầu hết vải ở 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang thu hoạch được vẫn để xuất sang Trung Quốc. Với người trồng vải, đó là thị trường sống còn. Tuy nhiên, bên đó hàng trăm triệu cái miệng có nhu cầu ăn vải thì chả lo gì ế, chỉ ngại thương lái họ mưu mẹo, giở trò này nọ, nên việc tìm, mở rộng ra thị trường khác là sự cần thiết, đúng đắn.

    Hình như năm nào cũng vậy, có vẻ các nhà quản lý thị trường và người trồng vải xứ ta chỉ chăm bẵm vào chuyện xuất khẩu mà lơ là thị trường nội địa. Ai cũng hiểu có thêm nơi tiêu thụ bên Trung Quốc, Úc, Pháp, New Zealand, Lào, Malaysia… thật đáng mừng cho trái vải, sẽ thu về ngoại tệ. Đành rằng cần phải tính toán đem lại lợi ích cho người trồng nhưng đừng ép người tiêu dùng trong nước quá đáng. Hiện ở Sài Gòn, tôi vừa ra mấy sạp trái cây gần chợ Thái Bình (Q.1), hỏi thử giá bao nhiêu, người bán hét 45.000 đồng/kg, còn nếu vải đúng thiều chính hiệu, ngon, hàng chuyển máy bay phải 65.000-70.000 đồng/kg. Với số tiền ấy, bỏ ra để nếm mùi vị quả vải, tiếc hùi hụi. Thèm thì thèm thật nhưng chả dại ném tiền qua cửa sổ. Một thị trường tiêu thụ gần gũi, thuận tiện, nhu cầu cao như vậy mà chả được quan tâm, cứ lo ngước nhìn đi đâu đâu. Thú thực, có lúc tôi ao ước (nói ra thì phải tội) Tàu nó không thèm mua, để vải ế cho biết thân, may ra dân ta lúc ấy mới được ăn quả vải giá cả phải chăng hợp túi tiền.


    Nói vậy thôi, chứ cũng thông cảm với người trồng. Hồi xưa, nhà tôi trồng dưa, bao nhiêu quả to ngon đều chất lên xe ba gác kéo tuốt ra chợ An Dương nội thành Hải Phòng bán chứ có để bán ở quê đâu, còn ăn thì tinh ăn quả đèo quả đẹn. Thông cảm với người trồng vải là vì vậy, nhưng cơ quan nhà nước phải có nhiệm vụ quản lý, điều tiết thị trường sao cho hợp lý chứ. Vẫn biết quả vải mua ở miền Bắc sẽ rẻ hơn nhiều so với ở miền Nam, cũng như quả xoài ở 2 miền có giá khác nhau do phí vận chuyển, bảo quản, nhưng giờ giao thông vận tải thuận tiện mà để dân chúng phía nam ăn trái vải với giá trên trời thì quả thực khó chấp nhận.

    Gọi là vải thiều chứ thực ra bây giờ khó kiếm được quả vải thiều chính hiệu. Giống đã bị pha tạp, hầu hết vải chỉ ngòn ngọt, hột to, mọng nước (do bị kích thích tăng trưởng). Dù ngay giữa mùa vải, mua được đúng chùm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) là điều không dễ dàng. Tìm được chùm vải không bị tăng trưởng còn khó hơn đường lên giời. Ông anh tôi, dân trồng xoài lâu năm ở vùng quê huyện Chợ Mới (An Giang) có lúc chỉ mong gọt được quả xoài không tăng trưởng để ăn, hưởng cái hương vị xoài đích thực. Tôi cười, thế anh có phun tăng trưởng không, anh ấy gật, thú nhận người ta thế cả, mình khó làm khác được. Từ chuyện xoài, tôi hiểu ra quả vải và nhiều thứ khác cũng vậy.

Nguyễn Thông 

3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. VN đứng trước hàng trăm thảm họa. nên trồng "vải xô" đi là vừa! Vải thiều dành cho vua, quan, còn vải xô dành cho nước, cá và tới đây là cho dân?

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa