Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Chuyện đại học (5)

Như đã biên trong bài trước, đời dạy học của tôi gắn với Trường dự bị đại học TP.HCM 17 năm trời (từ năm 1977 đến 1993, và thêm năm 1995 sau đó). Gần như phần tuổi xuân, cái thời hăng hái nhất đời tôi gắn với nghề dạy, sau này bỏ nghề, những lúc vẩn vơ nghĩ lại cũng tiêng tiếc.

Khoảng mấy năm đầu thập niên 80, hình như năm 1982 thì phải, phong trào luyện thi đại học được khơi lên. Đành rằng do nhu cầu mà phát sinh nhưng có thể nói luyện thi đã dần dà làm hỏng chất lượng đại học. Những học sinh trình độ kém, ít tài năng sau cú trượt lần 1 đã dồn hết sức cho đợt luyện thi, chỉ học ròng rã 3 môn theo khối thi, làm gì mà không đủ khả năng đánh bật được những học sinh phổ thông mới tốt nghiệp, tuy khá và giỏi nhưng vừa trải qua kỳ thi vất vả, đã mệt nhoài nên khó đua tranh.

Trong suốt gần hai chục năm trời, Trường dự bị đại học TP.HCM nổi tiếng là trung tâm luyện thi uy tín, mỗi năm thu hút hàng nghìn học sinh khắp cả miền Nam. Có những năm, vào thời điểm hoàng kim luyện thi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm phải ra lệnh hạn chế nhận thí sinh vào trường mặc dù nhận vào là có tiền, bởi không đủ chỗ học, giáo viên dồn giờ dạy cho luyện thi nhiều quá nên chểnh mảng nhiệm vụ chính. Đồng tiền kiếm từ luyện thi giúp cho đời sống giáo viên khá hơn nhưng hầu như chả mấy ai nghĩ rằng chính họ đã góp phần làm hư hỏng hệ đại học. Tôi có anh bạn là giảng viên Trường đại học Tổng hợp, bên ấy cũng căng ra luyện thi, anh kể có ngày dạy luyện thi tới 10 tiết, sáng 4, chiều 4, tối 2, chỉ kịp nhét miếng cơm vào mồm rồi cuống cuồng lên lớp. Lúc nào cũng thèm ngủ. Sài Gòn những năm đó trong giới giáo viên tồn tại một câu lạc bộ có tên CLB 30 triệu. Ai dạy luyện thi thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì đương nhiên được gia nhập CLB này. Đồng tiền khiến nhiều thầy cô bị say, say tiền. Một thầy ở trường tôi cũng vậy, thầy Nguyễn Loan dạy toán, dạy nhiều đến mức bị kiệt sức, suy nhược cơ thể, vào bệnh viện được vài hôm thì mất.

Nhưng không phải thầy cô nào cũng khá lên nhờ luyện thi đại học. Chủ yếu là các môn phục vụ khối thi A và B (toán, lý, hóa, sinh) thôi chứ đám văn sử địa hầu hết vẫn đói dài. Tôi cố trụ mãi nhưng học sinh luyện thi môn văn cứ ngày càng ít dần. Chả muốn kéo dài tình trạng vừa lên lớp, vừa giữ xe cho học trò, vừa nuôi gà công nghiệp… nên đầu năm 1993 tôi quyết định xin nghỉ, đi làm thuê cho nước ngoài. Thầy Nguyễn Văn Vy bạn tôi đùa bảo giá dấn bước thêm tí nữa ra bến Nhà Rồng nhân tiện tìm đường cứu nước cứu nhà luôn có phải một công đôi việc không. Tôi xuống phòng hành chính ký nhận cái quyết định nghỉ việc và qua phòng tài vụ lĩnh cục tiền, được hơn 3 triệu đồng, tính ra sau 16 năm làm việc cho nhà nước được gần 7 chỉ vàng. Số tiền ấy chưa kịp dùng vào việc gì thì một người quen cùng quê là bộ đội ở Cần Thơ lên hỏi mượn, hẹn 1 tuần trả. Vợ chồng tôi nể quá, đưa rồi mà cứ lo lo. Sau 2 tuần chả thấy y đâu, từ bấy bặt luôn không gặp lại con nợ nữa. Xuống Cần Thơ dò hỏi, hóa ra anh ta bị quân đội loại ngũ, đã lừa một lượt tất tật người quen rồi đùm đúm cả vợ con kéo nhau bùng mất. Sau 16 năm, tôi quay lại thời ban đầu với hai bàn tay trắng.


Như tôi từng kể, cùng trường có nhiều thầy cô giáo cũ dạy ở Sài Gòn trước năm 1975 rất giỏi. Một hôm, tôi hỏi thầy Chu Đức Khánh, giáo viên toán, sao mà ông học kinh thế, vừa lấy bằng cử nhân toán của Đại học Khoa học Sài Gòn (anh Khánh là học trò cưng của thầy GS Đặng Đình Áng), vừa lấy bằng tốt nghiệp Viện quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, anh ấy cười bảo tưởng gì, sinh viên miền Nam trước 1975 học 2 - 3 trường cùng lúc là chuyện thường. Các trường đại học đều mở rộng cửa, cứ đậu tú tài 2, đăng ký, đóng tiền là học, muốn học bao nhiêu cũng được. Làm gì có chuyện chen nhau luyện thi như bây giờ. Quan trọng là cái đầu ra, chất lượng của đầu ra. Nền đại học của miền Nam trước 1975 không quan tâm đến đầu vào, chỉ cốt đầu ra thôi. Ai cũng có thể vào học, không cần ưu tiên, khu vực, đối tượng, nhóm này nhóm nọ. Cứ ghi danh. Học thế nào thì học, phải thi lấy đủ chứng chỉ. Không đủ và tất nhiên là không đạt chất lượng thì cứ việc học cho đến già hoặc vào lính.

Giờ nhớ lại chuyện cũ của thầy Khánh, thấy đúng là nền đại học của chế độ mới càng ngày càng lụn bại. Những kỳ thi tuyển sinh ngày càng nặng nề, tốn kém, trở thành tai ách cho xã hội. Bao nhiêu tiền của, công sức đổ vào thứ thủ tục hành dân vĩ đại ấy nhưng vẫn không làm những người cai quản giáo dục vừa lòng. Họ liên tục bày vẽ ra đủ thứ, miệng kêu gào đổi mới nhưng lại là những kẻ bảo thủ hạng nặng. Cứ điểm lại, nền giáo dục của chế độ này, dù so với thời thuộc Pháp đã kém xa nhưng ít ra cũng ghi điểm được ít nhiều vào thời các bộ trưởng, những vị thượng thư đầu ngành uy tín như Tạ Quang Bửu (Bộ ĐH và THCN), Nguyễn Văn Huyên (Bộ Giáo dục), nhưng rồi cứ trượt dần, càng ngày càng tụt xa so với cũ và với thế giới xung quanh. Trải qua các đời thượng thư bộ đại học và giáo dục (sau này gộp thành Giáo dục – đào tạo) Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Đình Tứ, Phạm Minh Hạc, Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, giáo dục nước nhà ngày càng bết bát, như ngôi nhà mục nát chờ ngày đổ sụp. Người ta đùa nhau: Trường chẳng ra trường, lớp không ra lớp, thầy chả ra thầy, trò chẳng ra trò, đó chính là đỉnh cao chói lọi của nền giáo dục do những người cộng sản lãnh đạo.

Bây giờ mở mắt ra là nhìn thấy trường đại học. Họ mở nhan nhan trên khắp nước. Một xã hội được đại học hóa một cách khiên cưỡng, tùy tiện. Các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân có công đầu trong việc tạo rác đại học cho xứ này, nay thì ông Nguyễn Xuân Phúc tha hồ mà dọn dẹp. Ông Dũng đã hạ cánh an toàn, giờ cười mỉm sống chết mặc bay. Ông Nhân chẳng những không bị xử lý gì mà ngày càng leo cao, làm đến Ủy viên Bộ Chính trị trong bộ máy chóp bu triều đình. Một nước có hàng vạn giáo sư, phó giáo sư, hàng mấy trăm nghìn tiến sĩ nhưng hầu như không có công trình khoa học nào đáng kể. Mỗi năm gần 200.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp không có công ăn việc làm mà lý do cơ bản là trình độ quá kém… Nhưng các nhà cai trị cứ như những kẻ đui điếc liều, hằng năm vẫn ào ào mở trường đại học, rầm rộ thi cử, tuyển sinh, thu tiền, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Con thuyền giáo dục xứ này, buồm thì tả tơi rách nát, thuyền trưởng và thủy thủ lọng cọng, u tối, chưa cần ra biển rộng, chỉ quanh quẩn trong cừ kênh mương rạch, ao tù hồ cạn cũng đã đủ chao đảo, chấp chới, đắm chìm.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Cứ mỗi lần nhắc tới nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa, người ta lại nhắc tới những người như giáo sư Hoàng Tụy, Tạ Quang Bửu ... và xem họ là những người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục XHCN.

    Tớ chỉ hỏi, mô hình mà các vị ấy đặt những viên gạch đầu tiên là mô hình gì ?

    Có lẽ nếu xét theo quan niệm tư bẩn, đúng là mô hình cái cầu tuột đến vô tận . Nhưng nếu nhìn theo quan niệm Xã Hội Chủ Nghĩa, lại là bệ phóng cho giàn hỏa tiễn càng ngày càng vươn lên những đỉnh cao mới .

    "chưa cần ra biển rộng, chỉ quanh quẩn trong cừ kênh mương rạch ao tù hồ cạn cũng đã đủ chao đảo, chấp chới, đắm chìm"

    Bác Thông nhìn sai rồi . Đó là đâm xuống sình càng ngày càng sâu đấy .

    "Gần như phần tuổi xuân, cái thời hăng hái nhất tôi gắn với nghề dạy, sau này bỏ nghề, những lúc vẩn vơ nghĩ lại cũng tiêng tiếc"

    Bác dạy văn XHCN tiếc làm nhà báo XHCN gì cho nó mòn người ra . Hồi đó thầy cô dạy thì dạy, tụi em cũng chả thèm học, ngoại trừ đám thi vào Tổng hợp ngoại ngữ, phải học vì thi . Chứ tốt nghiệp xong là cân ký lô hết .

    Văn học XHCN ấy à, kinh bỏ mịa lên được . Cứ tưởng thơ Lê Đức Thọ đã là hết mức, bố khỉ lại vớ phải tập sách gồm những cây đa cây đề ca tụng thơ Lê Đức Thọ là đỉnh cao . May quá, thi xong thề không ngó ngàng gì tới văn thơ XHCN, chứ không chắc cũng nhà báo XHCN ngáp phải ruồi vớ phải tập sách của những cây vàng tâm ca ngợi những cây đa cây đề ca ngợi thơ Lê Đức Thọ là đỉnh cao .

    Ngày xưa có (rất nhiều) lần sau giờ văn, tụi học trò phải đi xả hơi vì bài văn/thơ gì đó quá kinh dị/khủng! Đôi khi phải phục các giáo viên dạy văn . Nhưng lại nghĩ, như công nhân bể phốt, chắc mấy người đó không còn biết thối tha là gì .

    Trả lờiXóa